Đón đầu cuộc chơi nhà thông minh 'made in Vietnam'

Quang Lê - 14:47, 02/01/2018

TheLEADERNắm bắt công nghệ và tùy biến phù hợp với người dùng Việt, ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường smarthome - nhà thông minh.

Smarthome là giải pháp nhà thông minh với ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều khiển vận hành toàn bộ các thiết bị điện, hệ thống an ninh trong nhà một cách hoàn toàn tự động hoặc bán tự động, theo nhiều cách thức, như trực tiếp bằng công tắc cảm ứng, điều khiển từ xa qua máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh, hoặc điều khiển bằng bộ điều khiển từ xa (remote).

Tìm lỗi hàng trăm lần

Ý tưởng nhà thông minh đã được ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc Công ty Acis ấp ủ trong quá trình làm kỹ sư xây dựng giám sát thi công tại các tòa nhà hiện đại. Khi đó, ông tiếp cận được công nghệ nhà thông minh do các công ty nước ngoài đảm nhận thiết kế và được bán với giá rất đắt. Vốn đam mê ngành điện tử trước đó, ông Đồng mày mò nghiên cứu công nghệ smarthome và thấy rằng hoàn toàn có thể làm được.

Hoàn thành được bộ sản phẩm ứng dụng cho nhà thông minh, ông rất tự tin sẽ thành công vì thị trường chưa có nhiều người tham gia, giá rẻ hơn nhiều lần so với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, sản phẩm không nhận được sự đón nhận từ người tiêu dùng.

Đón đầu cuộc chơi nhà thông minh 'made in Vietnam'
Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc Công ty Acis

Cú sốc thất bại giúp ông nhận ra nhiều điều, rằng, sản phẩm đã loại bỏ đi các thiết bị công tắc truyền thống, khiến người sử dụng cảm thấy bật tiện. Để sử dụng bộ sản phẩm đòi hỏi phải đi lại hệ thống dây điện khiến việc lắp đặt trở nên phức tạp. Điều quan trọng là nó ra đời vào thời điểm mà mọi người chưa nhận thấy được lợi ích nhà thông minh mang lại, trong khi số tiền bỏ ra cũng không nhỏ.

Tuy nhiên, ông đã không bỏ cuộc, đem toàn bộ ý tưởng đến Vườn ươm Khu Công nghệ TP.HCM nhờ hỗ trợ. Trong môi trường mới, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Vườn ươm Khu Công nghệ TP.HCM, anh và các đồng sự tiếp tục nghiên cứu sâu để hoàn thiện hệ thống sản phẩm cho giải pháp nhà thông minh.

“Cũng dựa trên nền công nghệ thiết bị trước, nhưng tiêu chuẩn hóa từng bộ phận, đồng thời áp dụng các công nghệ mới nhất như điện toán đám mây, IoT để xây dựng lại mọi thứ”, anh Đồng cho biết.

Đón đầu mô hình thành phố thông minh

Nền tảng công nghệ giải pháp nhà thông minh của Acis đã được đưa vào phát triển hệ thống đèn đường thông minh. Đây là một start up mới của ông Đồng, với giải pháp, thông qua công nghệ truyền dẫn không dây do Acis chế tạo và Internet để truyền nhận dữ liệu, từ đó kiểm soát và điều khiển từ xa, như thiết lập hẹn giờ cho từng chế độ chiếu sáng, tắt/mở trực tiếp từ xa, cảnh báo đèn hư hỏng, hiển thị trạng thái chiếu sáng từng đèn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí bảo trì và hiện đại hóa hệ thống đèn đường chiếu sáng công cộng, chưa kể có thể phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tạo nền tảng cho mô hình thành phố thông minh. Và dự án này đã được đưa vào hiện thực hóa trong Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Trong thời gian hai năm, Acis đã nghiên cứu hoàn thiện các bộ phận sản phẩm cho nhà thông minh như công tắc cảm ứng, thiết bị kết nối MCE, điều khiển hồng ngoại, rèm cửa tự động, thiết bị bao cháy, hệ thống an ninh, lập trình các phần mềm điều khiển… Một trong những nghiên cứu táo bạo của Acis chính là tự phát triển công nghệ truyền dẫn không dây. Thông thường, các hãng làm nhà thông minh sẽ đi mua công nghệ này từ bên phát triển thứ ba, vừa rẻ vừa rút ngắn thời gian sản xuất, nghiên cứu.

Người ta thường sử dụng hệ truyền dẫn Zigbee (Singapore), nhưng Acis nhìn thấy một bất lợi khác là, hệ truyền dẫn này phụ thuộc vào bộ truyền phát router được lắp theo một đường thẳng, để truyền dẫn dữ liệu, quản lý các thiết bị xung quanh, mà chỉ cần một router nào đó trong hệ này hư hỏng thì toàn bộ hệ thống nhà thông minh sẽ không điều khiển được. Việc tự phát triển công nghệ truyền dẫn không dây giúp Acis đi đến giải pháp phát triển mạng lưới “siêu phân luồng ô bàn cờ”, mà đường truyền dữ liệu chia theo nhiều nhánh và mượn các công tắc cảm ứng làm điểm truyền dẫn dữ liệu. Do đó, nếu một công tắc hư thì việc truyền dẫn dữ liệu vẫn thông suốt qua các công tắc cảm ứng khác, rải khắp tòa nhà.

Mục tiêu quan trọng mà nhóm nghiên cứu của Acis muốn hướng đến, dựa trên kinh nghiệm của lần thất bại ban đầu là thiết lập giải pháp nhà thông minh dễ sử dụng, theo cách mà các nhà sản xuất máy tính tạo ra các thiết bị chỉ cắm vào và chạy. Theo đó, các sản phẩm phải dễ lắp đặt trên những ngôi nhà hiện hữu, chỉ việc thay các công tắc cơ truyền thống bằng công tắc cảm ứng, không đục tường để đi lại hệ thống dây. Một khi đã lắp đặt hoàn thiện, khách hàng chỉ việc sử dụng, mà không cần phải thực hiện các thiết lập chương trình phức tạp.

Do làm chủ khâu thiết kế và sản xuất, nên giải pháp nhà thông minh của Acis cung cấp nhiều tiện ích. Người dùng có thể điều khiển mọi thiết bị trong nhà qua đa kênh từ các thiết bị số cá nhân phục vụ theo dõi từ xa cho đến công tắc hoặc remote. Acis thiết lập các chương trình điều khiển theo ngữ cảnh, mà chỉ bằng một lần chạm, như chủ nhà chỉ cần bấm vào nút “đi làm” thì các thiết bị điện không cần sử dụng sẽ tự tắt đồng thời kích hoạt hệ thống chống trộm, báo cháy. Acis giả lập giao diện 3D chạy trên điện thoại, máy tính bảng để tăng độ sinh động và điều khiển một cách chính xác là hình ảnh thực của chính căn nhà với từng phòng, khu vực, chủ nhà chỉ cần chạm vào đèn, máy lạnh, hay rèm cửa trên mô hình giả lập này là hệ thống tự chạy.

“Để đi đến sự hoàn thiện, chúng tôi phải thử sai, hiệu chỉnh thiết bị, tìm lỗi hàng trăm lần. Có nhiều khi hệ thống chạy trong phòng thí nghiệm rất ổn định nhưng đến khi lắp đặt tại nhà khách hàng lại phát sinh lỗi. Cứ qua mỗi lần tìm ra lỗi và sữa chữa hoàn thiện thì hệ thống chạy càng ổn định. Trong giải pháp nhà thông minh, độ ổn định rất quan trong vì phải chạy liên tục 24/24 và sự ổn định là yếu tố đem lại niềm tin cho người dùng”, ông Đồng nói.

Điều này cũng giúp lý giải phần nào việc Acis chỉ đem giải pháp nhà thông minh giới thiệu ra thị trường từ năm 2014, nhưng đến nay đã thực hiện hàng tram công trình, với doanh thu gần chục tỷ đồng/năm.

Không quá lo ngại trước đối thủ Trung Quốc

Nhìn về câu chuyện cạnh tranh trên thị trường nhà thông minh, theo ông Đồng, vẫn còn đủ sân chơi cho mọi người chơi, do thị trường đang trong quá trình hình thành xu hướng. Ông cho biết không quá lo ngại trước đối thủ Trung Quốc vì xác lập ở phân khúc cao cấp, với nhiều tính năng, độ ổn định tốt và hậu mãi chu đáo. 

Tuy nhiên, thị trường nhà thông minh sẽ đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt chính từ các hãng công nghệ tiếng tăm, như Samsung, Apple, Microsoft. Các hãng này đã đi trước rất xa về giải pháp nhà thông minh, nhưng chưa gia nhập thị trường Việt Nam vì dung lượng thị trường còn nhỏ. Nhưng một khi giải pháp nhà thông minh được sử dụng một cách phổ thông thì các công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này phải cảnh giác.

Người mày mò công nghệ nhà thông minh 'made in Vietnam'
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng Công ty Nhà thông minh ACIS.

Acis đang có những bước đi xa hơn để chuẩn bị trước điều này. Theo ông Đồng, làm chủ công nghệ với độ tinh tế là cách thức để đối chọi. Acis đang xây dựng một hệ sinh thái riêng để cho các thiết bị chạy trên nền tảng này một cách ổn định và đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng nhằm tạo sự khác biệt về mặt công nghệ. 

Cách làm này tương tự với Apple sử dụng riêng hệ điều hành IOS chạy cho điện thoại thông minh, máy tính bảng đã cân bằng cuộc đấu với sự đa dạng chủng loại các thiết bị số sử dụng hệ điều hành Android. 

Song song đó, Acis tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo cho cho giải pháp nhà thông minh. Có nghĩa rằng các thiết bị trong nhà sẽ phân tích các thói quen của chủ nhà và đoán trước các nhu cầu sẽ diễn ra. Chẳng hạn, chủ nhà chỉ cần bước vào giường, là hệ thống tự mở máy lạnh, giảm đèn phòng ngủ, mở hệ thống an ninh, tắt các thiết bị điện ở các khu vực khác… 

Hiện nay, Acis đã đi được một phần trong chặng đường này, “sẽ có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành, vì đó là xu hướng của tương lai, cũng là lõi để cạnh tranh”, ông Đồng cho biết.