Dự án sân bay Quảng Trị cần làm rõ nhiều nội dung

Nguyễn Cảnh - 13:25, 15/12/2022

TheLEADERBộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Trị rà soát, giải trình một số vấn đề về dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư.

Dự án sân bay Quảng Trị cần làm rõ nhiều nội dung
Theo thẩm định của Ngân hàng nhà nước, trong 12 năm đầu khai thác, dự án không có khả năng trả nợ (ảnh minh họa)

Căn cứ nội dung thẩm định liên ngành (gồm các bộ chức năng liên quan), Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị giải trình, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 – xây dựng cảng hàng không thuộc dự án Cảng hàng không Quảng Trị.

Cụ thể, bộ này đề nghị làm rõ các vấn đề đáng chú ý như: Lợi thế đầu tư theo phương thức PPP; khả năng huy động vốn; phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội...

UBND tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư (Tập đoàn T&T) làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch liên quan (như định hướng quy hoạch tỉnh 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đang được lập; kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng của huyện Gio Linh…).

Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng BOT 49 năm 8 tháng của dự án là dài so với các dự án khác thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Bộ đề nghị bổ sung các tài liệu nghiên cứu và số liệu thực tiễn theo thông lệ quốc tế để có cơ sở đề xuất thời gian này.

Tỉnh Quảng Trị cũng được đề nghị giải trình nguyên nhân tăng và giải pháp tài chính bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn cho dự án; rà soát, tính toán kỹ chi phí để xác định tổng mức đầu tư, đảm bảo suất đầu tư phù hợp quy định. Tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tăng 76 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, trong khi đó bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã tính toán chi phí dự phòng cho khối lượng, yếu tố trượt giá…

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 5.900 tỷ đồng cho 2 giai đoạn. Tuy nhiên, phân kỳ thực hiện giai đoạn 1 trong 24 tháng, giai đoạn 2 trong thời gian rất dài từ 2029-2059. Như vậy, tính chính xác, ổn định của tổng mức đầu tư giai đoạn 2 (khoảng 2.950 tỷ đồng) là chưa thể xác định được, Bộ Kế hoạch đầu tư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vốn tín dụng dài hạn, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu là ngắn hạn. Do đó, các tổ chức tín dụng khó cân đối nguồn vốn để cho vay. Việc này đòi hỏi tỉnh Quảng Trị cần tính toán, xây dựng các phương án đầu tư, cơ cấu nguồn vốn phù hợp để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ rất lớn là khi triển khai dự án, tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục tăng và vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, dẫn tới việc phải điều chỉnh từ chủ trương đầu tư đến báo cáo nghiên cứu khả thi, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Cụ thể, dự án được phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư (tại Quyết định 2148 năm 2021 của Thủ tướng) là khoảng 5.510 tỷ đồng, trong khi con số này tại báo cáo nghiên cứu khả thi là gần 5.900 tỷ đồng (tức tăng khoảng 7,1%).

Theo quy định tại Luật PPP, mức tăng này chưa dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng những giá trị của các khoản mục đầu tư tăng khá lớn, vượt cả dự phòng trong sơ bộ tổng mức đầu tư đã được duyệt. Trong khi đó, chi phí dự phòng giảm từ 13,4% xuống còn 8,3% cho cả dự phòng về khối lượng và trượt giá.

Theo thẩm định của Ngân hàng Nhà nước, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia vào dự án ở mức rất thấp (chiếm khoảng 18,75% tổng vốn huy động). Do đó, cần xem xét tăng tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để tăng tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Tổng nhu cầu vốn tín dụng thực hiện dự án cả 2 giai đoạn khoảng 4.800 tỷ đồng (nhu cầu cho giai đoạn 1 là 2.398 tỷ đồng, chiếm khoảng 81% tổng mức đầu tư giai đoạn 1; giai đoạn 2 là khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 81% tổng mức đầu tư giai đoạn 2). Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vốn tín dụng.

Đáng chú ý, trong 12 năm đầu khai thác, dự án không có khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn của dự án rất dài (47 năm 8 tháng). Do đó, dự án khó có khả năng thu hút vốn tín dụng. Từ đây, Ngân hàng Nhà nước đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ khả năng huy động vốn vay cho dự án. Đồng thời, nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động để đầu tư dự án, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng.

Dự án cảng hàng không Quảng Trị có quy mô khoảng 317ha (diện tích đất dùng chung khoảng 178ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng khoảng 88ha, diện tích đất khu quân sự khoảng 51ha), tại 3 xã thuộc huyện Gio Linh. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, đối với khu đất dành cho quân sự, cần xin ý kiến Bộ Quốc phòng và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, dự án sẽ được thực hiện tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai (huyện Gio Linh). Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng-an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng, phù hợp quy hoạch và định hướng phát triển ngành giao thông vận tải.

Về quy mô, dự án đầu tư theo cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II với công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là tàu bay code C hoặc tương đương với tổng số 5 vị trí đỗ tàu bay (có khả năng đỗ tàu bay code E).

Dự kiến, thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng bắt đầu từ 2021 - 2024 với thời gian thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự án là 47 năm 4 tháng.

Thủ tướng cũng giao nhà đầu tư (Công ty CP Tập đoàn T&T) đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trên. Đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin và số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng như các giải trình liên quan đến hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến thẩm định của các bộ ngành Trung ương.