Đưa lãi suất tiền gửi về 0%: Bất hợp lý, bất khả thi!

Phương Linh - 08:25, 24/06/2021

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính về việc hạ lãi suất tiền gửi về 0% là bất hợp lý, không thể xảy ra ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành kiến nghị một số giải pháp để hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Theo hiệp hội này, việc hạ lãi suất huy động sẽ giúp bảo đảm lãi suất cho vay thấp, từ 2-5%, qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển.

Trao đổi với TheLEADER, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI là bất khả thi tại Việt Nam. 

Thậm chí, nếu được hiện thực hóa, nó còn có thể gây ra những rủi ro rất lớn cho hệ thống tài chính và sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ông Hiếu chỉ ra 5 nguyên nhân minh chứng cho đề xuất của VAFI là không hợp lý.

Thứ nhất, nhiều quốc gia đã và đang áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi bằng 0%. Tại Mỹ, hiện lãi suất tiền gửi đang ở mức rất thấp, từ 0 - 0,25%. Ở một số nước châu Âu, lãi suất tiền gửi còn ở mức âm, tức người dân không những không được hưởng lãi suất mà còn phải chi trả chi phí khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

"Lãi suất tiền gửi bằng 0 là điều không thể xảy ra ở Việt Nam"
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI là bất khả thi tại Việt Nam

Theo vị chuyên gia này, một số quốc gia có chính sách lãi suất như vậy là do họ có môi trường tài chính, nền kinh tế rất phát triển. Lãi suất là chi phí cho giá vốn, sự đền bù cho rủi ro. Điều này có nghĩa, rủi ro thấp thì lãi suất thấp, rủi ro càng cao thì lãi suất sẽ càng cao.

Do đó, muốn lãi suất bằng 0 thì rủi ro gửi tiền tại ngân hàng cũng phải bằng 0. Đáng tiếc, đây lại là điều không xảy ra ở Việt Nam. Tại Việt Nam, chỉ có trái phiếu của Chính phủ là không rủi ro nhưng cũng vẫn có lãi suất cho người mua.

Như vậy, việc gửi tiền ngân hàng với rủi ro cao hơn trái phiếu Chính phủ mà lãi suất cũng bằng 0 thì sẽ là điều vô cùng bất hợp lý.

Thứ hai, điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đang ở mức thấp do mức độ rủi ro của nền kinh tế ở mức cao. Với điểm tín nhiệm quốc gia như vậy, người gửi tiền vào ngân hàng sẽ khó có thể chấp nhận được việc lãi suất bằng 0.

Thứ ba, lạm phát của Việt Nam đang ở mức 3,5%. Trong khi đó, để có lãi suất thực dương khi gửi tiền tại ngân hàng thì mức lãi suất huy động trừ đi lạm phát phải dương. 

Lãi suất gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng phải ở mức trên 3,5%, còn nếu xuống dưới 3,5%, người gửi tiền sẽ bị thiệt hại. Nếu lãi suất xuống 0%, tức là mức thực âm, đây sẽ là điều khó chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, trong trường hợp lãi suất huy động thực âm, người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản... với tỷ lệ sinh lợi cao hơn. Khi đó, hệ thống ngân hàng sẽ ngay lập tức mất thanh khoản. Đây sẽ là rủi ro rất lớn cho hệ thống tín dụng.

Thứ năm, việc dòng tiền quá lớn từ phía người dân rời khỏi ngân hàng, ồ ạt chảy vào các kênh đầu tư sẽ tạo bong bóng trên thị trường, rủi ro đối với cá nhân nhà đầu tư cũng như các thị trường chứng khoán, bất động sản và toàn nền kinh tế.

"Việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là bất khả thi và không có cơ sở thực hiện", ông Hiếu nhấn mạnh.

Giải pháp hạ lãi suất cho vay 

Bên cạnh kiến nghị hạ lãi suất của VAFI, ông Hiếu cũng cho rằng, giải pháp hạ lãi suất tiền gửi để hạ lãi suất cho vay là không hiệu quả.

Theo đó, nếu lãi suất huy động về 0 thì lãi suất cho vay ít nhất sẽ ở mức 3% để đảm bảo biên độ lợi nhuận cho ngân hàng. Trong trường hợp này, các ngân hàng sẽ tìm những khách hàng lớn, doanh nghiệp có khả năng kinh doanh tốt để ưu tiên cho vay.

Còn lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khó khăn tài chính vẫn sẽ rất khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Thay vì giảm lãi suất, ông Hiếu kiến nghị, Chính phủ nên xây dựng một tổ hợp tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là giải pháp đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ hàng chục năm nay và cho thấy sự hiệu quả rất lớn.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra chủ trì để thành lập một tổ hợp tín dụng mà các ngân hàng đều phải tham gia. Ngân hàng lớn tham gia với lượng vốn lớn, ngân hàng nhỏ tham gia với số vốn nhỏ. Tổng lượng vốn của tổ hợp tín dụng này khoảng 300.000 tỷ đồng nhằm phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để có lãi suất cho vay thấp, các ngân hàng nên dùng một phần vốn huy động không kỳ hạn, lãi suất thấp thậm chí bằng 0 để đóng góp vào tổ hợp tín dụng. Với số vốn huy động đó, tổ hợp tín dụng này có thể cho vay với lãi suất rất thấp, từ 3 - 5%.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận, điều khó giải quyết nhất trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là rất ít doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Họ không đủ điều kiện vay thế chấp, trong khi, nếu cho vay tín chấp, rủi ro là rất lớn.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy nguồn vốn ngân sách làm vốn điều lệ. Quỹ bảo lãnh tín dụng này phải có nguồn vốn điều lệ rất lớn, khoảng 30.000 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn điều lệ của một ngân hàng (ít nhất 3.000 tỷ đồng) để có thể bảo lãnh cho vay tín chấp cho các doanh nghiệp.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thay vì kiến nghị hạ lãi suất tiền gửi về 0% như đề xuất của VAFI.