'Đừng chỉ chăm chăm kiếm chác mà quên cơ hội lịch sử là cải cách thể chế'

Kim Yến - 10:33, 19/08/2019

TheLEADERBối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng và nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ đang đặt ra cho Việt Nam những cơ hội chưa từng có để bứt phá, đạt đến một đẳng cấp mới.

Doanh nghiệp hãy gây áp lực về cải cách chính sách nhiều hơn nữa

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh Forbes Vietnam 2019, TS. Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp của Công ty chứng khoán MayBank Kim Eng đánh giá, Việt Nam là thị trường khá mở, vị trí địa lý thuận tiện. Nghiên cứu 3.000 sản phẩm từ Trung Quốc mà Mỹ áp thuế, trong khi xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 30%, rõ ràng Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến này. Thêm nữa, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ lại nhập khẩu từ Việt Nam, như vậy Việt Nam được hưởng lợi hai lần. Việt Nam đang nổi bật trong “sóng rada” của Mỹ, lợi nhuận từ giao thương với Mỹ rất lớn nếu nhìn vào tỷ giá.

'Đừng chỉ chăm chăm kiếm chác mà quên cơ hội lịch sử là cải cách thể chế'
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn kinh doanh Forbes Vietnam 2019 (Từ trái sang: ông Chua Hak Bin, ông Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Đức Thuấn)

Việt Nam cũng đang thành công trong đầu tư FDI, lượng tăng gấp đôi. Nhiều quốc gia khác muốn lấy lại nguồn FDI này nhưng không thành công. Nguồn FDI vào Việt Nam cũng rất đa dạng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… mà không phụ thuộc vào một nước đơn lẻ nào như Campuchia hay Lào quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Chua Hak Bin cũng lưu ý Việt Nam nên cẩn trọng với bối cảnh hiện tại. Khi Mỹ thấy dòng vốn FDI đổ về Việt Nam nhiều quá sẽ dè chừng, soi xét kỹ nguy cơ Việt Nam là trung gian cho hàng hoá Trung Quốc nhập vào Mỹ. Việt Nam phải bảo đảm được vấn đề xuất xứ nguồn gốc bởi mảng sản xuất có giá trị gia tăng cao nhất, chiếm 50% khoản lợi từ thương mại. 

"Việt Nam phải làm sao đáp ứng cơn lũ đầu tư đang dồn về, giá đất, giá lao động chắc chắn sẽ tăng cao, trong khi Việt Nam mới chỉ đáp ứng được lượng dịch chuyển nhỏ. Chính phủ phải có chiến lược khai thác, đa dạng hoá nguồn FDI không chỉ ở các thành phố lớn như TP. HCM mà ở nhiều địa phương khác”, ông Chua Hak Bin nói.

Đồng thuận với quan điểm của ông Chua Hak Bin nhưng PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tỏ ra dè dặt và khách quan hơn. Theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam đang tốt dần lên từ 3 năm trở lại đây chứ không chỉ nhờ cuộc chiến tranh Mỹ - Trung. Cải cách vĩ mô ổn định đã mang lại tác dụng, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với những đối tác đáng tin cậy như EU, CPTPP… bảo đảm tương lai cải cách Việt Nam, khiến niềm tin của đối tác nước ngoài tăng lên, cùng với đó là cơ hội lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

"Nhưng may mắn đó liệu có làm chậm lại quá trình cải cách thể chế của Việt Nam? Việt Nam đang nằm trong tâm điểm cả hai đối tác kinh tế hàng đầu thế giới. Chúng ta phải lường đến tác động rung lắc dài hạn, chứ không chỉ kiếm chác ngắn hạn. Việt Nam chưa đủ sức để đón làn sóng dịch chuyển ào ạt này, vì tiềm lực kinh tế chưa hẳn tốt, chưa dài hạn. Thử thách của chúng ta không chỉ vượt qua khó khăn mà đạt tới lợi ích cao hơn, phía trước giông bão rất lớn, cần trận quyết đấu để vượt lên", ông Thiên cảnh báo.

Ông Thiên phân tích, Việt Nam từng chứng kiến sự đầu tư tràn ngập đã biến thành mối nguy, vì năng lực chuẩn bị còn rất nhiều vấn đề, kể cả cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cuộc đấu giữa hai người khổng lồ Mỹ - Trung có mang đến cơ hội nhưng đừng chỉ chăm chăm kiếm chác mà quên cơ hội lịch sử là cải cách thể chế. Đây là cơ hội ngàn năm cho Việt Nam cải cách thể chế, thoát khỏi cái cũ, vượt lên chính bản thân mình. Bởi thời cơ mới này nằm trong kỷ nguyên số, đòi hỏi năng lực, cơ chế vận hành khác hẳn.

"Kỷ nguyên số là thoát cũ, thay mới. Nhưng quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kéo dài 10 năm rồi mà chưa hoàn thiện, chứng tỏ thoát rất khó. Chúng ta hay nói thoát Trung, thoát Á nhưng trước tiên hãy thoát khỏi chính chúng ta trước đã.

Tái cơ cấu giả dụ thành công thì nền kinh tế đứng lên sau đó vẫn có thể sụp nếu chúng ta không nhập cuộc vào cuộc chơi mới. Việt Nam không bước vào kinh tế số sẽ bị loại khỏi cuộc chơi chứ không phải tụt hậu vì chỉ còn một mình mình. Vì thế sự xung đột giữa 2 cường quốc đang tạo áp lực cho Việt Nam chuyển đổi, miễn là có quyết tâm.  

Nhà nước phải thay đổi chức năng của mình, trở thành nhà nước kiến tạo, coi doanh nghiệp tư nhân là chủ thể của nền kinh tế nhiều hơn nữa. Tôi đề nghị Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hãy gây áp lực và đề xuất với Chính phủ về cải cách chính sách nhiều hơn nữa. Quyết tâm ấy đã nhen nhóm nhưng làm sao cho nó đừng tàn lụi”, ông Thiên nói.

Nguy cơ cuộc chiến tiền tệ và ứng phó của doanh nghiệp

Đánh giá cụ thể về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào doanh nghiệp và nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ, ông Trần Đình Thiên cho biết, về tổng thể, có mặt hàng đang tốt lên nhưng có mặt hàng đang gay go. Thị trường xuất khẩu Trung Quốc đang thay đổi về khối lượng không chỉ do cuộc chiến này mà do cấu trúc. Nếu lan sang cuộc chiến tiền tệ, ảnh hưởng chắc chắn rất lớn, tỷ giá hối đoái thay đổi, dịch chuyển dòng vốn thay đổi sẽ tạo biến cố khó lường, tác động tiêu cực về dài hạn.

"Một bên USD tăng giá so với đồng Nhân dân tệ, ứng phó chính sách cực kỳ khó khăn. Rất may kiển soát vĩ mô của Việt Nam hai năm nay khá tự tin nhưng nếu có biến cố chưa biết sẽ thế nào. Chính sách của Việt Nam là cố gắng giữ ổn định thị trường tiền tệ, có điều chuyển mềm dẻo”, ông Thiên nhìn nhận.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital lại dự đoán sẽ khó xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ đúng nghĩa, nếu có, chỉ là những hoạt động điều chỉnh thị trường mang tính đối phó. 

Theo ông Tuấn, chiến tranh thương mại là tất yếu, hiển nhiên. Nếu nhìn lịch sử thế giới khoảng 100 năm, khoảng 16 lần mâu thuẫn giữa các đế chế dẫn đến 12 lần chiến tranh. Trong 3 đến 4 năm vừa qua có nhiều mâu thuẫn nhưng không dẫn tới chiến tranh nào cả, vậy bản chất cuộc chiến này là gì?

Thị trường tài chính Trung Quốc vốn hoá sẽ vượt Mỹ trong tầm 10 năm nữa. Mỹ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề không giản đơn. Liệu có xảy ra cuộc chiến tiền tệ? Cuộc chiến tiền tệ gần nhất vào 1977 khiến thế giới rung chuyển, sau đó là cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ - Nhật 2010. 

'Đừng chỉ chăm chăm kiếm chác mà quên cơ hội lịch sử là cải cách thể chế' 1
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital

"Tôi cho rằng cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ không xảy ra. Dù gì chúng ta có lượng vàng, USD nằm ngoài hệ thống rất lớn, cùng các chính sách tiền tệ linh hoạt của Chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức cho nhu cầu tài chính của doanh nghiệp trong nội tại”, ông Tuấn khẳng định.

Chia sẻ về những ứng biến linh hoạt của ngành công nghiệp may mặc thời trang, một trong những thế mạnh của Việt Nam để đóng góp giá trị lớn hơn trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động khó lường và thách thức kỷ nguyên số, ông Nguyễn Đức Thuấn, nhà sáng lập, Chủ tịch TBS Group cho biết, tiến vào kỷ nguyên số trong lúc cơ hội đang có nhiều, phải áp dụng kinh tế số thế nào để thoát khỏi bẫy trung bình là điều cần phải suy nghĩ.

Ông Thuấn phân tích: Năng suất lao động tổng hợp khoảng 5.000 USD, chưa bao giờ Việt Nam có nguồn lực lao động vàng lớn như hiện nay nhưng năng suất lao động thấp vì cơ cấu lao động giữa người làm trong công quyền và người làm ra năng suất cao chỉ chiếm 10%, chỉ chưa đầy 30% tạo nên giá trị gia tăng, còn phần lớn là người làm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp thì phải làm gì để ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đất nước giàu có lên? Tham gia chuỗi toàn cầu công nghiệp thời trang, Trung Quốc vẫn là anh cả, Việt Nam trong ngành da giày túi xách đứng thứ 2. Ngành thời trang luôn vững vàng, năm nay tổng kim ngạch chiếm 60 tỷ USD. Ngành công nghiệp thời trang da giày nếu xuất thì nguyên liệu chiếm 50%, Việt Nam chiếm 30%.Tiến vào kỷ nguyên số bằng tăng năng suất lao động, quản trị trên nền tảng số, làm sao năng suất lao động ngang bằng các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia….

"Nguồn cung Việt Nam gần đây gặp nhiều vấn đề. Muốn tăng năng suất thì cơ sở dữ liệu số vô cùng quan trọng. Chúng tôi xây dựng data trên tất cả dịch vụ, sản phẩm của mình, cạnh tranh được với dịch vụ các nước. Khi thuế suất ngang nhau, đây là cơ hội ngàn năm có một. Số liệu đầu tiên phải nhập là dữ liệu bán, phải có trung tâm R&D để tính giá bán, chi phí nguyên liệu, dây chuyền thiết bị công nghệ… tích hợp tự động 80% là thành công”, ông Thuấn cho biết.

Nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm R&D cho mỗi doanh nghiệp, để tạo nên Big Data cho chính mình, theo ông Thuấn, tất cả doanh nghiệp đều phải đi sâu vào quá trình quản trị này. Nếu nhiều tiền nên đầu tư điện toán đám mây, ít tiền thì đầu tư R&D cho chính doanh nghiệp nhỏ của mình, kết nối với các trung tâm thời trang thế giới, để có dữ liệu cấp kỳ hàng ngày, hàng giờ… Chỉ có áp dụng số hóa mới quản trị được giá thành khi bão gió tới.

Cũng theo ông Thuấn, hệ thống pháp luật của Việt Nam bị chậm so với phát triển kinh tế, hãy coi điều đó là bình thường. Giai đoạn này phải sản xuất theo hình thức ODM, có R&D. Cung ứng cho chuỗi không chỉ sản phẩm mà còn nguyên vật liệu, thiết kế. Một người làm trong ngành thời trang năng suất cao hơn 3-4 lần so với ngành khác. Các doanh nghiệp lớn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ làm về phụ trợ, kết nối với nhau, tạo ra nền tảng cơ bản công nghệ học của hệ thống, tích hợp lại phục vụ cho từng ngành.

"Từ chiếc máy bay đến chiếc giày, quản trị giá trị, giá thành và giá bán đều phải trên nền tảng số. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã đến, làm sao thổi lửa vào doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ Big Data cho các doanh nghiệp nhỏ khác. Ba trụ cột trong 4.0 đều có thể mua được, còn R&D chúng ta phải tự làm để tạo nên Big Data của chính chúng ta”.