Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên Tích cực

Duy Anh - 11:46, 10/05/2019

TheLEADERTổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định Việt Nam sẽ duy trì là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB.

Fitch Ratings mới đây đã xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam ở mức “BB” và nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia từ Ổn định lên Tích cực.

Động thái này thể hiện sự cải thiện của Việt Nam trong điều hành kinh tế, góp phần tăng cường mức đệm dự phòng trước những cú sốc từ bên ngoài thông qua bảo đảm thặng dư tài khoản vãng lai, giảm dần nợ chính phủ trong khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao và lạm phát ổn định.

Fitch đánh giá Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công, đưa nợ chính phủ từ mức đỉnh 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018.

Tổ chức này dự báo nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020.

Theo Fitch tính toán, nợ công của Việt Nam giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018 sau khi chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016.

Kết quả này có sự đóng góp của việc kìm hãm bội chi ngân sách thấp hơn dự toán, thực hiện chủ trương siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cao hơn kế hoạch đề ra.

Fitch dự báo kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng khoảng 6,7%, trong mục tiêu 6,6 - 6,8% do Quốc hội đề ra. Sự phát triển của một nền kinh tế có độ mở thương mại cao như Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo áp lực lên dòng chảy thương mại khu vực.

Tuy nhiên, Fitch nhận định Việt Nam sẽ duy trì là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB.

Fitch nhận định cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 2018 duy trì linh hoạt năm 2018, tuy vậy quy mô dự trữ ngoại hối so với nhu cầu thanh toán quốc tế vẫn thấp hơn trung vị của các nước với xếp hạng tín nhiệm quốc gia tương đồng.

Những điểm yếu mang tính cơ cấu của khu vực ngân hàng tiếp tục là lý do Fitch đưa ra cho việc hệ số tín nhiệm quốc gia chưa ở mức cao hơn.

Nhu cầu tái cấp vốn của khu vực ngân hàng vẫn bị coi là rủi ro đối với Chính phủ, và tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao trong những năm vừa qua có khả năng ảnh hưởng tiêu cực lên tính ổn định của hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn từ những vấn đề chưa được giải quyết triệt để đối với một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cũng có khả năng gây áp lực lên nền tài chính công, tuy nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng giảm trong những năm gần đây.