Gần 80% nhà máy dệt may không tuân thủ giờ làm thêm

Hoài An - 14:09, 14/07/2020

TheLEADERBên cạnh những kết quả tích cực trong cải thiện môi trường làm việc cho công nhân, các nhà máy dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Gần 80% nhà máy dệt may không tuân thủ giờ làm thêm
80% lao động ngành may mặc là phụ nữ.

Điều kiện lao động tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức, theo ghi nhận từ báo cáo thường niên mới nhất của chương trình Better Work Việt Nam thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Cụ thể, có tới 78% nhà máy trong số 363 nhà máy dệt may tham gia chương trình không tuân thủ giới hạn giờ làm thêm hàng tháng và 74% không tuân thủ giới hạn hàng năm. Các nhà máy vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định về giới hạn giờ làm thêm.

50% nhà máy được đánh giá không có đủ cơ sở vật chất và/hoặc cán bộ y tế tại chỗ và một trong những thách thức chính là tuyển được cán bộ y tế đủ bằng cấp tại doanh nghiệp.

Theo luật Việt Nam, tùy theo quy mô, nhà máy phải có một cán bộ y tế chuyên trách trực trong giờ làm việc. Ví dụ, luật pháp quy định đối với nhà máy có từ 300 lao động trở lên phải có một bác sĩ, dược sỹ, hay đối với cơ sở có từ 1.000 lao động trở lên cần phải thành lập một cơ sở y tế được cấp phép.

Các nhà máy cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo đầy đủ cán bộ y tế trực, kể cả trong lúc tổ chức làm thêm giờ. Do đó, ILO khuyến nghị các doanh nghiệp hợp tác với các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần đó.

Bên cạnh đó, 31% cơ sở làm việc được đánh giá không có hệ thống báo cháy hoạt động ổn định dù các doanh nghiệp đã có ý thức tốt hơn về vấn đề này trong năm 2019.

Trong khi phần lớn các nhà máy đã lắp đặt hệ thống phát hiện và báo cháy đạt tiêu chuẩn, nhiều đơn vị lại không thường xuyên kiểm tra và duy trì hệ thống. Chính vì vậy hệ thống không vận hành ổn định khi được kiểm tra tại thời điểm đánh giá. Do vậy, nhằm giảm tỷ lệ không tuân thủ xuống thấp, các nhà máy cần tập trung vào việc kiểm tra, bảo dưỡng cẩn thận và thường xuyên hơn để đảm bảo các chức năng vận hành liên tục.

Ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với doanh thu chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành may mặc sử dụng khoảng 2,8 triệu lao động, trong đó có tới 80% là phụ nữ.

Những cải thiện đáng kể

Bên cạnh những thách thức cần giải quyết trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cũng ghi nhận những cải thiện đáng kể về các lĩnh vực như minh bạch thang bảng lương và hồ sơ giờ làm việc hay đối thoại tại nơi làm việc. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã và sắp thực thi các hiệp định thương mại tự do có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động.

TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, đánh giá: “Đây là một bước tiến quan trọng, vì những sửa đổi trong Bộ Luật lao động sẽ cải thiện đáng kể việc làm và quan hệ lao động tại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”.

Cụ thể, báo cáo ghi nhận 20 điểm phần trăm cải thiện trong tỷ lệ vi phạm về bộ phận an toàn vệ sinh lao động trong 8 năm qua, 29% điểm phần trăm cải thiện trong việc duy trì hồ sơ chi trả chính xác tại các nhà máy, từ 42% của năm thứ 2 xuống còn 13% của năm thứ 8.

Đối với những nhà máy đã tham gia chương trình Better Work Việt Nam trong 8 năm qua, tỷ lệ không tuân thủ quy định về bảng lương giảm từ 29% xuống còn 13%.

Việc duy trì nhiều hơn một bảng lương và thời gian làm việc là một vấn đề lớn và phức tạp mà đối với các đối tác trong chuỗi cung ứng cần giải quyết. Điều này gây ra những rủi ro tới tính toàn vẹn của hệ thống quản lý nhà máy, và nhìn chung được các nhãn hàng coi là các vi phạm nghiêm trọng.

Những năm gần đây, các nhà máy đang dần trở nên minh bạch hơn về các thực hành của họ, thay vì che giấu trong quá trình kiểm tra, kiểm toán thông qua bộ sổ sách phụ.