Giá đất hiếm Trung Quốc đạt đỉnh giữa chiến tranh thương mại

Đức Phương - 09:23, 07/06/2019

TheLEADERĐất hiếm tại Trung Quốc đã tăng giá lên mức cao nhất trong nhiều năm và dự báo sẽ còn tiếp tục dâng cao trong thời gian tới.

Giá đất hiếm Trung Quốc đạt đỉnh giữa chiến tranh thương mại
Không chỉ Mỹ, ngay cả châu Âu cũng cần phải để mắt đến đất hiếm do tình thế gần như độc quyền của Trung Quốc. Ảnh: Wang Chun/AP

Theo dữ liệu từ Asian Metal, giá dysprosium – một loại đất hiếm dùng cho nam châm, đèn cao áp và thanh điều khiển hạt nhân ở mức 293 USD/kg, đạt đỉnh kể từ tháng 6/2015, Reuters dẫn số liệu.

So với ngày 20/5, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm nhà máy chế biến đất hiếm, giá dysprosium đã tăng 14%.

Đất hiếm neodymium, loại vật liệu quan trọng trong sản xuất nam châm dùng trong động cơ, có mức giá 63,25 USD/kg, đạt đỉnh kể từ tháng 7 năm ngoái.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng kể từ ngày 20/5, giá đất hiếm này đã tăng 30%.

Adolinium oxide, loại đất hiếm được dùng trong các thiết bị chẩn đoán hình ảnh y khoa và pin nhiên liệu, có giá tăng 12,6% kể từ hôm 20/5 và hiện đạt khoảng 27,8 USD/kg, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Reuters dẫn nhận định nhà phân tích cho biết giá đất hiếm của Trung Quốc đã bắt đầu biến động ngay sau khi nước này tuyên bố cấm nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar.

Mặc dù vậy, mức giá ngày càng gia tăng mạnh mẽ sau khi có những tín hiệu về việc Bắc Kinh có thể sử dụng loại khoáng sản này để trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại.

Nhà phân tích Helen Lau của Argonaut Securities nhận định nếu Trung Quốc thật sự sử dụng đất hiếm làm vũ khí, Mỹ sẽ không có đủ nguồn cung bởi quốc gia này cần một khoảng thời gian nhất định cho việc xây dựng năng lực chế biến đất hiếm hiện mới chỉ dừng ở con số 0, Reuters dẫn lời.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị được cấp thêm ngân sách nhằm tăng cường hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Đất hiếm là nhóm gồm 17 khoáng sản khác nhau, được sử dụng với hàm lượng thấp nhưng không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh (smartphone), động cơ xe hơi chạy điện, động cơ máy bay phản lực hay thiết bị vệ tinh.

Đây là một vũ khí không mấy ai biết mà Bắc Kinh có thể sử dụng để đối đầu với Washington.

Trung Quốc hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất đất hiếm, sở hữu tới 37% dự trữ đất hiếm và chiếm khoảng 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Đây là nguồn cung cấp khoảng 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, nước này nhập khẩu 160 triệu USD đất hiếm năm ngoái, tăng 17% so với 2017.

Không chỉ Mỹ, ngay cả châu Âu cũng cần phải để mắt đến đất hiếm do tình thế gần như độc quyền của Trung Quốc, CNBC dẫn nhận định chuyên gia.

Mặc dù không thực sự hiếm, nhóm khoáng sản này được sản xuất với số lượng khá khan hiếm và phát triển nổi bật trong những năm gần đây nhờ vào việc ứng dụng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, sản xuất quốc phòng hay xe điện.

Mối quan tâm dài hạn của các nhà sản xuất châu Âu sẽ làm nhu cầu đất hiếm ngày càng gia tăng trong bối cảnh ngành ô tô chuyển từ động cơ đốt trong sang động cơ điện.

Trong đó, rất nhiều động cơ điện sẽ phải phụ thuộc vào nam châm điện có cường độ cao có thành phần đất hiếm.

CNBC dẫn nhận định cho rằng nhu cầu sản xuất hàng triệu xe mỗi năm sẽ thay đổi cuộc chơi khi nhu cầu vật liệu gia tăng.

NBC News đánh giá đất hiếm giờ đây đang trở thành con bài mặc cả trong căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tầm quan trọng của đất hiếm của Bắc Kinh với Washington là một trong nhiều ví dụ về sự đan xen ngành công nghiệp công nghệ của hai quốc gia trong những năm qua và cho thấy lý do vì sao các chuyên gia lo ngại về tác động lâu dài của sự phân tách kinh tế.