Giải pháp giảm thiểu rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng

An Chi - 09:46, 24/10/2021

TheLEADERĐa dạng chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và có chính sách thu hút nguồn lao động là những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay.

Giải pháp giảm thiểu rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng
Đứt gãy chuỗi cung ứng là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng đè nặng lên doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đang khiến ngành dệt may gặp phải những khó khăn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may như đang “ngồi trên đống lửa” do lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, mất hợp đồng và không đảm bảo được tiến độ các đơn hàng đã ký.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc áp dụng biện pháp chống dịch tại các chốt kiểm dịch ở nhiều địa phương chưa thống nhất, đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Thời gian vận chuyển khó khăn kéo dài đang khiến các doanh nghiệp ngành dệt may không chịu được áp lực chi phí và thời gian.

Trong khi đó, may mặc là ngành liên quan rất lớn tới yếu tố mùa vụ. Nếu sản phẩm không ra được đúng thời điểm mùa vụ đó, nguy cơ các khách hàng quốc tế sẽ chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam là rất lớn. Thời gian vừa qua, tỷ lệ chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam của ngành dệt may khoảng 13 - 14%.

Nếu trong thời gian tới, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, các doanh nghiệp dệt may có thể sẽ đánh mất thêm nhiều hơn nữa các đối tác, đơn hàng trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh bị thiếu dòng tiền nghiêm trọng, không đủ nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất khi thị trường thế giới hồi phục.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Với các các doanh nghiệp sản xuất, thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã gặp thách thức rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu, hải quan, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh… với nhiều thủ tục chồng chéo, bất cập.

Đơn cử như các quy định về hàng hoá thiết yếu, giấy đi đường, yêu cầu xét nghiệm gây kéo dài thời gian cung ứng, vận chuyển hàng hoá. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đánh mất các đơn hàng từ nước ngoài. Nguy hiểm hơn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có kế hoạch chuyển, mở rộng chuỗi cung ứng ra ngoài Việt Nam.

Trong khi đó, nếu chuỗi cung ứng của họ đã được mở rộng ra quốc gia khác, thì để họ chuyển lại việt Nam hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam rất là khó.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP HP Logistics cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp trong ngành hậu cần cũng không tránh khỏi khó khăn.

Theo đó, trong giãn cách xã hội, doanh nghiệp ngành logistics không thể thực hiện ba tại chỗ, khâu xét nghiệm Covid-19 quá nhiều, quá dày đặc khiến chi phí doanh nghiệp bị đội lên cao, nguồn lao động thiếu hụt nghiêm trọng.

Trong thời gian dịch bệnh, nhiều lái xe của doanh nghiệp dù không bị nhiễm bệnh nhưng vẫn nằm trong khu cách ly, nhiều lái xe đã bỏ về quê vì không chịu được áp lực do công việc, bệnh dịch. Những điều này đã khiến hoạt động của doanh nghiệp rơi vào ách tắc, bà Phương chia sẻ.

Giải pháp giảm thiểu rủi ro

Đưa ra giải pháp cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay, bà Phương cho rằng, trước hết, Chính phủ và các địa phương cần quyết liệt trong việc giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nền kinh tế. Các quy định trong việc chống dịch và lưu thông hàng hoá giữa các địa phương cần được đơn giản hoá và nhất quán từ trung ương xuống địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp, để giảm thiểu những tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu sự phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu hay thị trường khách hàng nhất định. Đơn cử như với dệt may, hiện nay ngành này đang nhập khẩu đến hơn 50% nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Trong thời gian tới, ngành này cần tăng tỷ lệ nhập khẩu tại các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro.

Qua đợt dịch bệnh này, chắc chắn thị trường trong nước và thế giới sẽ có những diễn biến khó đoán định, chính vì vậy, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc khủng hoảng sắp tới. Trong đó, đa dạng hóa nguồn cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp giảm những tác động đứt gãy cho hoạt động doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động vận hành và sản xuất kinh doanh để thích ứng với bối cảnh mới.

Về chiến lược nhân sự, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc bị thiếu hụt nhân sự trong và sau dịch bệnh, doanh nghiệp có thể nghiên cứu giải pháp thuê doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện một số dịch vụ, công đoạn sản xuất để đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những chính sách mới để thu hút những nhân sự đã về quê trong thời gian vừa qua để trở lại làm việc. Chính sách cho người lao động cần được đảm bảo để họ yên tâm ổn định cuộc sống, bà Phương nhận định.

Đồng quan điểm, ông Giang cũng cho rằng, vấn đề về đứt gãy nguồn lao động sau dịch rất cần được các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, phần lớn các lao động bỏ về quê đều là lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định. Còn lại, lực lượng lao động là công nhân trong các khu công nghiệp, được hưởng lương, trợ cấp tối thiểu trong thời gian giãn cách xã hội đều đã quay trở lại các thành phố để làm việc bình thường.

Do đó, theo ông Giang, các doanh nghiệp cần có chính sách về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ổn định cuộc sống cho người lao động để nguồn lao động của doanh nghiệp được đảm bảo.

“Có như vậy, trong quý IV, khi các địa phương đồng loạt mở cửa, doanh nghiệp mới có động lực để tái khởi động trở lại và từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch”, ông Giang nhận định.