Giám đốc vận hành Tibco Software Việt Nam: Chia sẻ, thấu hiểu giúp hàn gắn khác biệt văn hóa

Kiều Mai - 09:15, 04/02/2022

TheLEADERTết đến, xuân về luôn là khoảng thời gian đặc biệt với mỗi người Việt, là thời điểm quây quần bên gia đình, bên những người thương yêu sau một năm dài vất vả. Với những người nước ngoài sống tại Việt Nam, những khoảnh khắc ấy càng trở nên đặc biệt và vô giá.

Nhân ngày đầu năm mới, TheLEADER đã có cơ hội trò chuyện về gia đình, công việc, cảm nhận và trải nghiệm về cuộc sống tại Việt Nam với ông David Lapetina, Giám đốc vận hành Công ty Tibco Software Việt Nam. Vị doanh nhân này đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm qua, tiếp tục tình yêu với đất nước này và một người phụ nữ Việt bằng cuộc sống hôn nhân đầy viên mãn.

Trong hai năm qua, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến công việc, cuộc sống gia đình của ông?

Ông David Lapetina: Giống như mọi người, dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành công việc của tôi, dù làm việc tại nhà trong ngành IT dễ dàng hơn so với các ngành khác. Khu vực quản lý chịu áp lực lớn vì cần nhiều nỗ lực hơn trước đây để có thể giữ liên kết giữa mọi người, cũng như duy trì tinh thần đội ngũ nhân sự. 

Chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn, tưởng tượng nhiều hơn và tạo ra các hoạt động trực tuyến nhiều hơn để giữ được sợi dây kết nối, cũng như giúp những nhân sự mới không cảm thấy lạc lõng.

Sau quãng thời gian dài kết hợp cả làm việc tại chỗ và từ xa, dịch bệnh càng nhắc nhở chúng ta rằng mối quan hệ giữa con người với con người mới là điều quan trọng, tạo nên sức mạnh của một doanh nghiệp. Mối liên kết tốt đẹp chẳng phải điều tự nhiên sinh ra, và bởi vậy, mỗi người chúng ta cần cố gắng mỗi ngày để có thể đạt được và duy trì chúng.

Dịch bệnh đã thay đổi thị trường việc làm, khi ngày càng nhiều công ty chấp nhận nhân sự làm việc từ xa, và cũng thay đổi cả cách quản lý và tương tác với đội ngũ nhân sự. Những chuyển biến này chắc chắn sẽ cho thấy nhiều tác động hơn nữa trong những năm tới.

Giám đốc vận hành Tibco Software Việt Nam: Chia sẻ, thấu hiểu giúp hàn gắn khác biệt văn hóa
Ông David Lapetina, Giám đốc vận hành Công ty Tibco Software Việt Nam.

Không chỉ công việc, Covid-19 cũng khiến cuộc sống thường nhật của tôi thay đổi nhiều.

Tôi dự tính sẽ quay trở lại Paris vào đầu tháng 4/2020 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của bố mẹ, nhưng đó cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu đóng cửa biên giới sau khi số lượng ca nhiễm gia tăng đáng lo ngại.

Tôi đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn, hoặc là tiếp tục kế hoạch và có thể rất lâu nữa mới quay trở lại được Việt Nam, hoặc là dừng lại. Bản năng mách bảo tôi rằng việc đóng cửa biên giới sẽ không chỉ diễn ra trong vài tuần, và tôi đã lựa chọn cách sau.

Tôi chưa thể gặp lại bố mẹ mình kể từ mùa hè năm 2019, và đến nay, họ cũng chưa được gặp mặt cháu. Thời gian chẳng chờ đợi một ai. Hy vọng rằng công nghệ ngày càng hiện đại ngày nay sẽ giúp lấp đầy khoảng trống địa lý để lại.

Một trong những lo lắng khác của tôi là những đứa trẻ đang dành rất nhiều thời gian trước màn hình, cả học tập lẫn vui chơi và điều này có thể tạo ra sự mất cân bằng cảm xúc. Cả cha mẹ và trẻ em đều có nhiều việc phải làm hơn, nhưng sự kiên nhẫn, thấu hiểu và tính yêu thương đã giúp gia đình tôi vượt qua những khó khăn.

Dịch bệnh tạo ra những thách thức mới, nhưng cũng là cơ hội thúc giục con người tìm nhiều cách kết nối với gia đình, với đồng nghiệp hơn, nỗ lực để duy trì các mối quan hệ - điều không tự nhiên sinh ra.

Sinh sống tại Việt Nam nhiều năm qua, ngày Tết cổ truyền để lại trong ông những ấn tượng gì? Có kỷ niệm nào về ngày Tết mà ông nhớ mãi?

Ông David Lapetina: Với tôi, Tết là dịp thể hiện rõ nhất sự gắn bó bền chặt của mỗi con người Việt Nam với gia đình và văn hóa đất nước này. Dù ở Pháp, vào khoảng thời gian trước Giáng sinh và Tết dương lịch, chúng tôi cũng có các hoạt động kinh doanh nhiều hơn, sum họp gia đình nhưng ở mảnh đất hình chữ S, Tết mang ý nghĩa rất sâu sắc trong tâm hồn mỗi người. Ngay cả khi đã ở Việt Nam hơn mười năm qua, đây vẫn là dịp nhiều bất ngờ và lạ lẫm với một người nước ngoài như tôi.

Tết năm ngoái, gia đình vợ tôi tổ chức lễ thay áo cho bà nên không thể đến chùa như mọi năm. Tôi còn nhớ như in cảm giác chúng tôi cùng đi trên con đường nhỏ, nghe tiếng pháo hoa từ xa vọng lại và lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước qua khung cửa sổ mỗi nhà. Cảm giác đó thật sự khó quên và không từ ngữ nào có thể miêu tả hết.

Với văn hóa Việt Nam, tôi bắt đầu dần hiểu rõ hơn suy nghĩ về sự tương phản giữa cái chết và sự sống, hiểu rằng với con người nơi đây, Tết tượng trưng cho sự kết thúc của mùa đông, là thời điểm sự sống lan tỏa trên khắp các cánh đồng.

Bắt đầu cuộc sống tại một đất nước mới với nhiều khác biệt, ông đã trải qua những cú sốc về văn hóa ra sao? Người nước ngoài hay nhắc đến Việt Nam với ấn tượng về thiên nhiên, về giao thông, con người. Ấn tượng của ông về những điều này như thế nào?

Ông David Lapetina: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vì lý do công việc, và chuyến đi ấy đã thay đổi cách tôi khám phá đất nước này rất nhiều. Tôi đã gặp, làm việc với những người chuyên nghiệp, có năng lực nên mọi thứ khá suôn sẻ.

Rõ ràng là giao thông hoàn toàn khác với những gì tôi từng thấy ở Pháp, văn hóa cũng vậy, nhưng tôi không cảm thấy quá sốc với những khác biệt này, dù đôi khi những điều khó xử xảy đến.

Giám đốc vận hành Tibco Software Việt Nam: Chia sẻ, thấu hiểu giúp hàn gắn khác biệt văn hóa 1
Gia đình nhỏ hạnh phúc - cái kết đầy viên mãn cho tình yêu với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam của vị doanh nhân nước ngoài.

Đơn cử vào lễ Giáng sinh năm ngoái, như thường lệ, tôi đặt các món quà tặng người thân dưới gốc cây thông. Điều tôi không lường trước được là cô bảo mẫu đã thức dậy từ sớm, dọn dẹp mọi thứ và dĩ nhiên, cất hết các món quà lên trên chiếc ghế dài trong nhà. Tôi nghe thấy tiếng động dọn dẹp và đột nhiên nhớ ra đã không dặn trước, vội vàng chạy ra phòng khách nhưng tất nhiên là đã quá muộn. Dù không ảnh hưởng gì, những điều nhỏ này cũng cho thấy sự khác biệt, va chạm giữa các nền văn hóa.

Ngoài gia đình nhỏ, võ thuật đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã tập môn võ Jiu Jitsu - nhu thuật Brazil trong 13 năm nhưng vào thời điểm khoảng 2011, môn võ này không phổ biến ở Việt Nam. Sau đó, nhiều người biết đến, cùng mở phòng tập, đón chào tôi và chia sẻ nhiều điều với tôi. 

Bạn thấy đấy, những lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với người Việt Nam chủ yếu qua công việc và thể thao - những ngôn ngữ chung hữu ích giúp một người lạ có thể vượt qua bất kỳ thách thức nào từ khoảng cách văn hóa. 

Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2011, tôi đã gặp nhiều người, đi nhiều nơi và thật sự, tôi không thể dùng từ ngữ nào để miêu tả hết vẻ đẹp của đất nước này.

Điều gì đã khiến ông quyết định phát triển sự nghiệp tại Việt Nam, và sau đó kết hôn với một người Việt? Những khác biệt văn hóa trong cuộc sống hôn nhân, gia đình đã được giải quyết như thế nào?

Ông David Lapetina: Kinh nghiệm làm việc nhiều năm qua tại Việt Nam giúp tôi thấy rằng xét về kinh tế, phát triển cũng như tính đổi mới, tương lai ở đây tươi sáng hơn nhiều so với tại châu Âu. Ngày càng nhiều các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, nhiều sinh viên du học nước ngoài quay trở về, trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Việt Nam.

Đó là lý do vì sao tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên, hoặc những kỹ sư trẻ trong hành trình phát triển cá nhân của họ.

Về cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, tận tụy với gia đình. Tôi thực sự trân trọng những giá trị này nên khi gặp vợ tôi, chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều điểm chung. Dù đôi khi có thách thức từ những khoảng cách văn hóa, điểm mấu chốt là tìm ra ngôn ngữ chung, có thể là công nghệ, công việc, thể thao hoặc nấu ăn.

Tôi phát hiện ra một điều thú vị là khi cùng nhau chia sẻ việc nấu ăn, chúng ta thể hiện được nhiều hơn với người thân hơn những gì lời nói có thể diễn đạt.

Đơn cử, tôi đã nấu các món ăn đặc trưng của châu Âu, như Paella của Tây Ban Nha, một số món mì theo cách của Ý, hoặc một số món ăn truyền thống của Pháp. Mọi người, kể cả bố mẹ vợ tôi, rất thích mỗi lần tôi vào bếp. Đồ ăn là thứ có thể dễ dàng chia sẻ và thưởng thức ngay tức thì, cũng là cách giao tiếp tuyệt vời trong gia đình.

Cuối cùng, điều quan trọng là sự trao đổi, chia sẻ và thấu hiểu, đặc biệt trong cách nuôi dạy con cái vì sự khác biệt khá lớn giữa Việt Nam và phương Tây.

Tôi tin rằng chìa khóa để giải quyết mọi việc là đừng bao giờ cho rằng nền văn hóa này sẽ tốt hơn nền văn hóa khác, mà đơn giản coi những khác biệt là những cách đem đến giá trị mong muốn cho con cái khác nhau.

Điều mọi bậc cha mẹ đều mong muốn là những đứa trẻ có thể tự lập, tự đưa ra quyết định đúng đắn, được học hành đến nơi đến chốn để có thể tự do tìm kiếm công việc tốt, có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống.

Cảm ơn ông rất nhiều vì buổi chia sẻ!