Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng: 'Lấy người nuôi rừng và lấy rừng nuôi người'

Thu Phương - 07:30, 23/08/2017

TheLEADERTại buổi góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), nhiều chuyên gia không đồng thuận với quy định di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng: 'Lấy người nuôi rừng và lấy rừng nuôi người'
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Không nên tách người dân ra khỏi rừng

Tại Điều 56, Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) quy định: Ổn định đời sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng, không được di dân từ nơi khác đến rừng đặc dụng. Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải lập dự án di dân, tái định cư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Trường hợp chưa có điều kiện chuyển dân ra khỏi khu vực đó, Ban quản lý rừng đặc dụng khoán bảo vệ rừng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ, phát triển rừng.

Về quy định này, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), nhiều chuyên gia đã có những ý kiến phản ánh trái chiều. 

Theo TS. Phan Đình Nhã, Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách của Liên minh các tổ chức Trung tâm CIRUM, Viện CENDI và Viện CODE nhận định, không nên quy định di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

Theo ông Nhã, thực tế cho thấy, người dân tại chỗ là nhân tố trung tâm và là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống sinh thái rừng. Rừng của các chủ rừng có được bảo vệ hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người dân tại chỗ. Cộng đồng dân cư  sinh sống từ lâu đời trong rừng đặc dụng, kể cả trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, sinh kế cuộc sống văn hóa tín ngưỡng của họ gắn bó mật thiết với những khu rừng này. Do đó, không nên quy định việc di dân tại chỗ ra khỏi rừng đặc dụng bảo vệ nghiêm ngặt.

Do đó, ông Nhã kiến nghị, nên bỏ quy định di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung lại theo hướng ban quản lý rừng đặc dụng phải có phương án quy hoạch khu vực kết hợp canh tác dưới tán rừng, khai thác lâm sản phụ cho người dân tại chỗ để ổn định cuộc sống, khoán hoặc liên kết với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại chỗ để bảo vệ, phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Lù Văn Que, đại diện dân tộc Thái, Sơn La cũng cho rằng, nguyên tắc giao rừng phải dựa trên cơ sở thống nhất, không nên tách đất với rừng với đồng bào dân tộc. Việc chuyển dân ra khỏi rừng là không nên, bởi họ đã quen với cuộc sống trong rừng, họ sống nhờ rừng. Việc tạo ra sự xáo trộn trong cuộc sống của họ là việc làm rất không cần hiết.

“Theo quan điểm của tôi, để bảo vệ rừng và phát triển rừng phải thực hiện phương châm “lấy người nuôi rừng và lấy rừng nuôi người”. Từ đó tạo nên một vòng tròn khép kín trong mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ, gắn bó khăng khít. Khi sửa đổi luật, Chính phủ phải làm sao phản ánh được lòng dân trong luật”, ông Que nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai cho rằng, nếu không di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, thực tế bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởì trong rừng đặc dụng, nếu để người dân tiếp tục sinh sống và phát triển về lâu về dài sẽ khó có thê bảo toàn được rừng.

Do đó, trước mắt có thể để người dân tạm thời sinh sống trong rừng nhưng tuy nhiên, cần nghiên cứu các phương án từng bước chuyển người dân ra khỏi rừng. Tất nhiên, việc này không thể làm ngay trong một sớm một chiều nhưng tương lai chắc chắn sẽ phải nghiên cứu thực hiện.

"Muốn làm không được làm, muốn ăn không được ăn”

Về quy định sở hữu rừng của hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự đầu tư trồng rừng bổ sung và phục hồi rừng từ đất chưa có rừng khi được giao rừng , Phan Đình Nhã cho rằng, nhiều hộ gia đình cộng đồng dân cư sau khi được giao đất chưa có rừng, hoặc được giao rừng tự nhiên trong đó có diện tích nhỏ chưa có rừng đã chủ động và tích cực tự đầu tư khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, hoặc tự đầu từ trồng bổ sung cây lâm nghiệp bản địa về rừng tự nhiên nghèo được giao.

Vấn đề này đã diễn ra trên thực tế ở nhiều nơi như các hộ đầu tư trồng rừng bổ sung vào rừng tự nhiên nghèo được giao ở xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh; một số hộ tự khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên trên diện tích đươc giao để trồng rừng kinh tế ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh, một số hộ tự đầu tư trồng rừng bổ sung vào rừng tự nhiên nghèo được giao ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, cộng đồng bản tự khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên từ diện tích đất chưa có rừng được giao ở xã Bản Cầm, huyện Bảo Thăng – Lào cai…

“Nếu không được sở hữu sản phẩm mà chính họ đã tự đầu tư thì chắc chắn việc khai thác tự do sẽ xảy ra, dẫn tới việc khai thác trắng và mất rừng dưới hình thức “rừng không có chủ”, ông Nhã nhận định.

Theo ông Nhã, tại dự thảo luật, nội dung sở hữu rừng đối với trường hợp hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự đầu tư vào rừng đã được ban soạn thảo tiếp thu nhưng chưa rõ ràng dầy đủ. Nội dung sở hữu rừng đối với hộ gia đình mới chỉ đề cập đối với trường hợp được thuê rừng sản xuất (trên thực tế hộ thuê rừng hầu như ất ít) và trong dự thảo quy định chưa rõ ràng.

Trong khi đó trường hợp hộ được giao rừng tự nhiên, được giao đất trồng rừng (xảy ra phổ biến) lại chưa có quy định về sở hữu khi tự đầu tư trồng bổ sung cây lâm nghiệp vào rừng tự nhiên được giao và đầu tư phục hồi rừng tự nhiên được giao đầu tư phục hồi rừng từ diện tích chưa rõ ràng. 

Do đó, ông Nhã kiến nghị, hộ gia đình, cá nhân được sở hữu rừng tự đầu tư trồng rừng bổ sung vào diện tích rừng tự nhiên dược giao và tự đầu tư khoanh nuôi phục hồi rừng trên diện tích chưa có rừng để có thể phát triển và bảo vệ rừng một cách hiệu quả. 

Về vấn đề này, ông Lù Văn Que cho rằng, đồng bào dân tộc thiểu số sinh ra từ rừng, sống nhờ vào rừng. Tuy nhiên, với việc hoạch định chính sách như hiện nay, người dân lại không được giao rừng tức “muốn làm không được làm, muốn ăn không được ăn, muốn sống không được sống, muốn chết không được chết”.

Bên cạnh đó, ông Lù Văn Que cũng cho rằng, việc người dân làm nương rẫy quá nhiều sẽ gây mất rừng. Vì vậy, Chính phủ cần có chủ trương chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng, giảm diện tích sản xuất lương thực sang diện tích trồng rừng. Để người dân sống được bằng nghề rừng.