Hà Nội lên kế hoạch loại bỏ 100% túi ni lông khỏi siêu thị, trung tâm thương mại

Phạm Sơn - 07:31, 13/03/2021

TheLEADERỦy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành kế hoạch 55/KH-UBND về thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 trên địa bàn thành phố.

Hà Nội lên kế hoạch loại bỏ 100% túi ni lông khỏi siêu thị, trung tâm thương mại
Hà Nội khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường tại siêu thị, trung tâm thương mại. Ảnh: Báo Công thương.

Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội đưa ra các chỉ tiêu đến hết năm 2021, bao gồm tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hành lối sống, sản xuất, tiêu dùng bền vững đạt 70% tại các quận, huyện, thị xã, 80% tại các cụm, khu công nghiệp và 50% tại các làng nghề.

Các nội dung sản xuất, tiêu dùng bền vững cũng được khuyến khích lồng ghép vào chương trình giáo dục, đào tạo các cấp.

Cùng với đó, Hà Nội quyết tâm loại bỏ 100% bao bì nhựa, ni lông dùng một lần, khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thay thế bằng bao bì thân thiện với môi trường. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, được chứng nhận bằng nhãn dán sinh thái cũng được khuyến khích, ưu tiên phân phối tại siêu thị và trung tâm thương mại, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Để đạt được những mục tiêu kể trên, Hà Nội đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.

Đầu tiên, đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông qua việc xây dựng tài liệu, phổ biến chính sách pháp luật, các mô hình, thực hành tốt về sản xuất tiêu dùng bền vững cũng như tài liệu hướng dẫn thảm thiểu, thu gom, tái sử dụng rác thải, hướng dẫn sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất bền vững, tuyên truyền sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.

Thứ hai, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm, tiến hành từ việc đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết trong chuỗi giá trị ở các nhóm ngành, từ đó xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững theo chuỗi ngành.

Cùng với đó, hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp, công cụ quản lý để áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Thứ ba, phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững thông qua xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết giữa nhà cung ứng, nhà bán lẻ sản phẩm bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm bền vững tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, thực hiện lồng ghép nội dung của kế hoạch với các đề án, chương trình, kế hoạch hiện đang được triển khai như Quản lý và phát triển hoạt động logistic, Phát triển thương mại điện tử, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình khuyến công…

Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch lấy từ một phần ngân sách nhà nước, cùng với vốn viện trợ, tài trợ và đầu tư tư nhân.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ ban hành vào tháng 6/2020, với mục tiêu tổng quát bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo, tạo việc làm ổn định, việc làm xanh, đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.