Hai từ khóa cho sự phát triển của Việt Nam 2020

Phương Anh - 14:41, 10/01/2020

TheLEADERTrong năm 2020 và những năm tiếp theo, Việt Nam được nhận định cần tiếp tục gỡ bỏ những rào cản và kết nối những nguồn lực phát triển.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, kim ngạch xuất nhập khẩu, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội để thảo luận và chuẩn bị thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hai đạo luật lớn được kỳ vọng tạo ra động lực mới trong phát triển doanh nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rốt ráo thúc đẩy thực hiện.

“Những nỗ lực này cũng có đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và Việt Nam đang ghi dấu như "ngôi sao trong cải cách". Đà cải cách đang được thúc đẩy, chúng ta có niềm tin mới để tiếp tục bước vào năm 2020”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019 mới đây.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết không thể không quan ngại đến các xu hướng bất ổn. Một số dấu hiệu về kinh tế vĩ mô đáng lưu ý như tăng trưởng quý IV/2019 thấp nhất trong ba năm, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao hay gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Hai từ khóa cho sự phát triển của Việt Nam 2020
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: KM.

Để đáp ứng được yêu cầu mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 hơn năm 2019, dư địa quan trọng nhất được nhận định vẫn là cải cách thể chế.

“Hai từ khóa cho sự phát triển của năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ là gỡ bỏ và kết nối: gỡ bỏ những rào cản và kết nối những nguồn lực phát triển, trong đó có kết nối doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước, kết nối qua cách mạng 4.0, kết nối kinh tế trong trong nước với ngoài nước thông qua các hiệp định thương mại. Các nỗ lực kết nối cần triển khai đồng bộ cùng với nỗ lực gỡ bỏ rào cản trong kinh doanh”, ông Lộc nhấn mạnh.

Về vấn đề kết nối FDI và các SME trong nước, phải kết nối giữa hai đầu, một bên là trách nhiệm của FDI đối với quê hương thứ hai và năng lực của SME trong nước.

Ông Lộc khuyến nghị FDI cần coi việc thực hiện liên kết với SME trong nước như trách nhiệm xã hội. Nếu kết nối được, FDI sẽ cắm sâu rễ, bền gốc trong nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo sự bền vững của chính các doanh nghiệp này.

Vị Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa những chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh theo hướng dùng một luật sửa nhiều luật, dùng một nghị định sửa nhiều nghị định.

Nếu dùng hình ảnh ngôi sao để nói về trọng tâm cải cách 2020 và những năm tới thì 5 cánh sẽ bao gồm: xóa bỏ chồng chéo trong pháp luật, điều kiện kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh trực tuyến, thực hiện Chính phủ điện tử mạnh mẽ; chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường; tăng phân quyền, phân cấp cho các địa phương.

“Nếu ngôi sao cải cách thể chế 2020 có thể bay lên thì sẽ là động lực mới trong giai đoạn phát triển mới”, ông Lộc nhấn mạnh.

VCCI đã đề xuất 13 giải pháp, liên quan đến khởi sự kinh doanh, nộp thuế, giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, quản lý đất đai và đăng ký bất động sản, cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, hạ tầng và tiếp cận điện năng.

Cùng với đó là cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cổng dịch vụ công các cơ quan nhà nước, đảm bảo tính ổn định của chính sách, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng và minh bạch công tác thanh tra kiểm tra.