Hiến kế xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt

Phạm Nhật - 18:43, 19/03/2024

TheLEADERVụ việc gạo ST25 mất bốn năm mới đăng ký được thương hiệu là bài học xương máu trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Hiến kế xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt
Đa số nông sản Việt đang xuất khẩu thô và chưa xây dựng được thương hiệu. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, cho biết, chỉ khoảng nửa năm sau khi gạo này được vinh danh, một doanh nghiệp ở Mỹ đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu gạo ST25.

Tiếp đó, hàng loạt doanh nghiệp đến từ Mỹ, Úc và cả Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền chữ “ST25”. 

Ông Cua cho biết, những doanh nghiệp này không muốn làm thương hiệu gạo mà muốn bảo hộ độc quyền chữ ST25 để bán lại cho các đơn vị kinh doanh, xuất khẩu.

Tháng 9/2022, hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu ST25 bị khóa. Đến tháng 12/2023, tức là mất 4 năm, ông Cua và đội ngũ mới đăng ký thành công nhãn hiệu cho giống lúa ST25, giúp các doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu gạo ST25 dưới tên sản phẩm của mình.

“Đó là khóa học kéo dài 4 năm, tốn kém và đầy gian nan”, ông Cua nói tại hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Nói về câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, bộ rất muốn đăng ký thương hiệu cho gạo ST25 nhưng vướng nhiều vấn đề nên chưa triển khai được, dẫn đến doanh nghiệp phải tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Nam khẳng định, câu chuyện gạo ST25 là “bài học xương máu” trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Đáng chú ý, không chỉ gạo ST25 mà nhiều lần nông sản Việt đã bị xâm phạm về thương hiệu ở nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Để hạt gạo, con tôm, trái sầu riêng… mang thương hiệu quốc gia

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, dù có nhiều lợi thế về nông nghiệp nhưng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, giá bán thấp hơn so với nông sản cùng loại của nhiều quốc gia đối thủ.

Nghịch lý này đến từ việc đa số nông sản, kể cả những loại xuất khẩu chủ lực có tổng kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, vẫn chưa có thương hiệu, chưa có dấu hiệu nhận biết riêng để người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Trên thực tế, đã có 10 chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia đối với nông sản. Tuy nhiên, ông Thắng thông tin, các chương trình này nằm rải rác ở nhiều quyết định nhưng chưa có sự kết nối giữa các bên liên quan, do đó chưa đem lại kết quả.

Từ góc nhìn doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh vai trò xây dựng thương hiệu quốc gia đối với nông sản để đảm bảo lợi thế xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Bà Lan nhìn nhận, Việt Nam có thể thí điểm xây dựng thương hiệu quốc gia với ba sản phẩm “đạt mức độ độc đáo” là gạo, cà phê và thủy sản. 

Trong đó, đối với thủy sản, nên lựa chọn tôm sú vì đây là loại tôm đặc hữu của Việt Nam, không phải cạnh tranh với Ấn Độ, Ecuador như tôm thẻ.

Ông Cua cũng khẳng định tính cấp thiết của việc thành lập thương hiệu quốc gia cho nông sản nói chung và hạt gạo nói riêng. 

Theo ông Cua, quốc gia đối thủ về xuất khẩu gạo của Việt Nam là Thái Lan đã làm thương hiệu quốc gia từ năm 1998, đến nay đã nâng cấp, sửa đổi nhiều lần, tạo ra quy chuẩn chặt chẽ.

Doanh nghiệp đáp ứng những quy chuẩn sẽ được sử dụng thương hiệu quốc gia. Như vậy, thương hiệu quốc gia vừa tăng lợi thế xuất khẩu, vừa trở thành quy chuẩn bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ các quy trình đảm bảo chất lượng.

Đồng tình với quan điểm cần xây dựng thương hiệu nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận, đây là vấn đề nhức nhối, cần phải làm ngay.

Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu cho một loại nông sản, cần phải giải quyết được ba câu hỏi: nông sản đó trong chiến lược tổng thể quốc gia như thế nào, phát huy giá trị thương hiệu và đơn vị nào quản lý thương hiệu đó.

Mặt khác, để xây dựng thương hiệu, một vấn đề quan trọng cần phải lưu ý là đảm bảo chất lượng nông sản. 

Thứ trưởng cho biết, một số doanh nghiệp đang phản ánh về tình trạng nông sản có chất lượng không đồng đều khi thu mua từ nông dân, tiềm ẩn nguy cơ đánh mất hình ảnh của nông sản Việt trên trường quốc tế.