Họa vô đơn chí, thêm 400 triệu người có thể thiếu ăn vì trò chơi đổ lỗi

Hường Hoàng - 11:21, 25/05/2022

TheLEADERChiến tranh đang đe dọa tình hình an ninh lương thực của hàng loạt các quốc gia trên toàn thế giới. Và nhiệm vụ cải thiện tình hình này là của tất cả mọi người.

Họa vô đơn chí, thêm 400 triệu người có thể thiếu ăn vì trò chơi đổ lỗi
Chiến tranh đang ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình an ninh lương thực thế giới.

Họa chiến tranh

Cuộc tấn công vào Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã và đang gây ra sự tàn phá trên diện rộng, cả trong và ngoài chiến trường, có những nơi mà ông không thể ngờ tới.

Hệ thống lương thực toàn cầu đã bị suy yếu bởi Covid 19, biến đổi khí hậu và cú sốc năng lượng, giờ đây còn phải chịu sự tàn phá của chiến tranh. Xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine hầu như đã ngừng lại.

Cùng với nhau, hai quốc gia cung cấp 12% lượng lương thực thế giới. Giá lúa mì tăng 53% kể từ đầu năm, và tăng thêm 6% vào ngày 16/5 sau khi Ấn Độ thông báo họ sẽ tạm ngừng xuất khẩu vì đợt nắng nóng đáng báo động.

Cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt không phải là vấn đề duy nhất có thể sẽ xảy ra ở tương lai phía trước. Vào ngày 18/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã cảnh báo rằng mối đe dọa của "bóng ma về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu" có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Giá thực phẩm thiết yếu cao khiến cho số người có không đủ ăn có thể sẽ tăng thêm 440 triệu người, nâng tổng số lên đến 1,6 tỷ người. Gần 250 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Nếu chiến tranh kéo dài và nguồn cung lương thực từ Nga và Ukraine bị hạn chế, hàng trăm triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo đói. Tình trạng bất ổn chính trị sẽ lan rộng, trẻ em sẽ còi cọc và người dân sẽ bị chết đói.

Ông Putin không nên dùng lương thực làm vũ khí. Thiếu hụt không phải là kết quả tất yếu của chiến tranh. Các nhà lãnh đạo thế giới nên coi nạn đói là một vấn đề cấp bách của toàn thế giới, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu.

Nga và Ukraine cung cấp 28% lúa mì, 29% lúa mạch, 15% ngô và 75% dầu hướng dương giao dịch toàn cầu. Nga và Ukraine đóng góp khoảng một nửa lượng ngũ cốc được Lebanon và Tunisia nhập khẩu; đối với Libya và Ai Cập, con số này là 2/3. Trước đây, lượng lương thực xuất khẩu của Ukraine luôn được dùng để nuôi sống khoảng 400 triệu người. Chiến tranh đang làm gián đoạn nguồn cung lương thực này vì Ukraine đang sử dụng vùng biển của mình để ngăn chặn những cuộc tấn công và vì Nga đang phong tỏa cảng Odessa.

Họa thiên tai

Ngay cả trước khi cuộc xâm lược diễn ra, Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo rằng, năm 2022 sẽ là một năm khủng khiếp. Trung Quốc - nhà sản xuất lúa mì lớn nhất trên thế giới, cho biết rằng, những trận mưa làm trì hoãn việc gieo trồng vào năm ngoái có thể khiến cho vụ mùa này trở thành vụ mùa tồi tệ nhất từ trước đến nay. 

Hiện nay, ngoài nhiệt độ khắc nghiệt ở đất nước sản xuất lương thực lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ, tình trạng thiếu mưa có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng của các loại cây trồng làm bánh mì khác, từ vành đai lúa mì của Mỹ đến vùng Beauce của Pháp. Vùng Sừng châu Phi cũng đang bị tàn phá bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Chào mừng loài người đến với kỷ nguyên biến đổi khí hậu thế giới.

Tất cả những điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực cho người nghèo. Các hộ gia đình ở những nền kinh tế mới nổi thường chi 25% ngân sách cho thực phẩm, và ở châu Phi khu vực cận Sahara con số này còn lên đến 40%. Ở Ai Cập, loại lương thực được tiêu thụ chủ yếu là bánh mì, chiếm đến 30% tổng lượng calo. Ở những nước nhập khẩu, các chính phủ cũng khó có thể tăng chi trợ cấp cho người nghèo, đặc biệt là khi họ cũng nhập khẩu năng lượng - một mặt hàng khác cũng đang bất ổn trên thị trường.

Cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Từ trước chiến tranh, Ukraine đã xuất khẩu phần lớn sản lượng lương thực thu được của vụ mùa hè năm ngoái. Trong khi đó, Nga vẫn đang cố gắng xuất khẩu ngũ cốc, bất chấp những chi phí đang gia tăng và rủi ro cho các bên vận chuyển. 

Thêm vào đó, những hầm chứa lương thực chưa bị hư hại trong chiến tranh của Ukraine đã chứa đầy ngô và lúa mạch. Chính vì thế, nông dân không còn nơi nào để cất giữ và dự trữ lương thực cho vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 6 này, từ đó lương thực vụ này có thể sẽ bị hư hại hoặc thối rữa hết. Ngoài ra, họ cũng sẽ thiếu nhiên liệu và nhân công để gieo trồng vụ mua sau đó. Về phần mình, Nga cũng có thể thiếu nguồn cung một số loại hạt giống và thuốc trừ sâu mà nước này thường mua của Liên minh Châu Âu.

Mặc dù giá ngũ cốc tăng cao, ở những nơi khác trên thế giới, nông dân cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt nguồn cung. Một trong những lý do đó là giá cả luôn biến động. Tệ hơn cả, tỷ suất lợi nhuận của mặt hàng lương thực đang bị thu hẹp do giá phân bón và giá năng lượng đang tăng cao. Đây là hai loại chi phí chính mà người nông dân đang phải chi trả, tuy nhiên, cả hai thị trường này đều đang bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt và sự tranh giành khí đốt tự nhiên toàn cầu. Trong khi đó, nếu người nông dân cắt giảm lượng phân bón sử dụng, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm xuống vào đúng thời điểm lượng lương thực trên thế giới đang thiếu trầm trọng.

Việc các chính trị gia phản ứng thái quá với vấn đề an ninh lương thực cũng góp phần khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, 23 quốc gia (từ Kazakhstan đến Kuwait) đã tuyên bố cắt giảm sâu lượng thực phẩm xuất khẩu, làm giảm 10% lượng lương thực được giao dịch trên toàn cầu. Thêm vào đó, phân bón cũng bị hạn chế xuất khẩu đến hơn 20%. Khi hoạt động giao thương ngừng lại, nạn đói sẽ xảy ra.

Trò chơi đổ lỗi

Thế giới đang tham gia vào một trờ chơi đổ lỗi, trong đó phương Tây lên án ông Putin vì hành vi xâm lược, và ngược lại, Nga chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trên thực tế, khủng hoảng lương thực chủ yếu đến từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt đã làm tình hình càng trở nên trầm trọng. Cuộc tranh luận chưa có hồi kết này sẽ trở thành cái cớ để không ai hành động. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều người sẽ đói và một số sẽ chết.

Thay vào đó, các quốc gia trên thế giới cần phải cùng nhau hành động, bắt đầu bằng cách giữ cho thị trường mở. Trong tuần này, Indonesia – nhà cung cấp 60% dầu cọ của thế giới - đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, châu Âu nên giúp Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua đường sắt và đường bộ đến các cảng ở Romania hoặc Baltics, mặc dù dự báo cho rằng, chỉ có khoảng 20% sản lượng thu hoạch có thể được đưa ra khỏi Ukraine bằng cách đó.

Các nước nhập khẩu cũng cần được hỗ trợ để không bị khủng hoảng bởi những hóa đơn khổng lồ. Nguồn cung cấp ngũ cốc khẩn cấp chỉ được dành cho những quốc gia nghèo nhất. Thế giới có thể tài trợ nhập khẩu cho những quốc gia khác với những điều kiện có lợi. Bằng cách tài trợ thông qua IMF, đồng đô la của các nhà tài trợ có thể sẽ đi được xa hơn. Xóa nợ cũng có thể giúp các nước giải phóng các nguồn lực quan trọng.

Các nước trên thế giới cũng có thể chuyển đổi hình thức sử dụng lương thực để giải quyết tình hình này. Khoảng 10% tổng số ngũ cốc trên thế giới đang được sử dụng để làm nhiên liệu sinh học; và 18% dầu thực vật đang được sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học. Một số nước như Phần Lan và Croatia đã giảm nhẹ các quy định về hàm lượng nhiên liệu từ cây trồng bắt buộc phải có trong xăng.

Những nước khác cũng nên thực hiện điều này. Hiện tại, trên thế giới, một lượng lớn ngũ cốc đang được sử dụng để làm thức ăn cho động vật. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, ngũ cốc chiếm 13% trong thức ăn khô của gia súc. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu đến 28 triệu tấn ngô để làm thức ăn cho lợn, nhiều hơn lượng xuất khẩu của Ukraine trong một năm.

Nếu Biển Đen thoát khỏi sự phong tỏa, thế giới sẽ được cứu trợ lương thực ngay lập tức. Khoảng 25 triệu tấn ngô và lúa mì (tương đương với mức tiêu thụ hàng năm của tất cả các nền kinh tế kém phát triển nhất trên thế giới) đang bị mắc kẹt ở Ukraine. Để thực hiện được việc này, Nga cần cho phép Ukraine vận chuyển lương thực; Ukraine cần giảm bớt hỏa lực bao bọc quanh khu vực Odessa; và Thổ Nhĩ Kỳ cần cho phép hải quân hộ tống tàu qua eo biển Bosporus.

Việc này sẽ không dễ dàng xảy ra bởi Nga cũng đang phải vật lộn trên chiến trường và đang cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của Ukraine. Ukraine đang lưỡng lự về việc giảm bớt hỏa lực. Tuy vậy, để để Ukriane thực hiện điều này cũng cần nhiều quốc gia đứng ngoài cuộc chiến như Trung Quốc và Ấn Độ tham gia thuyết phục. Các đoàn xe cũng cần được bảo vệ bởi những người hộ tống có vũ trang do một liên minh lớn xác nhận. Đảm bảo an ninh lương thực thế giới là nhiệm vụ của tất cả mọi người.