'Hồi chuông cảnh tỉnh' từ nghi án lừa đảo 100 container hạt điều sang châu Âu

Nhật Hạ - 09:30, 17/03/2022

TheLEADERĐặc điểm chung của các đơn hàng điều đang gặp khó là đều được thanh toán qua hình thức D/P (nhờ thu). Đây là hình thức tương đối rủi ro (đặc biệt là đối với trường hợp chưa hiểu rõ người mua), khi gần như không có cam kết hoặc cam kết rất lỏng lẻo đối với ngân hàng thu hộ, rủi ro hầu như thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu theo phương thức thanh toán D/P. Chứng từ gốc được phía ngân hàng Việt Nam chuyển cho Hãng vận chuyển DHL để giao cho ngân hàng nước ngoài.

Các doanh nghiệp lo ngại rằng đây có thể là vụ lừa đảo lớn khi các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy.

Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italy nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.

Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.

Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy không phải bản gốc. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.

Hiệp hội điều Việt Nam đang kêu gọi sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu, đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp "Khẩn cấp" - tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.

Trước tình trạng trên, ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo khẩn gửi 5 bộ ngành gồm Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ ngành trên được giao khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân.

Từ đó có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

'Hồi chuông cảnh tỉnh' từ nghi án lừa đảo 100 container hạt điều sang châu Âu
Con số container hạt điều bị mất quyền kiểm soát chính xác là 36.

Tại cuộc họp báo ngày 9/3, Vinacas thông báo chỉ có 36 container điều mất quyền kiểm soát thay vì 100 container điều xuất khẩu sang Ý như thông tin ban đầu.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, đúng là có khoảng 100 container nhân điều sẽ xuất đi Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá trình thực hiện, một số container đã xuất phát đi. Khi đang trong quá trình thực hiện, thì các doanh nghiệp phát hiện có những dấu hiệu mờ ám, nghi bị lừa, nên đã kịp thời ngăn chặn các container chưa xuất phát. 

Nhờ vậy, con số container bị mất quyền kiểm soát chính xác là 36 chứ không phải gần 100 như một số thông tin đã đăng tải trước đó. Trong đó, có 2 container xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại là xuất đi Italy".

Theo ông Nhựt, 36 container mất chứng từ gốc (mỗi container có 1 bộ chứng từ gốc), tức mất quyền kiểm soát trị giá 7.025.000 USD, tương đương 162 tỷ đồng.

Đại diện Vinacas cho rằng, khó có thể tìm ra tổ chức nào đã can thiệp lừa đảo, và cũng khó có thể khẳng định việc phạm tội thời điểm nào. "Và bộ chứng từ gốc mất kiểm soát từ khâu nào cũng khó biết".

Với sự nỗ lực của Vinacas và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italia, cảnh sát tài chính Italia đã kịp phong toả 5 container đầu tiên tới cảng Genoa. Cả hệ thống cảng của Italia cũng đã được báo động về vụ việc.

Tuy nhiên, nguy cơ người cầm bộ chứng từ gốc đến lấy hàng là rất cao và hãng tàu buộc phải giao hàng theo quy định quốc tế.

Qua vụ việc này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đã đàm phán điều kiện thanh toán quốc tế khá rủi ro khi bán hàng cho khách hàng mới làm việc lần đầu tiên mà chưa hiểu rõ.

Đặc điểm chung của các đơn hàng điều đang gặp khó là đều được thanh toán qua hình thức D/P (nhờ thu), một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế, thanh toán giao tiền thì giao chứng từ. Tuy nhiên đây là hình thức tương đối rủi ro (đặc biệt là đối với trường hợp chưa hiểu rõ người mua), khi gần như không có cam kết hoặc cam kết rất lỏng lẻo đối với ngân hàng thu hộ, rủi ro hầu hết thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu. 

Các chuyên gia cho rằng thay vì chọn hình thức nhờ thu, các doanh nghiệp nên sử dụng phương phức an toàn hơn như dùng tín dụng thư (LC), bảo lãnh ngân hàng hay thanh toán trả trước 40/60…

Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc, tuy nhiên qua vụ việc này, Bộ Công Thương vừa đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...

Các doanh nghiệp cũng lưu ý các các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chịu thiệt. Do thiếu hiểu biết về thanh toán quốc tế, không tuần thủ các điều khoản buôn bán quốc tế, đầu năm 2021, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu 5 container chè sang Pakistan với tổng trị giá 138.289,5 USD. Tuy nhiên, sau khi hàng đã cập cảng Karachi tại Pakistan trong nhiều tháng nhưng công ty vẫn không nhận được thanh toán.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là doanh nghiệp Việt Nam đã không tuân thủ các điều kiện buôn bán quốc tế, không yêu cầu khách mở L/C hoặt đặt cọc để đảm bảm thực hiện hợp đồng và xử lý tình huống khách vi phạm hợp đồng.

Hậu quả là tính đến hết tháng 8/2021 các chi phí phát sinh do việc hàng bị tồn đọng tại cảng Karachi đã lên tới hơn 100.000 USD, gần tương đương với trị giá của toàn bộ lô hàng.