Hơn 350 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trên toàn thế giới

Phạm Sơn - 09:03, 24/02/2022

TheLEADERCon số này tăng hơn gấp đôi so với số liệu ghi nhận từ năm 2000, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Trong số lượng rác thải khổng lồ phát sinh, theo OECD, chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế, 19% được tiêu hủy, 50% được chôn lấp ở những bãi chôn lấp rác “đủ tiêu chuẩn”.

Vẫn có 22% lượng rác thải nhựa, tức là khoảng gần 80 tấn chưa được xử lý đúng cách. Số rác này được đốt lộ thiên hoặc xả thẳng ra môi trường, đặc biệt có xu hướng “chảy” về các quốc gia đang phát triển.

Gần 2/3 chất thải nhựa có tuổi thọ ngắn (dưới 5 năm). Rác thải nhựa phát sinh chủ yếu từ bao bì, chiếm 40%. Tiếp theo đó là hàng tiêu dùng chiếm 12% và quần áo, dệt may chiếm 11%

Lượng rác thải nhựa ngày càng tăng cao được lý giải bởi tốc độ gia tăng dân số, thu nhập. Tuy nhiên, một lý do khác được OECD là các chính sách hạn chế phát thải nhựa ra môi trường đang ngày càng trở nên kém hiệu quả.

Các lệnh cấm hay chính sách hạn chế nhựa sử dụng một lần đã xuất hiện ở hơn 120 quốc gia. Hầu hết các quy định này đều tập trung vào giới hạn túi nilon, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng rác thải nhựa. Trong khi đó, những công cụ chính sách tiên tiến hơn như thuế chôn lấp, thuế đốt rác thải hay cơ chế khuyến khích tài chế vẫn còn chưa được phổ biển.

Những con số trên được OECD ghi nhận vào năm 2019. Như vậy, trên thực tế, khối lượng rác thải nhựa còn tăng cao khủng khiếp hơn nữa do nhu cầu sử dụng các dụng cụ bảo hộ y tế làm từ nhựa. Đáng chú ý, đa số rác thải nhựa y tế đều rất khó hoặc không thể tái chế.

Báo cáo được OECD đưa ra trước thềm cuộc họp toàn cầu của Liên hợp quốc, được tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 2 tới đây, với việc bàn thảo, xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Việt Nam là một quốc gia sẽ tích cực tham gia vào thỏa thuận toàn cầu này. Tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

Một nội dung đáng được quan tâm trong thỏa thuận lần này là việc triển khai rộng khắp công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), là công cụ tối ưu hướng tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, các nội dung quan trọng có thể kể đến như sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ từ các nước phát triển trong cuộc chiến chống rác thải nhựa; công cụ thương mại quốc tế điều tiết sử dụng và xả thải nhựa.

Hơn 150 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và hơn 80 tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.