Kết nối công nghệ trên đất Mỹ

Đặng Hoa - 07:36, 27/05/2021

TheLEADERCông nghệ đã giúp thế giới trở nên “phẳng” hơn, khiến con người gần nhau hơn và tạo nên những mối lương duyên để những người trẻ tài năng như Giám đốc đầu tư Fuel Venture Capital Võ Vũ Thùy My và đồng sáng lập OhmniLabs Vũ Duy Thức có thể gặp gỡ và hợp tác.

Kết nối công nghệ trên đất Mỹ
Giám đốc đầu tư Fuel Venture Capital Võ Vũ Thùy My (giữa), đồng sáng lập OhmniLabs Vũ Duy Thức (trái) và Jeff Ransdell, người sáng lập quỹ Fuel Venture Capital

Trước khi trở thành Giám đốc quỹ đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD tại Mỹ Fuel Venture Capital, Võ Vũ Thùy My (Maggie Võ) đã từng phụ trách phân tích thị trường trong lĩnh vực chứng khoán. Thế nhưng công việc đó không làm thỏa cơn “khát” của cô trong việc khai phá những tiềm năng của doanh nghiệp. 

Sau 1 tiếng 30 phút trên một chuyến bay đến New York dịp giáng sinh, cô đã gặp, trò chuyện và gây được ấn tượng tốt với vị giám đốc đầu tư của quỹ Blue Shores Capital. Ông trở thành cố vấn (mentor) của cô trong lĩnh vực này và đưa cô vào vị trí chuyên viên phân tích đầu tư trong quỹ của ông ở Boca Raton, South Florida (Mỹ). 

Chỉ sau một thời gian vượt cả ba cấp độ chứng chỉ phân tích tài chính (CFA) ngay trong lần thi đầu tiên, cô được đưa lên vị trí quản lý danh mục đầu tư, tập trung vào mảng thị trường mới nổi và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Qua một người bạn, cô có dịp làm quen với Jeff Ransdell, người sáng lập quỹ Fuel Venture Capital. Cô quyết định "lùi một bước" về làm chuyên viên phân tích cho quỹ này. 

Nhờ năng lực vượt trôi, cô lên chức trưởng bộ phận đầu tư chỉ sau một năm và sau một năm tiếp theo trở thành người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ trẻ nhất của Fuel Venture Capital, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên ở vị trí này tại đây.

Fuel Venture Capital là quỹ đầu tư chuyên rót vốn trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo mà cô lãnh đạo. Quỹ cũng đã đầu tư cho startup OhmniLabs của TS. Vũ Duy Thức vào năm 2019 và tiếp tục đến vòng series A. 

Khi kết nối với anh Thức và tìm hiểu về startup của anh, Thùy My đã nhận thấy tiềm năng ở sản phẩm robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo của OhmniLabs ở thị trường thế giới. Nhưng trên hết, quyết định đầu tư của cô đến từ chính con người của anh Thức, một người Việt thực sự đam mê với robot, AI, một tài năng mà cô đã dõi theo trong nhiều năm.

“Đầu tư vào startup cũng là đầu tư vào nhà sáng lập. Tôi muốn biết nhà sáng lập của startup đó đã có hành trình xây dựng công ty như thế nào trước khi đầu tư, họ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ra sao”, Thùy My nói trong sự kiện trực tuyến Ai rồi cũng “khát”: Hành trình kết nối thế giới do công ty truyền thông S-World tổ chức.

Cô cho rằng, một trong những lý do startup thường “rạn nứt” là bởi các kỹ sư đã đặt những viên gạch đầu tiên bỗng một ngày không còn tìm được tiếng nói chung để xây tiếp “ngôi nhà” của mình nữa. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh, ưu điểm khác biệt trong thị trường là một yếu tố quyết định để Fuel Venture Capital rót vốn cho OhmniLabs.

Trên cương vị của nhà đầu tư, Thùy My nhìn nhận, mỗi startup cần tìm lời giải cho một bài toán riêng ở từng giai đoạn. Khi còn ở giai đoạn tạo ra sản phẩm, startup cần góp ý từ những nhà đầu tư có thế mạnh về sản phẩm hay công nghệ. 

Đến vòng gọi vốn series A, series B, khi đã có những kiểm chứng về sản phẩm, startup cần tiếp thị thương hiệu rộng rãi hơn tới thị trường. Lúc này, họ cần những nhà đầu tư có thể hỗ trợ để mở rộng mối quan hệ hợp tác nhằm phục vụ được nhóm khách hàng mới.

Hiện nay, cô đang phát triển một hệ sinh thái ở Mỹ bao gồm tất cả các nhà đầu tư có thể giúp đỡ cho startup từ vấn đề công nghệ, tiếp thị - bán hàng, truyền thông, luật pháp hay thoái vốn.  

“Mỗi công ty lại cần sự giúp đỡ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, tôi muốn trở về Việt Nam và tạo thêm nhiều kết nối với những nhà đầu tư như vậy để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các startup và xây dựng một hệ sinh thái tương tự ở Việt Nam”, Thùy My nói.

Kết nối công nghệ trên đất Mỹ
Võ Vũ Thùy My, Giám đốc đầu tư Fuel Venture Capital (Mỹ)

Kết nối thế giới bằng công nghệ

TS. Vũ Duy Thức từng được Silicon Valley Business Journal vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại thung lũng Silicon. Anh đã bắt đầu hành trình vươn ra biển lớn, tạo ra những kết nối cho thế giới bằng trí tuệ nhân tạo với những cái tên như Katango, Tappy lần lượt được Google và Weeby.co mua lại.

Từ Việt Nam lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ, thế giới thực sự rộng lớn trong con mắt của một người Việt trẻ như anh Thức. Nhưng càng trải nghiệm và đi đến nhiều nơi, anh nhận thấy thế giới ngày càng bé lại. Công nghệ đang giúp mọi người gần lại với nhau thông qua những kết nối mọi lúc nọi nơi.

“Startup của anh Thức đã tìm ra cách sản xuất và chế tạo robot linh hoạt với chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn các đối thủ khác trên thị trường, cùng kiểu mẫu đa dạng và tính tùy chỉnh cao, từ đó giải quyết được bài toán phổ thông hóa robot tới nhiều đối tượng hơn”, Thùy My chia sẻ về quyết định đầu tư vào OhmniLabs.

Hiện nay, robot OhmniLabs đã đến với thị trường của hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, robot này được nhiều bệnh viện trên thế giới sử dụng trong giao tiếp chẩn đoán và điều trị bệnh nhân từ xa, giúp những người bị cách ly tại nhà có thể kết nối dễ dàng với người thân, bạn bè hay các nhân viên y tế. 

Ứng dụng công nghệ rộng rãi là điều tất yếu xảy đến với chúng ta, đại dịch chỉ khiến điều đó diễn ra nhanh hơn.

“Đại dịch đã đẩy nhanh nhu cầu ứng dụng công nghệ và robot trong nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là y tế, giáo dục. OhmniLabs đã hợp tác với các tập đoàn trong ứng dụng robot để theo dõi và điều phối hoạt động sản xuất từ xa, sử dụng tia cực tím trên robot trong phòng chống sự lây nhiễm của Covid-19”, CEO OhmniLabs chia sẻ.

Công nghệ đã giúp thế giới trở nên “phẳng” hơn. Sự kết nối về liên lạc đã được thu ngắn lại giữa người với người. Tuy nhiên, đối với những startup công nghệ như OhmniLabs, khát vọng của những nhà sáng lập như TS. Vũ Duy Thức còn là làm sao giúp con người làm việc từ xa thông qua robot và trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ về tương lai công nghệ ở Việt Nam, anh Thức cho biết: “Tuy đi sau các quốc gia trên thế giới về ứng dụng công nghệ, nhưng Việt Nam có lợi thế đi tắt đón đầu, giúp tiếp nhận những công nghệ tiên tiến nhất và có khả năng đi rất nhanh”.

Một startup muốn thành công cần có những cơ hội lớn. Đó là khi giải quyết được những vấn đề như sự thay đổi chưa từng có trong hành vi của người tiêu dùng hay khó khăn mới trong quá trình phát triển kinh doanh. 

Kết nối công nghệ trên đất Mỹ 1
TS. Vũ Duy Thức, đồng sáng lập kiêm CEOcủa OhmniLabs và Kambria (thung lũng Silicon)

Một trong những bài học lớn mà nhà sáng lập về robot và trí tuệ nhân tạo chia sẻ là tính thích nghi trong những khó khăn, trở ngại trong công việc hay trong cuộc sống. Trong khủng hoảng, với nội lực đủ mạnh để vượt qua những thách thức, startup sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhiều lần so với trước khủng hoảng.

“Công ty muốn phát triển tốt cần được thử thách qua những chu kỳ kinh tế khác nhau. Cho dù đại dịch không xảy ra thì sẽ có những lúc thị trường đi xuống. Những công ty công nghệ cần chứng tỏ khả năng tồn tại, cũng như những CEO, nhà sáng lập cần chứng tỏ khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của mình, khả năng năng lái con tàu đi qua biển lớn”, Thùy My nhận định. 

“Bay” bằng đam mê hay năng lực

Từ một du học sinh Việt với quyết tâm “tìm thứ mình giỏi và biến đó thành đam mê” luôn giữ nhiệt huyết và sự kiên trì với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán, Thùy My đã tiến vào lĩnh vực tài chính và trở thành một nhà đầu tư thành công trên đất Mỹ. 

Cô từng nhận hai giải thưởng cho doanh nhân nữ tại Mỹ và lên trang bìa tờ báo danh tiếng của Florida. Để rồi, từ chính thành công cá nhân, cô tạo ra những kết nối mới cho cộng đồng, rót vốn cho các startup từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ tới châu Âu và Việt Nam.

“Bước ra thế giới chính là cách để mở mang hiểu biết, phát triển bản thân ở lĩnh vực mình thực sự giỏi, là con đường lâu dài chứ không đơn thuần chỉ là đam mê,” Thùy My chia sẻ.

Nếu cơ duyên kết nối đặc biệt của Thùy My đến trên chuyến bay dịp giáng sinh năm đó thì anh Thức lại vô tình gặp và trao đổi với một người bạn cùng sở thích về robot trong thang máy và sau này người bạn đó đã cùng anh đồng sáng lập OhmniLabs. Cả hai đều đồng ý rằng cởi mở và sẵn sàng cho đi sẽ được nhận lại theo lẽ công bằng của cuộc đời.

“Trong hành trình 17 năm ở Mỹ, tôi đã kết nối được với nhiều anh chị em người Việt và điều đó giúp ích rất nhiều trong học tập và thậm chí là những mối quan hệ công việc sau này. Mỗi người đến trong cuộc sống của mình đều có một câu chuyện để chia sẻ và những điều để mình học hỏi, vậy nên chúng ta không nên sống quá khép kín mà hãy cởi mở hơn”, nhà lãnh đạo nữ của Fuel Venture Capital cho biết.

Cả Thùy My và Thức Vũ đều bày tỏ sẵn sàng kết nối và hỗ trợ các nhà sáng lập startup Việt trong thời gian tới.

Anh Thức mới đây đã trở thành Giám đốc đầu tư của Do Ventures, quỹ đầu tư sáng lập bởi Shark Dzung và Lê Hoàng Uyên Vy. Trong tương lai gần, anh sẽ kết nối với các startup với vai trò nhà đầu tư, bên cạnh một chuyên gia về robot và trí tuệ nhân tạo.

Thùy My cho biết, cô sẽ sớm mở một quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ tài chính và xa hơn là một quỹ đầu tư hướng đến phụ nữ, các cộng đồng thiểu số và đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.