Khi doanh nhân mê nhạc

Kim Yến - 08:05, 03/02/2020

TheLEADERThương trường và nghệ thuật luôn song hành với Diệp Khắc Cường, Đức Thịnh hay Bùi Ngọc Hùng...

Diệp Khắc Cường - Người bày những cuộc chơi

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Đại học Tổng hợp năm 1996, đầu quân cho FPT, đam mê công nghệ đã dẫn dắt doanh nhân Diệp Khắc Cường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển mạng lưới Hữu Nghị (FNC) khởi nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tưởng như hoàn toàn trái ngược nhau.

Khi doanh nhân mê nhạc
Doanh nhân Diệp Khắc Cường

Đam mê kinh doanh từ rất sớm, anh lại theo học khoa thanh nhạc và tốt nghiệp nhạc viện TP HCM. 12 năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, trưởng thành sau thế hệ Minh Thuận Nhật Hào, Bảo Yến, Nhã Phương… đi khắp nơi biểu diễn, anh lại quyết định rẽ sang kinh doanh.

Từ kinh doanh thời trang nhãn hiệu Kentazo, tế bào gốc, đầu tư cụm rạp Cinestar, sản xuất phim, anh nhảy sang lĩnh vực sản xuất thiết bị an ninh dân sự với FNC, nguồn vốn 500 tỷ đồng. Gần đây, anh lại lập công ty ở Mỹ làm về công nghệ, app, cung ứng giải pháp công nghệ, IOT cho các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel…

Nhắc đến anh, bạn bè doanh nhân thường yêu mến gọi tên “Người bày cuộc chơi”, bởi anh là nhà tổ chức những đêm âm nhạc cho doanh nhân rất xả thân, hết lòng.

Kể về một kỷ niệm khó quên với âm nhạc, Diệp Khắc Cường bồi hồi: “Âm nhạc cũng gắn với một biến cố đầu tiên của đời tôi, đó là mối tình đầu. Gần mười mấy năm đi hát tôi chưa bao giờ khóc, chỉ duy nhất có một lần, đó là khi hát Tình đầu chưa nguôi. Người bạn gái đầu tiên của tôi rất đẹp, nét đẹp như Việt Trinh vậy, mỗi lần tôi chở nàng đi ngang qua ai đó, người ta cứ tưởng Việt Trinh. Mình nổi tiếng cũng nhờ nàng. 

Nhưng tai hoạ bỗng nhiên ập tới, khi phát hiện nàng bị ung thư máu, tôi cảm giác như trời sập. Sau khi điều trị hết mức, cô ấy sống được 1 năm thì mất, hồng nhan bạc phận. Mình buồn quá, đánh mất chính bản thân, trở nên mất kiểm soát. Lúc ấy nghĩ thôi chỉ còn đi hát để tìm lại chính mình, thế là đi hát trở lại. Khi lên sân khấu hát Tình đầu chưa nguôi, mình nghẹn luôn, nước mắt cứ trào ra, phải ráng lắm mới hát hết bài”.

Chia sẻ về âm nhạc trong vai trò nhà tổ chức, Diệp Khắc Cường thổ lộ: “Xuất thân từ dân showbiz, tôi hiểu với doanh nhân, giải trí thư giãn là thời gian vô cùng quý giá. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, âm nhạc được cho là lành mạnh, văn minh nhất, kết nối được nhiều người, mọi giai tầng, không phân biệt. Tất cả loại nhạc tôi đều thích thưởng thức, từ nhạc Jazz, nhạc Trịnh đến nhạc trẻ, nhạc sến...

Là dân học từ nhạc viện ra, biết phân tích và lắng nghe, theo tôi không có loại nhạc nào dở, vấn đề mình có đủ kinh nghiệm, biết thưởng thức hay không. Bất cứ lúc nào căng thẳng nhất, chỉ cần ngồi vào piano chơi vài ba bản nhạc là quên hết. 

Giống Lan Hạnh, tôi xuất thân từ ấu nhi trong ca đoàn nhà thờ Tin lành, về nhạc lý vững, nhưng từ nào tới giờ, trong các cuộc vui bạn bè, tôi luôn dấu mình, không thể hiện mình biết nhiều về nhạc.

Tôi bắt đầu sự nghiệp ca hát bằng vai trò ca sĩ hạng B, rất đắt sô, đi diễn xuyên Việt. Từ 2002 tôi bén duyên kinh doanh. Chính nghề ca sĩ cho tôi vốn sống, hiểu về văn hoá, sang kinh doanh rất thuận lợi, và tôi cũng giấu luôn việc mình là ca sĩ. Tôi từng tổ chức những chương trình đại nhạc hội mấy ngàn người xem ở quân khu 7 từ mười mấy năm trước, nên chuyện tổ chức cho doanh nhân hát khá đơn giản. Trong những chương trình ấy, tôi thậm chí hát không diễn, phải dấu bớt để không làm tổn thương ai, giúp cho mọi người chơi cho vui thôi.

Theo tôi, âm nhạc đem lại cho mình bốn giá trị lớn: Xây dựng cho mình phong cách sống, nghệ sĩ tính nhưng rất văn minh. Có trình độ cộng với cảm xúc âm nhạc cho mình ứng xử rất nhẹ nhàng.

Thứ hai cho mình chỉ số IQ, khả năng phán đoán, nhạy cảm với từng ánh mắt của đối tác, giúp mình ra quyết định tốt.

Thứ ba là sức khoẻ, công cụ cho mình giải toả stress bằng cảm xúc, hát lên là quên hết.

Thư tư là giúp mình dễ kết nối bạn bè, vì mỗi bài hát chính là ngôn ngữ chung, khi đã cảm được là lập tức có ngôn ngữ chung, đặc biệt khả năng lãnh đạo.

Từ trước giờ, trong vai trò người tổ chức, tôi luôn tôn trọng cảm xúc và cho mọi người…rơi tự do, nhưng đã đến thời điểm những nhà tổ chức như tôi, anh Hải phải hướng đến sự chuyên nghiệp hơn, rất cần những gì mang tính kỷ niệm. Đôi khi doanh nhân phải có chương trình để đời thì coi mới sướng”

Nhạc sĩ Đức Thịnh, giám đốc nhà hát VOH - Music One: Vừa là nghệ sĩ, vừa kinh doanh như  sống giữa hai làn đạn…

Phong cách chuyên nghiệp, không gian nghệ thuật đương đại, nhà hát VOH - Music One là môi trường âm nhạc “đúng chất” để các nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn âm nhạc thực thụ, khán giả được thưởng thức các chương trình nghệ thuật nghiêm túc và hấp dẫn.

Khán giả không chỉ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật nghiêm túc mà còn có dịp thưởng ngoạn và trải nghiệm cảm giác thú vị với không gian nghệ thuật tại chính sảnh đường nhà hát. Đây là phong cách tổ chức không lạ so với thế giới nhưng khá mới mẻ và khác biệt tại Việt Nam. 

Nhạc sĩ Đức Thịnh cho rằng, Nhà hát VOH là một giấc mơ bay bổng, với mong muốn mang nghệ thuật hàn lâm đến với công chúng bằng những hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, đầy sáng tạo, tôn trọng sân khấu là chốn thiêng liêng của nghệ sĩ cũng như nâng niu, trân trọng từng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng. 

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Đức Thịnh rất nhiều lần nhắc đến từ “giấc mơ” trong phần chia sẻ nhân dịp ra mắt nhà hát. Có thể nói, việc mơ ước có những nhà hát nghệ thuật đúng nghĩa luôn là khát khao cháy bỏng của những người làm nghề. 

Diệp Khắc Cường, người bày những cuộc chơi
Nhạc sĩ Đức Thịnh, Giám đốc nhà hát VOH - Music One.

Có một thực tế là hiện TP. HCM chiếm hơn 80% hoạt động nghệ thuật biểu diễn của cả nước, nhưng cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật gần như chưa xứng tầm. Vì thế, các đơn vị khó thực hiện những chương trình lớn để phục vụ công chúng và nâng cao tay nghề cho nghệ sĩ, đồng thời lại tốn nhiều chi phí cho đầu tư thiết kế, thuê địa điểm. Ngay như Nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch TP. HCM, gần 20 năm qua vẫn loay hoay đi tìm điểm diễn mỗi khi muốn thực hiện một chương trình nào đó, vì chưa có nhà hát riêng. 

Chưa kể, TP. HCM thiếu cả những nhà hát, sân khấu chuyên dụng cho từng loại hình biểu diễn. Ngoài Nhà hát Hòa Bình (sức chứa hơn 2.000 ghế), Nhà hát Bến Thành (hơn 1.000 ghế), Nhà hát TP. HCM (500 ghế), những đơn vị tổ chức biểu diễn dành cho lượng khán giả lớn hơn buộc phải thuê các nhà thi đấu hoặc sân vận động để thực hiện. Trong khi đó, với những chương trình quy mô nhỏ nhưng cần có không gian sang trọng phù hợp thì không phải lúc nào cũng thuê được Nhà hát TP. HCM, vì nơi đây lịch diễn luôn dày đặc.

Chính vì vậy, việc có thêm một không gian biểu diễn được đầu tư chuyên nghiệp và nghiêm túc như Nhà hát VOH là một điều đáng mừng cho cả nhu cầu biểu diễn lẫn nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Tốt nghiệp chuyên ngành lý luận, sáng tác và chỉ huy biểu diễn Nhạc viện TP. HCM, làm kinh doanh, quảng cáo, làm sách… nhưng giấc mơ âm nhạc chưa bao giờ nguôi ngoai trong Đức Thịnh. Anh không giấu tham vọng biến Opera House thành một điểm đến sôi động, chuyên nghiệp cho người yêu nhạc và là một bảo tàng cho những ai yêu thích, muốn tìm hiểu về nhạc cụ, âm nhạc dân tộc. Điều đáng chú ý là cách thực hiện và điều hành của Thịnh khá mới.

“Dường như bây giờ, đa số người ta chỉ dừng lại ở âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng và Sơn Tùng M-TP - một hình tượng tiêu biểu của giới trẻ. Họ không dở nhưng chỉ đến chừng ấy thôi, không hơn được nữa. Tôi luôn khao khát chúng ta có những David Foster, Josh Groban,… có thêm những nghệ sĩ chuyên biệt và đa dạng hơn về Jazz, nhạc cổ điển…

Tôi đã được xem rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam trong các dàn nhạc. Họ cực kỳ xuất sắc, chẳng kém gì nghệ sĩ quốc tế nhưng ít ai biết đến họ, truyền thông không quan tâm đến họ. Tôi cũng gặp lại những người thầy, những thần tượng một thời của mình mà tôi biết mình sẽ còn xa lắm mới với được đến tài năng của họ, vậy mà bây giờ, họ đi đàn show đám cưới, show hát với nhau. Những người đàn chuyên nghiệp nhất đi đệm cho người không chuyên còn ca sĩ chuyên thì hát với đĩa thu sẵn.

Truyền thông thay vì hướng đến sự đa dạng lại chọn cách dễ dàng hơn là chuộng theo thị phần đám đông và bình dân. Vậy thiểu số còn lại, họ đọc gì, nghe gì, xem gì? Có kênh nào dành cho họ? Sân chơi nào dành cho họ?” – Đức Thịnh chia sẻ động lực khiến anh thành lập Music One & Opera House.

Khi VOH đã định hình, Đức Thịnh lại có thêm công việc mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại qua văn hoá, kết hợp giữa du lịch và văn hoá, và hoàn thiện bảo tàng về nhạc cụ…Hiện bảo tàng của anh đã có gần 1200 nhạc cụ…

Chia sẻ về đam mê bảo tàng nhạc cụ, một công việc hết sức công phu và kiên trì, Đức thịnh cho biết: “ Do nhạc viện không làm, do quá mê, khi chạm vào mỗi cây đàn thấy cả câu chuyện thú vị trong đó. Kết hợp với trường nhạc MPU, tôi muốn bảo tàng sẽ là nơi có thông tin cho các em học sinh học, tạo hưng phấn cho các em. Tất cả đều từ âm nhạc…Đến giờ, bộ giao hưởng gần như có đủ, nhưng bảo dưỡng mỗi nhạc cụ là cả một chuyện dài… có hai bạn rất mê, có hiểu biết đã giúp mình bảo dưỡng nhạc cụ và giới thiệu cho mọi người.

Thịnh làm nhà hát, thấy chất lượng giáo viên là quan trọng nhất, một nghệ sĩ là một nhà học thuật, đó là điểm hay của trường nhạc MPU. Lên núi, học từng điệu thức tiếng đàn Ta Lư, cây đàn Tờ Nưng… bộ dân tộc Chăm của bảo tàng gần như đầy đủ. Nhạc cụ Việt Nam phong phú lắm, bên cạnh đó là bộ nhạc cụ giao hưởng châu Âu, nhạc cụ châu Phi, Nam Á, kèn túi Bắc Âu, Ai len;… Tôi phân theo bộ, theo vùng miền, văn hoá… Khi sưu tập bộ nhạc giao hưởng mới thấy kỹ thuật và mỹ thuật gặp gỡ nhau. Đườn eo của đàn Violon là sự hài hoà giữa tính vật lý, tính mỹ thuật, nhìn nhạc cụ dưới góc độ khác, không chỉ là âm thanh.

Đôi khi làm bảo tàng rất cô đơn, mình vừa đi mua, vừa phải tự tìm kiếm, vừa âm thầm bảo dưỡng. Nhưng rất may hiện nay đã có một số nhà sưu tập quan tâm, nhất là nhà sưu tập nước ngoài…Nguyên tắc bảo tàng là tinh thần cộng đồng cao. Tôi rất buồn khi có bạn từ xa đến chơi, không biết dẫn bạn bè đi đâu, bảo tàng thì ít quá, nhất là chưa có bảo tàng về nhạc cụ. Vừa làm, vừa mày mò, không biết sức mình đến đâu, mình bắt đầu từ 1992 đến giờ, sống lay lắt để giữ nó….”.

Bùi Ngọc Hùng, CEO công ty Hùng Vân: Tôi thích âm nhạc của sự im lặng

Có giọng hát trời phú rất tình cảm, nồng nàn, nhưng từ nhỏ do hoàn cảnh phải lo toan, học tập nhiều quá, Hùng không đến với âm nhạc được. Hồi lớp chín, khi anh hát bài “Lòng mẹ”, các bạn trong trường lập tức gọi tên anh là “Hùng Lòng Mẹ”, thấy vui vui. Nhưng sau đó cơm áo gạo tiền, âm nhạc …đứt luôn! Thời sinh viên làm cán bộ đoàn, mỗi lần lên hát, anh đều gây được dấu ấn với bạn bè.

Diệp Khắc Cường, người bày những cuộc chơi 1
Bùi Ngọc Hùng, CEO công ty Hùng Vân.

Vào Đại học Khoa học tự nhiên, rồi qua Ba Lan học công nghệ, ở xứ người buổi tối về buồn lắm, ngoài âm nhạc anh không còn gì hứng thú. Anh nhớ gần đây, khi qua thăm anh Vũ Tôn Hoa Sen bên Úc, trên đường về mở bài “Quê hương”, nước mắt ứa ra…

Hùng chia sẻ rất thật, “Tôi nhớ ngày xưa làng mình đẹp lắm, bây giờ nhìn lại, còn đâu hình ảnh con trâu, luỹ tre làng… thấy đau thương quá, sự phát triển kinh tế bằng mọi giá đã tàn phá quê hương, tàn phá con người ghê quá. Tôi còn trẻ, nhưng lại không chơi với người trẻ được, vì họ buồn chỉ biết rủ nhau đi nhậu, còn mình buồn chỉ cần chơi một bản ghi ta thấy nổi da gà nghe một bài hát hay thấy quên tất cả.

Mình thích hát live, được là chính mình. Còn hát mà thu âm trước thì chán lắm. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm buồn, đó là lần chia tay vợ, tinh thần xuống dốc dữ lắm, chỉ biết đến phòng trà hát. Một lần ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không biết lý do gì vắng mặt, thế là mình được lên hát thế. Ai ngờ từ đó chị chủ phòng trà rất ưu ái, mời mình hát cho chương trình “Sắc màu âm nhạc” trên truyền hình. Mình thu hình có một lần là OK ngay, bộ phận quay nói mình hát còn hơn ca sĩ! Lần đầu tiên mình được ký nhận 450 ngàn đồng cát xê của đài truyền hình. Từ đó, mọi người kêu mình là “doanh nhân ca sĩ".

Bài hát mà mình thấy yêu nhất khi nghĩ về quê hương là bài “Quê hương”, “ Khát vọng”, hát xong thấy đau đáu, giới trẻ phải làm gì cho đất nước. Mình cũng từng hát chung với Khánh Ly bài hát “Vầng Trăng mẹ” cho lễ Vu Lan, bài “Mẹ tôi”… Câu hát khiến mình xúc động nhất là “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”. Mỗi lần gieo tiếng nhạc, mình quên hết mọi thứ, thiện tính con người nâng lên rất nhiều. Hát “Vầng trăng mẹ” xong, mình chạy thẳng về nhà với mẹ.

Có lần, giới văn nghệ sĩ còn mời mình đi hát tận Gia Lai. Từ Sài Gòn chạy lên đó hát hai bài mất 3 ngày trời, trong khi công việc bộn bề. Ngày hôm sau người tổ chức tạng bao thơ 7 triệu, mới nghĩ đây là cái duyên lành. Toàn bộ tiền đi hát được mình đều làm từ thiện hết.

Giọng mình do trời phú, nên cũng trả lại cho đời thôi, bằng cách gieo duyên qua con đường thiện nguyện. Cảm thấy giọng hát mình giúp được gì cho người khác thấy hạnh phúc lắm.

Gần đây ít tham gia, nhưng trong lòng âm nhạc rất nhiều, mỗi lần có chuyện không vui . thao thức không ngủ được, chỉ cần cầm cây đàn lên nghêu ngao vài bài là thấy tâm hồn mình thư thái liền. Tôi thích âm nhạc của sự im lặng. Hát mà thấy anh em “zô zô” là tuột cảm xúc ngay”.

Hỏi anh bao giờ mới có album riêng? Anh cho biết: “Tuy yêu âm nhạc, nhưng mình chưa dành thời gian nghiêm túc cho âm nhạc. Mình rất tâm đắc với câu nói của bác sĩ Vũ Minh Đức “Nếu tác phẩm có ý nghĩa thì sống vài cuộc đời”, từ giờ đến năm 45 tuổi chắc chắn sẽ làm album. Tác phẩm sẽ là một câu chuyện, để người thưởng thức hiểu điều mình muốn nói, hành trình cuộc đời mình đi qua. Đó là điều mình mong ước”.