Diễn đàn quản trị
Khi tổ chức quá phụ thuộc vào một cá nhân nhìn từ thất bại của Messi, Ronaldo
Thất bại của Argentina và Bồ Đào Nha tại World Cup 2018 là thất bại của những những tổ chức chỉ biết dựa dẫm vào một vài cá nhân xuất chúng, đau lòng là sự “xuất chúng” ấy chỉ có tính cục bộ, bị giới hạn và chỉ có giá trị cho quá khứ.
Từ câu chuyện của Messi và Ronaldo
Cả Messi và Ronaldo đều đã 3-4 lần dự World Cup nhưng hầu như chưa bao giờ tạo được một ảnh hưởng đáng kể ở sân chơi lớn toàn cầu ấy. Họ thành công chủ yếu ở môi trường CLB, nơi mà với sự vượt trội của mình, họ dễ dàng được đồng đội nể phục, ăn ý và thậm chí họ được ban lãnh đạo thiết kế cho một hệ thống lấy họ làm trung tâm không chỉ trên sân bóng, mà còn trong huấn luyện và trong cuộc sống.
Còn ở cấp độ đội tuyển, khi có nhiều nhân tài vốn đều là số một ở CLB của họ, vốn đều được chơi theo “cách của mình” thì chuyện khẳng định mình là việc không hề dễ. Messi đã mất hơn 8 năm để được công nhận là “nhân tố chủ chốt” và xây dựng cách chơi của đội tuyển xung quanh mình. Ronaldo thuận lợi và sáng hơn Messi, nhưng không phải là không có khó khăn.
Kể cả khi đã là nhân vật trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất không phải không có sự “bằng mặt nhưng chả bằng lòng” luôn chực chờ bùng nổ khi kết quả không như mong đợi.
Messi có kỹ thuật rất tốt, sống được lòng mọi người và có uy tín với đồng đội thế nhưng anh đã, đang và sẽ không bao giờ có đủ khát khao chiến thắng mãnh liệt (đến mức cuốn phăng tất cả), khả năng tổ chức cầm trịch trận đấu và tố chất lãnh đạo đủ để làm đội trưởng bất kỳ một đội bóng nào. Chưa nói đến một đội tuyển vốn chưa bao giờ là ông lớn, nhưng nhờ gai góc ma mãnh, chiêu trò tinh quái và lì lợm mà đạt được kết quả cao trong các kỳ World Cup 1978, 1986 và 1990.
Đặt hết kỳ vọng lên Messi thì chẳng khác gì ta mong chờ một người nông dân cày cuốc giỏi nhất xã, sống được lòng nhất huyện dẫn làng ta “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào kỷ nguyên 4.0.
Ronaldo có năng lực chuyên môn tròn trịa hơn Messi (chân trái, chân phải, đánh đầu, sút phạt), có đủ sự ma mãnh, tinh quái và chiêu trò mà Messi thiếu, có khát khao chiến thắng mạnh mẽ đến mức (gần như) bất chấp thủ đoạn.
Tuy vậy, anh lại rất cá nhân (và không hề/không thèm che giấu điều đó), rất thích “thống ngự” và lại phải gánh một đội tuyển vốn có quá ít nhân tài đủ tầm. Với tính cách của mình, nếu vào đội tuyển khác cứng hơn Bồ Đào Nha thì Ronaldo sẽ bị che lấp, vùi dập hay tẩy chay tàn bạo ngay thôi.
Đừng để tổ chức của mình phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào
Trong quản trị, không được phép để cho tổ chức của mình phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào (No one is indispensable), cho dù cá nhân đó có xuất chúng đến đâu, dù cá nhân đó có thể là chính người lãnh đạo. Khi để điều đó xảy ra, thành công của tổ chức sẽ bị giới hạn trong một không gian địa lý, ngành nghề hay thời gian nào đó.
Thứ nhất vì cá nhân nào rồi cũng có điểm rơi phong độ, có lúc làm-gì-cũng-thành và sẽ có giai đoạn bất hạnh cố-gì-cũng-hỏng.
Thứ hai, vì kiến thức, tầm nhìn và năng lực của một người rồi cũng chỉ phù hợp ở một quy mô, ngành nghề, giai đoạn và thị trường nào đó mà thôi, ra khỏi sân chơi quen thuộc ấy, họ sẽ chỉ là một tay mơ. Vì tổ chức vốn đã quen phụ thuộc vào cá nhân ấy, nên theo quán tính, những bí quyết vốn đã giúp họ thành công trong quá khứ ở lĩnh vực, thị trường hay công việc có tính chất hoàn toàn khác biệt lại được mang vào áp dụng một cách đầy hào hứng và quyết liệt để mong đợi thành công.
Thứ ba, một cách tự nhiên, cơ chế phụ thuộc ấy sẽ làm cho hệ thống (và những cá nhân ấy) tẩy chay những người nghĩ khác, làm khác với họ. Người giỏi từ bên ngoài sẽ không đến, người giỏi bên trong lại sẽ ra đi. Cuối cùng tổ chức sẽ lại ngày càng phụ thuộc hơn, đến một ngày, khi những cá nhân ấy hắt hơi sổ mũi thì tổ chức sẽ lãnh đủ.
Trong quá khứ, các vua chúa lập quốc, nếu không phải lo ngại kẻ thù đến từ bên ngoài thì thường diệt hết quần thần có tài, có ảnh hưởng lớn để củng cố quyền lực tuyệt đối. Nhất là khi họ đã dần già và phải chuẩn bị cho con nối ngôi, nhưng điều đó hoàn toàn không có lợi cho đất nước hay tổ chức ấy.
Thành ra, trong quản trị hiện đại, người ta đề cao tính hệ thống trong tổ chức, đa dạng trong lãnh đạo và các cơ chế phản biện nội bộ để giảm rủi ro và tăng khả năng phát triển bền vững của tổ chức. Các doanh nghiệp Việt Nam mình khâu này còn hạn chế nhiều.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions
Đội vô địch World Cup 2018 đã được tiết lộ?
UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Vingroup hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng Vingroup nghiên cứu, xây dựng chương trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
SeABank được vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024
SeABank vừa được vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 do Anphabe cùng Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
Đầu tư bền vững: Bảo vệ tương lai từ những quyết định hôm nay
Đầu tư bền vững tương tự cách chúng ta chọn lọc, chỉ đánh bắt con cá đã đủ trưởng thành làm thực phẩm, để lại các con cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh trưởng.
Kim chỉ nam cho thương hiệu Việt trên sân chơi toàn cầu
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Buýt 'xanh' sẽ phủ kín Hà Nội vào năm 2035
Xe buýt điện, năng lượng xanh sẽ thay thế toàn bộ xe buýt diezel để vận tải hành khách công cộng Thủ đô vào năm 2035.
Cách doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng thông qua tác động xã hội
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.
Tăng trưởng vượt bậc, Chứng khoán Kafi đẩy mạnh tăng vốn
Từ năm 2022, sự góp mặt của cổ đông Uniben và đợt tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng đã đem tới "bước ngoặt" cho sự phát triển của Chứng khoán Kafi.