Không phân loại rác có bị xử phạt?

Phạm Sơn - 16:21, 22/07/2022

TheLEADERTheo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc không phân loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp sẽ bị xử phạt.

Không phân loại rác có bị xử phạt?
Phân loại rác thải sinh hoạt thành 3 loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể tại khoản 1, điều 26, nghị định 45 quy định “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.

Quy định về phân loại rác thải tại nguồn tại hộ gia đình là rất quan trọng, giúp gỡ nút thắt then chốt để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo các chuyên gia về môi trường, việc phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm độ phức tạp của rác thải, từ đó có thể xử lý hiệu quả hơn. Phế liệu được phân loại cũng có tiềm năng tái chế cao hơn so với phế liệu bị lẫn nhiều tạp chất.

Tuy nhiên, quy định mới tại nghị định 45 khiến nhiều người tiêu dùng và cơ sở sản xuất kinh doanh không khỏi hoang mang bởi từ trước đến nay, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được áp dụng.

Một số chiến dịch phân loại rác thải tại nguồn trước đây đã được áp dụng thí điểm ở một số địa phương, tuy nhiên không đem lại hiệu quả. Các chiến dịch này chỉ nhằm mục đích tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân chứ không mang nhiều ý nghĩa thực tế, bởi dù có phân loại kỹ lưỡng tại nguồn, rác thải cũng bị đổ chung vào nhau khi thu gom.

Nói về điều này, ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định về việc phân loại rác thải tại nguồn.

Cụ thể, điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc phân loại rác thải sinh hoạt thành 3 loại, bao gồm rác thải có thể tái chế, tái sử dụng; rác thải thực phẩm và rác thải rắn sinh hoạt khác.

Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định hộ gia đình, cá nhân phải chịu trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết hoặc giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển rác. Các cơ sở thu gom, vận chuyển rác có quyền từ chối rác chưa được phân loại.

Theo lộ trình thực hiện các quy định này, Bộ Tài nguyên và môi trường giao cho chính quyền địa phương quyết định cách thức tổ chức phân loại rác thải, bao gồm định giá các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thiết lập hệ thống hạ tầng đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đạt hiệu quả.

Các quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được chính quyền địa phương nghiên cứu và ban hành với thời hạn chậm nhất là hết năm 2024. Như vậy, theo ông Thi, chưa thể áp dụng quy định của nghị định 45 để xử phạt hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt của hộ gia đình.

Nghị định 45 sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 tới đây. Bên cạnh quy định về xử phạt hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt, nghị định 45 cũng đưa ra mức phạt với nhiều hành vi khác như vi phạm trong đánh giá tác động môi trường; xả rác thải bừa bãi không đúng nơi quy định…