Lại bùng nổ dự án bất động sản nghỉ dưỡng

Phương Linh - 11:13, 24/03/2022

TheLEADERHàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng với quy mô lớn, tổng vốn đầu tư "khủng" đang được khởi động, hứa hẹn sự trở lại mạnh mẽ của phân khúc thị trường này trong năm 2022.

Lại bùng nổ dự án bất động sản nghỉ dưỡng
Đảo Hòn Thơm, Phú Quốc

Dự án nối tiếp dự án

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã liên tục xuất hiện hàng loạt các dự án lớn được khởi động với quy mô và vốn đầu tư rất lớn.

Đầu tháng 3, Tập đoàn Sun Group ra mắt dự án Hon Thom Paradise Island ở Phú Quốc theo ý tưởng đột phá của mô hình "siêu tổ hợp mang tầm vóc quốc tế".

Mặc dù không tiết lộ tổng vốn đầu tư của dự án, song thông tin từ tập đoàn này cho biết, tính đến năm 2021, Sun Group đã đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng tại Phú Quốc và dự án mới sẽ góp phần đưa con số này tăng 4 lần trong 5 năm tới.

Nhằm đưa Hòn Thơm sánh ngang với những "thiên đường nơi hạ giới" nổi tiếng như Bora Bora, Mustique, Monaco, Sun Group sẽ phát triển tại đây chuỗi tiện ích, dịch vụ, khu vui chơi giải trí quy mô chưa từng có gồm trung tâm giải trí - mua sắm - ẩm thực 24/7, khu sân khấu biểu diễn ngoài trời, trung tâm chăm sóc sức khỏe... 

Bên cạnh Phú Quốc, Sun Group cũng lên kế hoạch cho hàng loạt dự án mới trong năm 2022. Sau thành công của Sun Onsen Village - Limited Edition tại Quang Hanh, Quảng Ninh, cuối tháng 12/2021, Tập đoàn đã khởi công quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa tại huyện Quảng Xương. 

Với quy mô gần 100ha, tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, Sun Group đã thiết lập một định nghĩa mới về bất động sản nghỉ dưỡng khoáng nóng trên thị trường địa ốc. Tập đoàn cũng đang nhắm đến một tổ hợp nghỉ dưỡng khoáng nóng ở Kim Bôi - Hoà Bình.

Một đại gia bất động sản khác là Novaland cũng đang cho thấy tham vọng rất lớn của mình trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bằng việc công bố hàng loạt dự án khủng. 

Theo báo cáo thường niên mới đây của Novaland, công ty đặt kế hoạch giới thiệu 15.000 sản phẩm mới tại loạt dự án quy mô hơn 2.300 ha trong năm 2022. Đáng chú ý, tại Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, công ty dự kiến công bố dự án thứ hai mang thương hiệu NovaWorld với quy mô 700 ha vào quý II/2022, sau khi đã thành công với NovaWorld Phan Thiet rộng 1.000ha.

Trong tháng 6/2022, công ty cũng sẽ cho ra mắt một dự án khác mang thương hiệu NovaWorld tại Khánh Hòa với quy mô hơn 600 ha, năm tiếp giáp đường Trần Phú, Nha Trang. Tại Lâm Đồng, dự án NovaWorld Da Lat với quy mô 1.000 ha (trong đó, phân kỳ đầu tiên gần 700 ha) dự kiến sẽ được ra mắt vào quý IV/2022.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Novaland sẽ phát triển 100.000 sản phẩm. Giai đoạn 2026-2030, công ty sẽ phát triển và cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm.

Dù mới bước chân vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, song Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang cho thấy tham vọng không kém với dự án MerryLand Quy Nhơn tại bán đảo Hải Giang (Bình Định). Đây là dự án du lịch biển gồm khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, resort với nhiều loại hình giải trí cao cấp.

Với với tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 57.000 tỉ đồng (2,5 tỉ USD), Tập đoàn Hưng Thịnh kỳ vọng sẽ đưa dự án MerryLand Quy Nhơn trở thành điểm đến mới, góp phần nâng tầm vị thế của Quy Nhơn trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới.

Với quy mô 695 ha, MerryLand Quy Nhơn được kiến tạo thành 15 phân khu: khách sạn cao cấp 5 sao ven biển, những biệt thự trên đồi cùng tiện ích hồ cảnh quan, quảng trường Hạnh Phúc... Trong đó, phân khu Canal District sẽ ra mắt trong năm 2022 gồm 36 tuyến phố.

Liên danh chủ đầu tư Crystal Bay – Tecco – Đức Quang Minh cũng vừa khởi công tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển tiêu chuẩn 5 sao quốc tế Sailing Bay Ninh Chữ tại Ninh Thuận. 

Dự án có quy mô gồm 4 tòa tháp cao 36 – 40 tầng, quy mô 4.000 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao quốc tế với tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng.

Ngoài ra, Crystal Bay còn dự định phát triển thêm khu nghỉ dưỡng ở Khánh Sơn - Cam Lâm (Khánh Hòa) với quy mô dự kiến lên tới hơn 3.000 ha.

Tại đây, doanh nghiệp này sẽ nghiên cứu và xây dựng tại đây khu nghỉ dưỡng cao cấp (6 sao), khu khách sạn thấp tầng cùng các villa nghỉ dưỡng trên sườn đồi, nhà vườn sinh thái, dịch vụ spa, sân golf, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe gắn với việc trồng các loại cây ăn quả theo mô hình du lịch canh nông.

Không chỉ ở các điểm đến du lịch nổi tiếng, tại nhiều địa phương khác vốn yên ắng trong thời gian vừa qua như Vân Đồn, Quảng Ninh, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng rục rịch trở lại.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 208/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 24.883 tỷ đồng, diện tích gần 200ha tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án khu tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao Sonasea Vân Đồn Harbor City do CEO Group đầu tư tại Bãi Dài hiện cũng đã hoàn thiện nhiều hạng mục như khu phố thương mại Singapore Shoptel. Hiện dự án đang chuẩn bị đưa bãi biển Sonasea Long Beach vào hoạt động, giới thiệu các sản phẩm mới tại 2 phân khu Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn và Sonasea Silk Path, song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục khác.

Tại Quảng Ninh, Công ty cổ phần Bamboo Capital cũng đã có báo cáo đề xuất về vị trí, ranh giới và diện tích địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đây là quần thể đô thị ven biển kết hợp nghỉ dưỡng du lịch 546 ha, tổng vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

Tái xuất mạnh mẽ hơn

Sau ba năm gần như đóng băng do dịch bệnh Covid-19 và đổ vỡ cam kết cam kết lợi nhuận, từ cuối năm 2021 - đầu năm 2022, một số tín hiệu trên thị trường đang cho thấy một sự khởi đầu mới của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Thực tế cho thấy, ngay từ năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh nhưng vẫn không thiếu các dự án cháy hàng, đạt mức thanh khoản cao. Đặc biệt là các dự án lớn, được phát triển bài bản của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường.

Đơn cử như dự án Novaword Phan Thiết của Nova Group. Dự án có quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư ngay cả trong dịch bệnh.

Sun Group cũng đã có một năm thắng lớn với hàng loạt dự án thành công về thanh khoản. Sự đổ bộ của Sun Group với đại đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard tại Thanh Hoá đa liên tục cháy hàng. Hay như dự án căn hộ Sun Marina Town hướng thẳng Vịnh Du thuyền tại Quảng Ninh của doanh nghiệp này cũng hết bảng hàng chỉ trong trong tuần đầu ra mắt.

Tại Vân Đồn, dự án Sonasea Vân Đồn Habor City của CEO Group cũng tạo sức hút rất lớn với các nhà đầu tư sau thời gian dài chậm thanh khoản.

Chính sự thành công của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2021 và sự quay trở lại của khách hàng đã khiến các doanh nghiệp có nguồn vốn và tự tin đầu tư mở rộng nhanh chóng trong năm 2022.

Mặt khác, theo ông Võ hồng Thắng trưởng phòng R&D DKRA Việt Nam, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát ở trong nước và trên toàn thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang trở lại trạng thái bình thường mới sau khi phủ tỷ lệ vaccine cao, các triệu chứng bệnh không quá nguy hiểm.

Đặc biệt, việc mở cửa lại du lịch với thế giới từ 15/3 với nhiều quy định thông thoáng và nhu cầu đi du lịch bùng nổ trở lại sau thời gian bị kiểm soát đã tạo điều kiện cho ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục và phát triển trở lại.

Dự báo của Tổng cục du lịch và nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng cho rằng, du lịch thế giới sẽ phải mất khoảng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm để phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch. Trong đó, đà phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ chậm hơn khoảng từ 6 - 9 tháng so với thế giới. Tức, phải đến cuối năm 2023, đầu 2024, ngành du lịch trong nước mới thực sự sôi động và phát triển mạnh mẽ như trước dịch. 

Khoảng thời gian này bằng với quãng thời gian cần thiết để phát triển một dự án và đưa vào hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, việc bùng nổ các hoạt động khởi công, xây dựng phát triển dự án ngay từ đầu năm 2022 này chính là sự nỗ lực của các chủ đầu tư nhằm đón đầu sự hồi phục của ngành du lịch vào năm 2024.

Yếu tố thứ hai, theo ông Thắng, nếu như trước đó, bất động sản nghỉ dưỡng gặp vướng mắc về pháp lý do vấn đề cam kết lợi nhuận thì thời gian gần đây, các chủ đầu tư đã có sự thay đổi rất lớn trong bài toán kinh doanh.

Thay vì cam kết lợi nhuận, các dự án nghỉ dưỡng đều dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận. Đây là xu hướng mới được nhiều dự án áp dụng và nhận được sự quan tâm của khách hàng.

Trước đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản BHS cũng cho rằng, mặc dù vướng mắc về pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa được tháo gỡ nhưng việc thay đổi nhưng sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, loại hình sản phẩm của các chủ đầu tư đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách hàng hiện nay.

Trước đây, giá của bất động sản nghỉ dưỡng thường rất cao do chủ đầu tư dự án đã cộng cả số tiền cam kết lợi nhuận vào giá bán sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay, mức giá đã được điều chỉnh về ngưỡng hợp lý, phù hợp với mức chi trả của nhiều khách hàng.

Hơn nữa, với việc phục hồi của du lịch, nhiều nhà đầu tư đang có niềm tin trở lại đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và rục rịch trở lại thị trường. Đây là cơ hội tốt để các dự án bung hàng, đón "sóng" dòng tiền của các nhà đầu tư.

Với sự tham gia của các chủ đầu tư lớn và các dự án quy mô tầm cỡ, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang cho thấy một bước chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn sự tăng trưởng bứt phá trong tương lai.