'Làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển không thua kém bất kỳ nước nào'

Đặng Hoa - 10:00, 01/02/2019

TheLEADERĐặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam 25 năm trước, Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P. Việt Nam từng bước nỗ lực xoá nhoà khoảng cách về văn hoá, biến một doanh nghiệp của Thái Lan để trở thành thành viên của đại gia đình nông dân Việt.

'Làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển không thua kém bất kỳ nước nào'
Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P. Việt Nam

Cơ duyên nào đã đưa ông đến với Việt Nam 25 năm về trước?

Ông Montri Suwanposri: Tôi được cử đến làm việc tại Việt Nam vào năm 1993 sau khi tốt nghiệp đại học, nhập ngũ khoảng 1,5 năm và đầu quân cho Tập đoàn C.P. tại Thái Lan. Đây là công ty đầu tiên và duy nhất tôi làm việc từ khi tốt nghiệp đại học cho đến hiện nay. Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi làm việc cho C.P. trong vòng 11 năm với nhiệm vụ quản lý về kế toán tài chính và sau đó quay về làm việc tại C.P. Thái Lan vào năm 2004.

Có lẽ vì có duyên với Việt Nam nên tôi đã được Chủ tịch Tập đoàn C.P. đề cử sang Việt Nam làm việc lần thứ hai trong vai trò Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam và duyên lành này đã được duy trì hơn bốn năm nay.

Ông có cảm nhận như thế nào trong lần đầu đặt chân đến Việt Nam với vai trò là đại diện Tập đoàn C.P.?

Ông Montri Suwanposri: Từ khi đất nước Việt Nam thực hiện “chính sách mở cửa”, C.P. đã đến khảo sát và thành lập văn phòng đại diện ở TP. HCM từ năm 1988. Thời gian đầu, văn phòng đại diện chưa cần đến người quản lý về tài chính kế toán, nhưng đến năm 1993 khi C.P. Việt Nam có giấy phép đầu tư, vị trí này bắt buộc phải có và cơ hội đã mỉm cười với tôi.

Có lẽ nhờ kết quả làm việc trước đó nên cấp trên thấy được nhiều tiềm năng ở tôi. Mặt khác, cũng có thể do cái duyên của tôi và Việt Nam quá lớn. Tôi còn nhớ khi vẫn còn cắp sách đến trường, tôi được học ở trường Bannajok (tỉnh Nakhon Phanom), nay là Bảo tàng Bác Hồ tại Thái Lan. Hơn nữa, tôi có nhiều bạn là Việt Kiều nên có thể dễ dàng hòa hợp với người Việt Nam, dễ thích nghi với văn hóa Việt.

Khi mới biết mình sẽ đến Việt Nam làm việc, tôi phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Lúc đó, Việt Nam vừa mới mở cửa nên tin tức còn rất ít, thông tin về hệ thống quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, tiếng Anh của tôi không tốt lắm trong khi không hề sử dụng được tiếng Việt, phải bắt đầu từ số không. Chính vì vậy, việc học tiếng Việt, học luật đầu tư và các quy định tại Việt Nam, gặp gỡ với nhiều cấp quản lý nhà nước để học hỏi quy trình, thủ tục thành lập công ty, từ xây dựng các hệ thống quản lý cho đến xây dựng con người… là những bài toán rất khó với tôi lúc đó.

Thế nhưng, khi chính thức vào Việt Nam làm việc, những nỗi lo đó giảm dần, tôi ngày càng tự tin và yêu mến đất nước Việt Nam hơn. Với tình bạn và tình cảm chân thành của anh em Việt Nam, tôi đã bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc khi làm việc cùng nhau, được đem công nghệ, kiến thức ngành công nông nghiệp và thực phẩm mà Tập đoàn C.P. đã phát triển thành công tại Thái Lan đến chia sẻ, được cùng xây dựng và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho nông dân Việt Nam.

Có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thế nhưng từ một người không biết chút tiếng Việt nào, ông đã có thể sử dụng một cách thành thạo, còn nắm được những ý nghĩa sâu xa trong từng câu chữ, sử dụng được cả tiếng lóng của người Việt. Xin ông chia sẻ về con đường chinh phục ngôn ngữ này?

Ông Montri Suwanposri: Tôi bắt tay vào việc học tiếng Việt ngay từ tuần đầu tiên đến Việt Nam làm việc. Mỗi sáng trước giờ làm việc, tôi dành một tiếng đồng hồ học cùng giáo viên và duy trì thói quen này trong thời gian ba tháng.

Tôi thấy tiếng Việt thuộc bộ chữ cái Latinh và ngữ pháp cũng không quá phức tạp nên việc học cũng không khó lắm. Tôi học và nhớ từ bằng cách ghi lại tất cả từ vựng học được hàng ngày, cố gắng sử dụng tất cả những từ đó mỗi khi nói chuyện với nhân viên và sử dụng một cách thường xuyên.

Có những khi tôi nói đúng nhưng cũng có nhiều khi nói sai. Có những khi tôi phải dùng xen lẫn cả tiếng Anh và tiếng Việt nhưng không hề sợ sai vì mọi người ai cũng sẵn sàng giúp tôi sửa lỗi. Điều này quả thật rất dễ thương, việc học trở thành một điều khiến tôi vui vẻ. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ mới nghe và nói được khoảng 50 - 60% nên vẫn còn phải luôn học thêm rất nhiều.

Mỗi quốc gia sẽ có những văn hoá kinh doanh khác nhau, điều gì ở Việt Nam khiến ông ấn tượng nhất?

Ông Montri Suwanposri: Nhìn chung văn hóa Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng cũng có những điểm khác biệt nhỏ như ẩm thực, văn hóa uống rượu bia khi gặp gỡ giao tiếp. Tuy nhiên, những khác biệt đấy không quá lớn và sự khác biệt giữa hai nền văn hoá cũng không nhiều.

Có một điều mà tôi luôn ấn tượng về Việt Nam là sự thật lòng, lòng tốt, tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như sự giúp đỡ từ các cơ quan nhà nước và con người nơi đây. Đặc biệt, khi tôi mới sang Việt Nam làm việc, tôi hiểu được ý nghĩa sâu sắc trong từ “tình cảm” của người Việt. Có rất nhiều vị quan chức đã nghỉ hưu nhưng đến nay tôi vẫn luôn nhớ và dành cho họ sự kính trọng từ tận đáy lòng.

Thông thường tại các tập đoàn đa quốc gia, các Tổng giám đốc sẽ đi theo nhiệm kỳ vài năm. Điều gì đã giữ chân ông ở lại Việt Nam trong thời gian lâu như vậy?

Ông Montri Suwanposri: Thông thường công ty sẽ quy định nhiệm kỳ làm việc ở nước ngoài khoảng bốn năm nhưng trong thực tế còn tùy thuộc vào sự cân nhắc của cấp trên ở Thái Lan nữa. Trong phần lớn trường hợp, các Tổng giám đốc và nhân sự khác sẽ phải chuyển về làm việc ở Thái hoặc chuyển sang một nước khác khi hết thời hạn. Còn đối với cá nhân tôi và nhiều người Thái khác, chính tình yêu, sự gắn bó và hiểu biết sâu sắc về Việt Nam cùng với kết quả kinh doanh phát triển liên tục và bền vững đã giữ chân chúng tôi ở lại.

Về phía lãnh đạo, có lẽ họ hài lòng với việc chúng tôi thực hiện tốt chính sách Ba lợi ích (lợi ích cho đất nước đến đầu tư, lợi ích cho người dân sở tại và cuối cùng là lợi ích cho công ty), phát huy tinh thần “Biết ơn và đền ơn đất nước Việt Nam”, tạo được tình yêu thương và sự tin tưởng với mọi người trong và ngoài công ty nên đã cho phép tôi tiếp tục được làm việc ở đây.

Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông ngiệp song vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ. Đối với ông, đâu là những khó khăn khi theo đuổi lĩnh vực này và ông đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Ông Montri Suwanposri: Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, phần lớn dân số của đất nước là nông dân. Vào thời kỳ đất nước chưa phát triển, chăn nuôi cũng chỉ theo mô hình hộ nông dân nhỏ lẻ, chăn nuôi chỉ đủ để tiêu dùng và chỉ khi có dư một ít thì mới dành cho các hoạt động mua bán. Lúc đó, hiệu quả chăn nuôi không cao, lượng thịt và protein không đủ trong khi giá thành cao, người dân khó có cơ hội tiếp cận.

'Làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển không thua kém bất kỳ nước nào' 1
Chế biến thịt gà

Cho tới khi Tập đoàn C.P. - với gần 100 năm tuổi - mang công nghệ mới từ các nước hàng đầu thế giới ở châu Âu và Mỹ vào phát triển chăn nuôi ở Thái Lan bằng việc hợp tác với nông dân trong phát triển chăn nuôi đã giúp họ không chỉ sản xuất đủ cho tiêu dùng mà còn có thể xuất khẩu. Nhờ đó, Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu thịt động vật đứng hàng đầu thế giới trong suốt hơn 30 năm qua. Nông dân Thái Lan đã luôn hợp tác, cùng học hỏi và phát triển bản thân, chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, có thu nhập cao hơn, nâng cao tiêu chuẩn công nông nghiệp cùng với Tập đoàn C.P. lâu dài trong chuỗi nông nghiệp khép kín 3F.

Tương tự như vậy với C.P. Việt Nam, chúng tôi đem tất cả công nghệ tiên tiến đã được C.P. áp dụng thành công tại Thái Lan cũng như các nước khác vào Việt Nam, chuyển giao theo hình thức hợp tác chăn nuôi gia công với hàng trăm ngàn hộ nông dân và đối tác với nhiều hình thức đa dạng tùy vào điều kiện sẵn có của mỗi nông dân trong toàn bộ chuỗi nông nghiệp khép kín.

Chắc chắn rằng trong suốt 25 năm vừa qua, C.P. Việt Nam cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động, nhưng nếu luôn quyết tâm làm đúng theo quy định của nhà nước và theo mục tiêu hướng tới chuyển giao và phát triển ngành nông nghiệp của đất nước dựa trên nền tảng chính sách Ba lợi ích thì tất cả các vấn để gặp phải luôn được tháo gỡ và có hướng giải quyết.

Như ông đã nói, để đạt được những thành công ngày hôm nay, ông và C.P. Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đối với ông, đâu là thời điểm khó khăn nhất? Và ông đã vượt qua giai đoạn ấy như thế nào?

Ông Montri Suwanposri: Giai đoạn khó khăn nhất đối với tôi có lẽ là giai đoạn đầu khi C.P. mới vào Việt Nam. Đó là giai đoạn chúng tôi phải thích nghi, phải học hỏi ngôn ngữ và văn hóa. Bên cạnh đó, luật pháp cũng là điều mà chúng tôi cần phải học. Tuy nhiên, luật pháp giai đoạn đó thay đổi thường xuyên nên cũng phần nào bất tiện cho việc thích nghi của chúng tôi dù biết rằng những thay đổi đó nhằm hướng đến sự phát triển và quốc tế hóa.

Một khó khăn khác nữa là xây dựng tập thể nhân viên và lãnh đạo mà ở đó tất cả mọi người phải học hỏi rất nhiều để trở thành người giỏi, người tốt. Chúng tôi phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp có đủ sức truyền đạt cho nhân viên cấp dưới, sẵn sàng chuyển giao kiến thức và công nghệ cho nông dân, đối tác Việt Nam nhanh chóng và hiệu quả. Như hiện nay, hơn 20.000 lãnh đạo và nhân viên C.P. Việt Nam có kiến thức, có năng lực và nhiều tiềm năng để cùng nhau góp phần làm cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển không thua kém bất kỳ nước nào trong tương lai.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng