Liên hợp quốc chuẩn bị cho khủng hoảng kép từ tác động của cuộc chiến ở Ukraine

Hường Hoàng - 13:10, 26/04/2022

TheLEADERTrước những tác động khó lường của cuộc chiến ở Ukraine lên thị trường lương thực, năng lượng, tài chính thế giới, Liên hợp Quốc đã thành lập Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu (GCRG) với những chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này.

Liên hợp quốc chuẩn bị cho khủng hoảng kép từ tác động của cuộc chiến ở Ukraine
Giá lương thực tăng nhanh kỷ lục sau chiến tranh Nga - Ukraine (Ảnh: Báo tin tức)

Nga và Ukraine là hai nước đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực thực phẩm, năng lượng và phân bón. Hai nước này cung cấp khoảng 30% lúa mì và lúa mạch, 1/3 lượng ngô và hơn một nửa lượng dầu hướng dương toàn thế giới. Đồng thời, Liên bang Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, Liên bang Nga và nước láng giềng Belarus còn cùng nhau xuất khẩu khoảng 1/5 lượng phân bón trên thế giới.

Chính vì vậy, khi cuộc chiến giữa hai nước nổ ra, giá cả của những mặt hàng này đều tăng lên với tốc độ chóng mặt, làm gia tăng nguy cơ bất ổn trên toàn thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố rằng chỉ số giá lương thực thế giới đã đạt mức cao kỷ lục lần thứ ba liên tiếp vào ngày 8/4/2022 vừa rồi. Giá thực phẩm hiện tại đã tăng hơn 34%; giá dầu thô đã tăng khoảng 60%, đồng thời giá khí đốt và phân bón cũng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên hợp quốc đánh giá tác động của cuộc chiến Ukraine đối với tình hình lương thực, năng lượng và tài chính quốc tế
Chỉ số giá lương thực thế giới tăng ở mức kỷ lục trong các tháng vừa qua (Ảnh: Liên hợp quốc)

Về lương thực, thị trường lương thực thế giới đang có nhiều vấn đề thách thức liên quan đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giá lương thực tăng cao, trong khi đó nguồn cung lương thực giảm. Giá trị của các đơn hàng nhập khẩu thực phẩm đã đạt đến mức cao kỷ lục và dường như sẽ tiếp tục tăng.

Trong tình hình đó, nhiều nhà sản xuất lương thực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ, không thể mua được phân bón và những nguyên liệu nông nghiệp đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, hiện tại một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện những lệnh hạn chế thương mại, cấm xuất khẩu lương thực nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Nếu các quốc gia đóng cửa hoạt động xuất khẩu lương thực theo hiệu ứng dây chuyền, tình hình an ninh lương thực thế giới còn chịu tác động tiêu cực hơn nữa về cả chiều sâu và chiều rộng. Đặc biệt, người nghèo, người dễ bị tổn thương và công dân những quốc gia phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu của Nga và Ukraine sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ cuộc chiến.

Về năng lượng, giá dầu và khí đốt tăng mạnh thời gian qua có thể gây ra hai xu hướng đối lập trong dài hạn. Một mặt, nhiều nước sẽ đầu tư trở lại vào ngành công nghiệp khai thác và sản xuất năng lượng dựa vào nhiên liệu hóa thạch, khiến thành quả khử cacbon trong khoảng 5 đến 10 năm qua của nhiều nước trên thế giới bị phủ nhận.

Mặt khác, giá dầu tăng cũng có thể khiến quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại năng lượng thay thế diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt ở những quốc gia muốn phát triển nguồn cung năng lượng địa phương, quá trình này còn diễn ra nhanh hơn.

Giữa hai xu hướng này, đâu sẽ là xu hướng nổi bật trong dài hạn vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Về tài chính, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. Trước khi cuộc chiến nổ ra, các nước đang phát triển và các tiểu quốc đảo đã phải trả nợ đến 16% và 32% doanh thu xuất khẩu. Để dễ tưởng tượng, tỷ lệ trả nợ trên doanh thu xuất khẩu của những nước này đang cao hơn gấp nhiều lần so với khoản nợ của Đức sau khi được tái cơ cấu nợ vào năm 1953 (luôn bé hơn mức 3,4%).

Trong khi đó, kể từ tháng 9 năm 2021, lợi suất trái phiếu của các nước đang phát triển đã tăng lên do các nước phát triển đã và đang thực hiện các chính sách tiền tệ thắt chặt. Lãi suất tăng cùng với tình hình tài chính khủng hoảng sẽ giáng một đòn đánh kép đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Phân tích sơ bộ cho thấy có tới 1,7 tỷ người (thuộc 107 quốc gia trên thế giới) đang phải đối mặt với ít nhất một trong ba vấn đề trên. Trong số 1,7 tỷ người này, 553 triệu người đã lâm vào tình cảnh nghèo đói và 215 triệu người đã bị suy dinh dưỡng.

Vào ngày 14/3/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố thành lập Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu (GCRG) với tổng số 32 thành viên, nhằm giải quyết những nguy cơ và hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến giữa hai nước đối với các lĩnh vực trên. Nhóm có sự tham gia của ông Inger Andersen (Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) và lãnh đạo của các cơ quan khác trong Liên hợp quốc, của ngân hàng phát triển và nhiều tổ chức quốc tế khác.

GCRG sẽ giúp các nhà lãnh đạo tìm kiếm giải pháp, xây dựng chiến lược và đưa ra khuyến nghị, từ đó giúp tất cả mọi quốc gia (kể cả những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất) vượt qua cuộc khủng hoảng đến từ nhiều khía cạnh này.