Doanh nghiệp
Lọc hóa dầu Bình Sơn: 'Bom tấn' hay lại là 'bom xịt'?
Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có một đợt IPO được đánh giá là thất bại, song vẫn có nhiều lý do để kỳ vọng vào tiềm năng doanh nghiệp trong lần chuyển sàn sang HOSE này.
Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố đã nhận hồ sơ niêm yết của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Với khối lượng đăng ký niêm yết lên đến 3,1 tỷ cổ phiếu, vốn hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện khoảng hơn 74.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 sàn UPCOM.
Một khi chuyển sàn, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ trong top 20 các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn và thậm chí có thể sớm lọt vào rổ VN30.
Nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là một thương vụ “bom tấn” trên HOSE sau nhiều năm không có thương vụ niêm yết quy mô lớn.
Mặc dù vậy, nếu nhìn lại quá khứ, BSR từng khiến người ta thất vọng. Năm 2018, khi Lọc hóa dầu Bình Sơn niêm chuẩn bị IPO, doanh nghiệp này cũng từng được xem là “bom tấn” thu hút sự quan tâm rất lớn của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phiên IPO của doanh nghiệp đã thu hút đến hơn 4.000 nhà đầu tư tham gia, khối lượng đặt mua gần 652 triệu đơn vị, gấp 2,7 lần lượng cổ phần chào bán.
Phiên đấu giá thành công khi toàn bộ 241,56 triệu cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần) được bán hết với mức giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài trúng 147,8 triệu cổ phiếu.
Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital là quỹ ngoại thành công mua lại khoảng 10% cổ phần của BSR trong đợt IPO với giá 23.000 đồng/cổ phiếu.
VOF cho rằng, BSR hoạt động trong một thị trường đầy hứa hẹn với 33% thị phần. Quỹ ngoại này đánh giá rất cao BSR và nhận định đây là khoản đầu tư tiềm năng nhất trong danh mục của quỹ. Tương tự, nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng đánh giá rất cao BSR.
Cổ phiếu này có màn chào sàn UPCOM rất ấn tượng khi tăng tới 40% - mức giá kịch trần trong phiên đầu tiên tại UPCOM, lên mức 31.300 đồng/cổ phiếu cùng giao dịch rất sôi động.
Mặc dù vậy, đợt chào sàn UPCOM của BSR có thể coi là một quả “bom xịt” khi giá cổ phiếu đã rơi không phanh. Chỉ hơn 1 tháng sau khi chào sàn, thị giá BSR đã rơi sâu xuống dưới mức giá IPO và mất nhiều năm sau mới trở lại.
Vẫn loay hoay thoái vốn nhà nước
Lý do BSR trở thành một thương vụ IPO thất bại, đến phần lớn từ việc doanh nghiệp đã không thực hiện đúng lộ trình thoái vốn nhà nước như đặt ra ban đầu.
Thời điểm đó, BSR có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 92,12% cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa, sau khi IPO, BSR sẽ chào bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược qua đó tiến tới giảm sở hữu nhà nước xuống còn 43%.
Thời điểm chính thức chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2018, BSR cho biết có hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là Petrolimex (Việt Nam) và Indian Oil Corp (Ấn Độ).
Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Mặc dù vậy, sau 6 năm lên sàn, kế hoạch này đến nay vẫn còn dang dở. Hơn 92% cổ phần của BSR hiện vẫn đang nằm trong tay cổ đông Nhà nước.
Việc niêm yết trên sàn UPCOM được đánh giá là một trong những lý do khiến cổ phiếu BSR chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược. Các công ty phân tích cho rằng, diễn biến giá dầu không thuận lợi, cũng như những tiêu chí minh bạch không cao của sàn UPCOM là những yếu tố khiến BSR gặp khó khăn trong việc bán vốn.
Vì vậy, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã nhiều lần đề cập đến việc chuyển sàn, với HOSE là điểm đến phù hợp nhất.
Tuy nhiên, hành trình này cũng không đơn giản. Gần như năm nào nhà đầu tư cũng nghe tới thông tin BSR sẽ chuyển sàn, nhưng sau đó lại phải thất vọng.
Ngay năm ngoái, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đề cập tới kế hoạch niêm yết trên HOSE vào cuối năm, để rồi tiếp tục lỡ hẹn.
Công ty cho biết, dù nhận được sự ủng hộ của HOSE nhưng quá trình vẫn gặp vướng mắc do thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn của công ty con BSR-BF. BSR vẫn đang chờ cuộc họp với UBCKNN để xin thêm hướng dẫn cũng như giải pháp tháo gỡ nút thắt này.
Tiềm năng vẫn hứa hẹn
Dù còn nhiều vướng mắc chưa xử lý, song BSR vẫn là một tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán. Doanh nghiệp này đang quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất – nhà máy đầu tiên của Việt Nam. Với Dung Quất, BSR hiện chiếm 1/3 thị phần cung ứng xăng dầu cả nước.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 147.000 tỷ đồng doanh thu thuần, xếp thứ 3 toàn sàn chỉ sau Petrolimex và Vingroup.
Điều quan trọng là câu chuyện của BSR gắn chặt với câu chuyện phát triển kinh tế Việt Nam. Miễn là kinh tế còn động lực tăng trưởng, tiêu thụ xăng dầu còn tăng lên thì doanh nghiệp luôn có cơ hội để kiếm về doanh thu và lợi nhuận.
Vì vậy, miễn là BSR còn có cơ hội xử lý các vấn đề liên quan đến thoái vốn và cổ phần hóa nhà nước, đây vẫn là “cuộc chơi” đầy tiềm năng trong mắt nhà đầu tư.
Doanh nghiệp cũng vừa đi một bước gần hơn tới HOSE. Ngày 27/5 vừa qua, tòa án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF nên đã chấm dứt quyền kiểm soát của BSR tại BSR-BF.
Theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF chấm dứt hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của BSR.
Về quyết toán cổ phần hóa của tổng công ty, BSR cho biết đã hoàn thành công tác xử lý tài chính và quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế, chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Điều này giúp đáp ứng tiêu chí cuối cùng trong tổng số 9 tiêu chí để niêm yết trên HOSE. Do toàn bộ các vướng mắc đã được giải quyết, chúng tôi kỳ vọng BSR sẽ được chấp thuận niêm yết trên HOSE trong nửa cuối năm 2024”, chứng khoán DSC đánh giá.
Đồng quan điểm, công ty chứng khoán Agriseco cũng cho rằng, những vấn đề là rào cản cho quá trình niêm yết HOSE của BSR gần như được xử lý.
Nhóm phân tích dự báo, với vị thế doanh nghiệp đầu ngành, cổ phiếu BSR có thể lọt rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, BSR còn đang tiến hành mở rộng công suất để chiếm nhiều thị phần hơn trong ngành xăng dầu.
Doanh nghiệp vừa trình phương án tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ phiếu, nhằm đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu cho dự án mở rộng Dung Quất. Mục tiêu là để đảm bảo đủ nguồn vốn chủ từ 40 – 60% tổng mức đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Dung Quất (tương đương 1,5 tỷ USD).
Nguồn lực của BSR hiện cũng rất tốt khi sở hữu khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên tới gần 40 nghìn tỷ đồng.
Dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 3/2028, kỳ vọng nâng công suất chế biến dầu thô của BSR lên 171.000 thùng/ngày, tương đương tăng 15%.
Tính đến cuối quý II, công ty đã rót 1.170 tỷ đồng vào dự án. Công ty dự kiến đưa dự án vào vận hành từ quý III/2028. Trong năm nay, BSR sẽ giải ngân 1.300 tỷ đồng cho dự án, chủ yếu thiết kế và san lấp mặt bằng.
“Điểm trừ” lớn nhất của BSR có lẽ nằm ở hoạt động kinh doanh ngắn hạn không quá tích cực. Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2022, kết quả kinh doanh của BSR đang đi xuống vào năm 2023 và cho đến nửa đầu năm nay.
Cụ thể, doanh thu năm 2023 giảm 12% xuống 147.000 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 41% xuống 8.600 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, doanh thu giảm 18,6% xuống 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 36% xuống gần 1.900 tỷ đồng.
Nguyên nhân một phần đến từ việc năm 2022 là năm đặc biệt với ngành lọc hóa dầu do tác động của dịch Covid-19 và quá trình chuyển dịch năng lượng.
Với riêng nửa đầu năm nay, trong tháng 3 – 4, nhà máy Dung Quất tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu thô cũng có biến động phức tạp trong quý II khi giảm từ mức 90,15 USD/thùng trung bình tháng 4 xuống 82,61 USD/thùng vào tháng 6.
Chứng khoán Agriseco đánh giá chênh lệch giá dầu thô và dầu thành phẩm khó duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Lý do đến từ lo ngại tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Trung Quốc suy giảm mạnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị có xu hướng dịu lại trước thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza giúp giảm lo ngại gián đoạn nguồn cung tại khu vực sản xuất chính Trung Đông.
Gỡ nút thắt cuối cùng, Lọc hóa dầu Bình Sơn thông đường lên HoSE
Lọc hóa dầu Bình Sơn ước lãi hơn 12.000 tỷ đồng
Năm 2022, doanh thu công ty ước đạt 165.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 12.176 tỷ đồng, vượt 81% mục tiêu doanh thu, gấp 9 lần kế hoạch.
Lọc hóa dầu Bình Sơn hủy kế hoạch niêm yết trên HNX
Sau 9 tháng năm 2020, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đang lỗ lũy kế 1.215 tỷ đồng, khiến công ty phải thay đổi kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HNX.
Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần 90%
Theo kế hoạch, năm nay BSR sẽ trải qua đợt bảo dưỡng định kỳ 50 ngày khiến nhà máy lọc dầu phải đóng cửa hoàn toàn và dự báo tỷ suất lọc dầu sẽ thấp hơn so với mức đỉnh điểm của năm 2022.
V-Green cùng Prime Group phát triển 100.000 trạm sạc VinFast tại Indonesia
V-Green và Tập đoàn đa ngành Prime Group, thông qua công ty con tại UAE, công bố biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phát triển trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia.
Vườn cam FVF: Điển hình nông nghiệp xanh bền vững từ Tập đoàn TH
Dự án phát triển vườn cam thương hiệu FVF trên diện tích tập trung lớn của Tập đoàn TH có thể xem như một điển hình về ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
OceanBank đổi tên, có lãnh đạo mới từ MB
Oceanbank sẽ đổi tên và có chủ tịch, tổng giám đốc mới là nhân sự từ ngân hàng Quân đội.
Khách hàng SHB cần bổ sung sinh trắc học trước 31/12/2024
Chỉ còn khoảng ba tuần, để giao dịch tài chính không bị gián đoạn, SHB một lần nữa khuyến nghị khách hàng sớm bổ sung thông tin sinh trắc học và trước ngày 31/12/2024.
PVcomBank tặng xe cứu thương cho bệnh viện Đa khoa Vân Đình
PVcomBank đã tặng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình một xe cứu thương Ford Transit đi kèm trang thiết bị y tế chất lượng cao, tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ đồng.
Chọn bất động sản xanh tại nội đô: Dự án đáng sống nhất Tây Nam Linh Đàm
Dịch chuyển tới ven đô để tận hưởng các yếu tố xanh là điều thường thấy, nhưng với những cư dân nội đô, dự án căn hộ nào sẽ là lựa chọn hàng đầu khi xu hướng bất động sản xanh là không thể đảo ngược?
Giá chung cư Hà Nội khó giảm
Giá chung cư Hà Nội không còn tình trạng sốt nóng như nhiều tháng trước.