Lời giải vẹn đôi đường cho Bamboo Airways và FLC?

Trần Dũng - 14:11, 17/04/2018

TheLEADERĐề án nâng cấp Đồng Hới thành sân bay Quốc tế được FLC trình lên được xem là lời giải vẹn cả đôi đường. Khách du lịch nước ngoài sẽ có đường bay thẳng đến đây, với những chuyến bay liên tục thay vì phải ngồi chở cả nửa ngày. Bamboo Airways cũng giữ vững lời hứa không làm tình trạng quá tải ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài thêm căng thẳng.

Lời giải vẹn đôi đường cho Bamboo Airways và FLC?
Sân bay Đồng Hới là một trong những cảng hàng không chưa được khai thác tối ưu về công suất.

Tháng 3/2018, Tập đoàn FLC ký thỏa thuận hợp tác mua 24 máy bay A321NEO của tập đoàn Airbus (Pháp). Thương vụ là một bước cụ thể hóa cho phương hướng phát triển của Bamboo Airways, hãng hàng không được FLC thành lập hồi giữa năm 2017. Trước đó, FLC cũng đã ký thỏa thuận mua 15 máy bay của Boeing.

Dù đã thành lập được hơn nửa năm, song tính khả thi cho hoạt động của Bamboo Airways vẫn khiến nhiều người hoài nghi. Ngay từ đầu, Bamboo Airways đã vấp phải hó khăn khi Bộ Giao thông vận tải từ chối cấp giấy phép hoạt động cho hãng hàng không này. Nguyên nhân được Bộ đưa ra đó là tình trạng quá tải tại các sân bay lớn, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. 

Công suất hoạt động của Tân Sơn Nhất là 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, số khách đã lên tới 32 triệu, quá tải 28%. Trong khi Chính phủ vẫn đang loay hoay với lựa chọn mở rộng Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, sự ra đời của Bamboo Airways dự báo chỗ đỗ tại các sân bay sẽ càng thêm ngột ngạt.

Bamboo Airways có vẻ cũng không vội vàng. Thông thường, thủ tục để một hãng hàng không từ lúc ra đời đến khi cất cánh lần đầu tiên sẽ phải mất vài năm. Vietjet Air, hãng hàng không có thị phần thứ 2 Việt Nam, đã mất tới 4 năm giải quyết các thủ tục pháp lý, sang nhượng cổ phần, thương hiệu mới có thể chính thức đi vào hoạt động.

Hãng hàng không Tre Việt dự tính, tới cuối năm 2019, Công ty sẽ hoàn tất việc xin giấy phép kinh doanh. Đây cũng là thời điểm 10 chiếc máy bay Boeing 737 mà hãng đăng ký cập bến Việt Nam. Với 24 máy bay A321Neo, sớm nhất cũng phải tới năm 2021, Airbus mới có thể chuyển những chiếc đầu tiên cho Bamboo Airways.

Máy bay đã chuẩn bị xong, vấn đề còn lại mà Bamboo Airways phải quyết là chỗ đỗ cho số máy bay kể trên. 34 máy bay không phải con số nhỏ, và với tình trạng “tắc đường trên không” thường xuyên diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, hãng hàng không cần phải có hướng đi cụ thể để giải quyết bài toán này.

“Đầu não” ở Quảng Bình

“Trong đề án trình Chính phủ, chúng tôi nói rõ chiến lược Bamboo Airways tập trung chủ yếu vào các thị trường ngách, những thị trường chưa phát triển, có nhiều tiềm năng nhưng bỏ ngỏ”, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ.

Sau khi công bố thông tin mua 24 máy bay của Airbus, Bamboo Airways đã nhanh chóng gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Quảng BÌnh mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Đồng Hới. Không phải Tp.HCM hay Hà Nội, Bamboo Airways lựa chọn mở rộng sân bay có vị trí chính giữa Việt Nam.

“Sân bay Đồng Hới có vị trí chiến lược quan trọng. Miền Trung Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình, về khía cạnh giao thông là trung điểm kết nối các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Đây cũng là điểm trung chuyển thuận tiện cho nhiều trục bay khắp cả nước và quốc tế tới Việt Nam”, Tổng giám đốc Bamboo Airways phân tích.

Việc Bamboo Airways chuyển hướng tập trung tại Quảng Bình, không ngoài vấn đề quy hoạch của các cảng hàng không. Theo ông Thắng, tới năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 sân bay, trong đó có 10 sân bay Quốc tế và 16 sân bay nội địa. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng của các sân bay hiện nay không đồng đều. Trong khi Tân Sơn Nhất và Nội Bài quá tải thì 24 sân bay còn lại công suất chỉ đạt 20 - 30%. 

Sân bay Đồng Hới là một trong những cảng hàng không chưa được khai thác tối ưu về công suất, trong khi tiềm năng du lịch tại Quảng Bình và các khu vực lân cận lại đang tăng trưởng nhanh.

Nằm ở địa phận Lộc Ninh, cách trung tâm thành phố Đồng Hới 6km về phía Bắc, sân bay Đồng Hới mới được nâng cấp mở rộng năm 2008, song vẫn đang là cảng hàng không nội địa phục vụ các chuyến bay trong nước. Sau khi bộ phim King Kong: Đảo đầu lâu trình diễn phong cảnh hùng vĩ tại Quảng Bình, sân bay Đồng Hới nhanh chóng cảm thấy chật chội khi khách du lịch trong và ngoài nước ùn ùn kéo đến đây.

Năm 2017, tổng du khách đến Quảng Bình đạt 3,3 triệu lượt, tăng 70,9% so với năm trước, trong đó khách du lịch đạt 100.000 lượt, tăng gần 120%. Sân bay Đồng Hới ước tính phục vụ 475.000 lượt khách, tương đương với công suất thiết kế của sân bay là khoảng 500.000 lượt.

Bất chấp sự cố môi trường biển cách đây vài năm, du khách cả trong và ngoài nước đang đổ về Quảng Bình ngày một nhiều. Tuy nhiên, việc có thể đáp chuyến bay tới đây không hề đơn giản. Hiện tại, Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar chỉ cung cấp vài chuyến bay từ TP.HCM vào Đồng Hới mỗi ngày, ở Hà Nội, thậm chí có thời điểm còn không có chuyến bay nào. 

Quá ít chuyến bay tới Đồng Hới khiến du lịch tại đây không thể phát triển nhanh, ở chiều ngược lại, sân bay Đồng Hới cũng khó lòng đáp ứng được thêm khi công suất sử dụng đã tương đương với công suất thiết kế.

Hàng không Tre Việt chọn 'xây tổ' ở Quảng Bình: Lời giải vẹn cả đôi đường
Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên của Thế giới tại Quảng Bình

Vì vậy, đề án nâng cấp Đồng Hới thành sân bay Quốc tế được FLC trình lên được xem là lời giải vẹn cả đôi đường. Khách du lịch nước ngoài sẽ có đường bay thẳng đến đây, với những chuyến bay liên tục thay vì phải ngồi chờ cả nửa ngày. Bamboo Airways cũng giữ vững lời hứa không làm tình trạng quá tải ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài thêm căng thẳng.

Lôi kéo khách du lịch về Quảng Bình, Tập đoàn FLC cũng sẽ thu được mối lợi lớn. Tập đoàn này đang xây tổ hợp nghỉ dưỡng lớn nhất từ trước đến nay tại đây. Với quy mô trên 2.000 ha, tổ hợp sân golf, resort, khách sạn của FLC Quang Binh Beach & Golf Resort được đánh giá là dự án nghỉ dưỡng giải trí lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Không chỉ vậy, Quảng Bình cũng rất gần vị trí các khu nghỉ dưỡng khác của FLC là FLC Thanh Hóa và FLC Quy Nhơn.

Từ chối công bố các con số cụ thể do đề án vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ông Thắng chỉ cho biết đây sẽ là một dự án có tổng mức đầu tư lớn và đáp ứng tiêu chuẩn của sân bay thế giới. Dự kiến, việc nâng cấp hoàn tất vào năm 2019.

Có thể thấy, các mốc thời gian mà Bamboo Airways đặt ra rất sít sao, từ giấy phép đăng ký kinh doanh, hoàn tất xây đựng đại bản doanh cho tới khi máy bay về. Để hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, hãng hàng không này cũng đang gấp rút tuyển dụng nhân sự với quy mô lên tới 600 người ở nhiều vị trí khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, tiếp viên tới phi công. 

“Sau khi hoàn thành, sân bay quốc tế Đồng Hới chắc chắn sẽ được xem là một trong những điểm hoạt động trọng điểm của Bamboo Airways, đặc biệt là tại khu vực miền Trung”, ông Thắng đánh giá.