Mạnh tay với hành vi review phim

Hương Giang - 10:30, 20/02/2023

TheLEADERMột số năm trở lại đây, trào lưu review phim trên các trang mạng xã hội nổi lên như một hiện tượng, gây không ít thiệt hại cho nhà sản xuất. Với Luật sở hữu trí tuệ chỉnh sửa, bổ sung năm 2022, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2023, hành vi này sẽ được xử lý mạnh tay.

Mạnh tay với hành vi review phim
Rất nhiều video trên Internet lợi dụng danh nghĩa reivew phim để trục lợi từ tác phẩm

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn biết đến việc review phim như một hoạt động nhằm chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc về một bộ phim cho những người yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy. Đây thường là những chia sẻ mang tính cá nhân, gợi mở để khán giả quyết định có nên xem một bộ phim hay không, hay xem bằng tâm thế như thế nào.

Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người đã lợi dụng danh nghĩa review phim để tóm tắt và cố tình tiết lộ hầu hết nội dung phim trên các nền tảng mạng xã hội như FacebookYoutube hay TikTok

Do tiết lộ phần lớn nội dung quan trọng trong các bộ phim, những video này đã khiến cho nhiều người không còn tò mò, hứng thú xem bộ phim gốc. Đáng chú ý, nhiều bộ phim bị review khi chỉ vừa mới ra rạp. Điều này đã và đang gây ra thiệt hại không nhỏ đến doanh thu của nhiều chủ đầu tư, nhà sản xuất, diễn viên, và những ê-kíp vốn đã đổ nhiều tiền của, công sức để thực hiện bộ phim. 

Ngược lại, các bên review phim chỉ cần tóm tắt, cắt ghép tác phẩm và không phải chịu bất cứ một chi phí nào nhưng lại có thể thu được doanh thu rất lớn từ tiền quảng cáo.

Nhưng có lẽ mảnh đất màu mỡ của những người làm review phim sẽ không còn nữa, bởi mới đây Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, trong đó khắc phục những bất cập nhất định về vấn đề bản quyền trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Theo quy định sửa đổi bổ sung tại khoản 10, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022: "Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".

Theo quy định mới này, việc sao chép một phần tác phẩm đã chính thức được coi là hành vi sao chép. Trong khi đó, bản quyền là pháp luật điều chỉnh quyền sở hữu những tác phẩm, nội dung có khả năng sao chép. Vì vậy, điều luật này tạo cơ sở pháp lý để xử lý những vụ việc, hiện tượng vướng mắc trước đây liên quan đến bản quyền, và một trong số đó là hành vi review phim.

Tiếp tục, theo điểm c, khoản 1, điều 20 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung quy định, tác giả có quyền tài sản đối với việc: “Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 điều 20 quy định: “Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại”.

Cuối cùng, điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Theo đó, khi một người có hành vi sao chép một phần hoặc toàn phần của tác phẩm bằng bất kỳ hình thức nào (như việc review phim) mà không xin phép chủ sở hữu quyền là xâm phạm quyền tác giả. Ngoài ra, việc review phim trên mạng xã hội hiện nay là một hành vi có mục đích kinh tế, vi phạm điểm a, khoản 3, Điều 20.

Vì vậy, theo những quy định trên, hành vi review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung là hình thức xâm phạm bản quyền của chủ sở hữu tác phẩm.

Căn cứ vào mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định. Việc áp dụng những chế tài xử phạt như vậy là điều rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phim trong tương lai.