Một đời họa sĩ - chiến sĩ Phạm Lực cháy hết mình vì nghệ thuật

Phạm Hà (*) - 14:59, 26/01/2021

TheLEADERCùng huyết thống dòng máu nghệ thuật, cụ Nguyễn Du viết thơ còn Phạm Lực diễn tả cảm xúc bằng màu sắc đường nét và hình khối.

Một đời họa sĩ - chiến sĩ Phạm Lực cháy hết mình vì nghệ thuật
Hoạ sĩ Phạm Lực bên chân dung tự họa. Ảnh: Hà Đình Nguyên

Đối với một nghệ sĩ nổi tiếng làng họa Việt Nam, nguồn cảm hứng và chủ đề cho ra đời các tác phẩm hội họa được tìm thấy ở mọi lúc, mọi nơi, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Họa sĩ Phạm Lực coi vẽ tranh giống như tập thể dục hàng ngày.

Nếu một ngày không vẽ một thứ gì đó, ông cảm thấy như bị ốm mà vẽ là khỏe ra ngay. Điều này có lẽ giải thích cho số lượng tranh dồi dào cũng như danh hiệu “Picasso của Việt Nam” mà các nhà sưu tập tranh đã dành cho ông.

Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế. Thấy tình hình Huế có nhiều biến động, cha ông là một vị quan nhỏ triều Nguyễn đã đưa vợ con ra Hà Tĩnh. Lớn lên tại vùng biển miền Trung, sau đó ông được cử ra Hà Nội học mỹ thuật.

Mẹ Phạm Lực là chắt ngoại của đại thi hào Nguyễn Du. Cùng huyết thống dòng máu nghệ thuật, cụ Nguyễn Du viết thơ còn Phạm Lực diễn tả cảm xúc bằng màu sắc đường nét và hình khối. Đã cầm cọ được khoảng trên 70 năm, ông vẫn còn vẽ dù rất yếu vì tuổi đã cao, đủ thấy bút lực và đam mê hội hoạ của ông lớn nhường nào.

Từ khi ba tuổi, ông đã cố gắng biến mọi thứ thành cọ vẽ. Đó có thể là một cục gạch hoặc than, một cành cây hoặc một viên đá. Khắp nơi đều là tấm bạt vẽ của ông. Rất nhiều lần ông bị hàng xóm mắng vì vẽ lên tường nhà họ cho đến khi ông tìm thấy một bờ cát rộng bên bờ sông gần nhà để thoả đam mê.

Lớn lên trong thời chiến, chàng thanh niên Phạm Lực trở thành một người lính sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Dù vậy, niềm đam mê hội họa của ông không bao giờ ngừng. Một tay cầm súng, tay kia luôn cầm cọ vẽ. Đấy là cuộc đời của một họa sĩ chiến trường, xông pha các mặt trận khói lửa dọc Trường Sơn đánh Mỹ. Bạn đồng hành thường xuyên của ông là giấy, bút lông và màu vẽ. 

Một đời họa sĩ chiến sĩ Phạm Lực cháy hết mình vì nghệ thuật
Phạm lực không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì trong cuộc sống ngập tràn sắc màu

“Nhiệm vụ của một họa sĩ là ghi lại những gì mình quan sát được. Cuộc sống luôn tràn ngập sắc màu, tôi không muốn bỏ lỡ điều gì”, họa sĩ Phạm Lực giải thích.

Những lúc quá tập trung để không bỏ lỡ một khoảnh khắc nào của cuộc sống, ông thường bị lỡ chuyến tàu hoặc bị kẻ trộm lợi dụng. Mất đi "công cụ" của mình là một thảm họa vì những thứ như vậy rất hiếm trong thời chiến. 

Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn. Một lần nữa, ông lại cố gắng biến mọi thứ vứt đi thành toan vẽ, chẳng hạn như bìa carton, bao tải hoặc võng bộ đội…để rồi tạo nên những họa phẩm độc nhất vô nhị mà những nhà sưu tầm tranh ngày nay vẫn săn lùng ráo riết.

Phạm Lực cũng không bao giờ giới hạn bản thân trong một phong cách cụ thể. Từ nghiên cứu của ông về trường phái nghệ thuật châu Âu tại trường học Pháp, màu nước Trung Quốc trong nghệ thuật châu Á, học hỏi từ bộ tứ các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng và thành công nhất từ năm 1945 - Nghiêm, Liên, Sáng và Phái - tất cả đều tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L'Ecole des Beaux Arts de L'Indochine). 

Mỗi họa sĩ đi theo những con đường hoàn toàn khác nhau, trường phái và phong cách khách nhau. Đó là sự ước lệ của Nghiêm, sự mềm mại và nữ tính của Liên, sự mạnh mẽ của Sáng và chủ nghĩa hiện thực của Phái. Nghệ thuật của Lực phản ánh nơi giao thoa giữa Đông và Tây.

Ông cũng thử thách bản thân ở nhiều phong cách khác nhau như tranh sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, màu nước và tranh khắc gỗ. Tranh ông vẽ đủ cả từ trừu tượng, chủ nghĩa hiện thực, siêu thực, dã thú đến trường phái ấn tượng. 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về hưu và bắt đầu vẽ với các chất liệu vải khác nhau ở mọi ngóc ngách trong nhà, nơi trở thành không gian làm việc của ông.

Khi bị bí chất liệu cùng chủ đề chuyển tải vẽ tranh sơn, ông có thể đổi nó thành tranh sơn dầu, tranh lụa và tiếp tục với một tâm trạng khác. Tùy sức khỏe, họa sĩ cũng vẽ theo mùa. Mùa đông, ông hay vẽ tranh lụa và sơn dầu. Mùa hè, ông cởi trần ra làm sơn mài ấy là khi ông còn khỏe.

Ông nói: “Cứ để tôi một mình trong căn phòng có chiếc radio cũ phát nhạc Việt Nam thời tiền chiến và bút vẽ, màu và tôi sẽ làm việc một cách tự nhiên, theo cảm hứng, ký ức, không cần phác thảo”.

Do thường xuyên bị đau đầu bởi chứng huyết áp cao, Phạm Lực bị mất ngủ từ năm 14 tuổi. Nhiều ý tưởng mới nảy ra trong đầu ông vào những đêm ông trằn trọc trên giường. Ông thường không biết liệu nó đến từ thực tế hay là một giấc mơ, nhưng ông nhanh chóng đi đến khung vẽ để khắc họa ý tưởng. Mỗi khi chạm vào bút vẽ, cơn đau đầu của ông lại dịu đi và họa sĩ như chìm vào một giấc mơ.

Ngày hôm sau, đôi khi ông quên đi khả năng sáng tạo đêm qua của mình, thức dậy vào buổi sáng và ngạc nhiên thú vị khi nhìn thấy tác phẩm.

Họa sĩ của nhân dân

Các nhân vật trong tranh Lực cũng rất đa dạng, chẳng hạn như chợ quê, tranh Tết, miêu tả các bài ca trù, di sản vật thể và phi vật thể, những nhân vật trích đoạn chèo, tuồng, ả đào, anh hùng Thánh Gióng hay những nhân vật trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Một đời họa sĩ chiến sĩ Phạm Lực cháy hết mình vì nghệ thuật 1
Phạm Lực là hoạ sĩ của nhân dân

Phụ nữ và hoa dường như truyền cảm hứng cho ông nhiều hơn. Đó có thể là một người phụ nữ mặc váy cũ đạp xe chở con trai trong thời chiến, một bà lão bán nước nơi cổng làng quê truyền thống Bắc Bộ hay những phụ nữ với nhiều tâm trạng thời hiện tại.

Ông tin rằng các cuộc chiến của Việt Nam là cuộc chiến của tất cả mọi người. Khác với các cuộc chiến tranh khác, bất cứ nơi nào Việt Nam cũng có thể bị ném bom và là hiện trường của một trận chiến. Trong bối cảnh đó, phụ nữ Việt Nam là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Phạm Lực nói: “Trong chiến tranh, họ yếu ớt và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Khi hòa bình lập lại, họ đợi chồng, con trai hoặc anh em về nhà nhưng những người đó không bao giờ trở về. Trong thời hiện tại, cuộc sống cũng khó khăn. Tôi luôn xúc động khi xem những hình ảnh về phụ nữ. Phụ nữ luôn đẹp, giống như hoa”.

Nếu không có người phụ nữ bên cạnh ông, thì sẽ có hoa ở đâu đó bên cạnh. Sự đồng cảm và yêu thương những người phụ nữ trong các tác phẩm hội họa đã mang lại cho ông tình yêu đích thực.

Một người phụ nữ Pháp say mê nghệ thuật của ông đã mua chịu nhiều bức tranh của ông. Ba năm sau, cô ấy đưa ông đến một biệt thự và nói đó là tiền tranh và cầu hôn ông ấy. Với sự ủng hộ của cô vợ Pháp, các bức tranh của ông đã được trưng bày ở châu Âu và tăng lượng người hâm mộ.

Trong số các họa sĩ Việt Nam đương đại, Phạm Lực là người duy nhất có một câu lạc bộ người hâm mộ sưu tầm tác phẩm của mình. Hơn một trăm thành viên của câu lạc bộ có khoảng 6.000 bức tranh của ông và thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm. 

Trong đó, Tony Oliver đến từ Úc, người có hàng trăm bức tranh của Lực, đã mở một cuộc triển lãm vào năm 2009 và toàn bộ tranh đã được bán hết. Tuy nhiên, ông cảm thấy hối tiếc về quy mô thành công của triển lãm và đã thương lượng để mua lại bốn bức tranh trong số đó.

Người kể chuyện di sản họa sĩ Phạm Lực sống qua hai thế kỷ, tham gia chiến tranh chống Mỹ, chống Trung Quốc và cuộc sống hiện tại nên tranh ông rất nhiều sắc màu ký ức, di sản. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhà văn Nguyên Ngọc về Phạm Lực, ông Thomas J. Vallely, Giám đốc chương trình Harvard Việt Nam cho biết nơi ông thích nhất ở Việt Nam không phải là thành phố hay nông thôn mà là ngôi nhà cũng là xưởng vẽ của hoạ sĩ Phạm Lực.

Mỗi khi đến thăm, Phạm Lực đều nói về nghệ thuật. Do đó Thomas J. Vallely đã học được nhiều điều mới mẻ về Việt Nam, cả quá khứ cũng như hiện tại. Ông thấy tác phẩm của Phạm Lực giàu văn hóa, lịch sử và mang tính di sản, thông qua các chủ đề đa dạng và phong phú, với ngôn ngữ nghệ thuật về các chủ đề và những góc khuất của chiến tranh Mỹ - Việt, những khó khăn và nỗi buồn của cuộc sống, những sáng tạo, chủ đề được đề cập tới không chỉ mang tính Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu.

Không chỉ là một nhà sưu tập, tôi là người đồng sáng lập Emperor Cruises và Heritage Cruises, tôi còn coi mình là một người bạn của họa sĩ Phạm Lực và treo một số kiệt tác của họa sĩ trên thuyền ở Vịnh Hạ Long, Nha Trang hay vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà.

Một đời họa sĩ chiến sĩ Phạm Lực cháy hết mình vì nghệ thuật 2
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group bên tranh của hoạ sĩ Phạm Lực

Mỗi tác phẩm của ông đều độc đáo, chứa đầy tình yêu, hy vọng và ý nghĩa, kể những câu chuyện với phong cách đặc biệt. Người xem dễ dàng hiểu hơn về văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ hình ảnh và cách thể hiện nghệ thuật rất riêng của họa sĩ.

Được xây dựng bằng tâm huyết, các du thuyền của tôi gắn với bậc thầy hội họa Phạm Lực cho các chủ đề du lịch, du ngoạn, ẩm thực, rượu vang, lòng hiếu khách, âm nhạc và nghệ thuật đại diện cho lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, di sản và ẩm thực phong phú của Việt Nam, tất cả tạo nên những kỷ niệm cho du khách. 

Trên những du thuyền tâm huyết của tôi đều treo bức tranh quý được làm những khung tranh đặc biệt để bảo quản những bức tranh khỏi tác động của môi trường biển, và tin rằng những bức tranh đẹp sơn mài, tranh lụa của họa sĩ Phạm Lực sẽ trở nên đẹp hơn và giá trị hơn với theo thời gian và để du khách được thưởng lãm.

(*) Phạm Hà: Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group