Một năm sau ngày có nữ chủ tịch người Việt đầu tiên, Unilever Việt Nam đang làm ăn thế nào?

Trần Anh - 15:25, 09/07/2018

TheLEADERUnilever báo lãi tăng vọt trong năm qua với lãi sau thuế đạt 3.800 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2016 nhờ doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn kiểm soát chi phí ổn định

Thâm nhập vào thị trường Việt Nam năm 1995 với khoản đầu tư trị giá 300 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Củ Chi và Bắc Ninh, Unilever nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam, vượt qua các đối thủ như P&G hay Nestle.

Năm 2017, Unilever Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt mới khi thay đổi người quản lý. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, 46 tuổi, trở thành nữ chủ tịch người Việt đầu tiên của Unilever Việt Nam.

Một năm sau ngày có nữ chủ tịch người Việt đầu tiên, Unilever Việt Nam đang làm ăn thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ chủ tịch người Việt đầu tiên của Unilever

Bà Vân lên trong thời điểm vị thế đứng đầu của Unilever rất ổn định. Trong hơn 2 thập kỷ có mặt tại Việt Nam, Unilever đi đầu trên gần như tất cả các mặt hàng người tiêu dùng Việt Nam thường dùng trong gia đình hàng ngày như nước rửa chén (Sunlight), bột giặt (Omo), kem đánh răng (P/S, Close-up), xà phòng (Life-buoy), dầu gội (Dove, Sunsilk), kem dưỡng (Pond, Vaseline), thực phẩm (Knorr, Lipton),…

Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, năm 2017, Unilever Việt Nam xếp vị trí dẫn đầu về giá trị các sản phẩm tiêu thụ tại nhà của ngành hàng chăm sóc cá nhân và chăm sóc nhà cửa, 2 nhánh lớn của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Sự lớn mạnh của Unilever Việt Nam có được nhờ vào khả năng phát triển hệ thống phân phối rộng khắp. Đơn vị này cho biết mình đang có 150 nhà phân phối và hơn 300.000 điểm bán lẻ. Số điểm phân phối lớn giúp hàng hóa của Unilever có độ phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả những thị trường khó tiếp cận như miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ duy trì được sự ổn định, một năm dưới thời bà Vân, Unilever Việt Nam còn ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Trong năm tài chính 2017, Unilever Việt Nam đạt doanh thu thuần hơn 25 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử và tăng trưởng khoảng 5% so với mức 24 nghìn tỷ đồng năm 2016. Con số này tương đương với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành FMCG Việt Nam.

Unilever Việt Nam cũng cho thấy khả năng quản lý của một tập đoàn lớn khi có giá vốn hàng bán (chi phí để tạo ra một sản phẩm) tốt hơn so với các đối thủ trên thị trường. Giá vốn của công ty chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 40% doanh thu thuần, trong khi ở các doanh nghiệp FMCG khác như Masan Consumer, tỷ trọng này có thể chiếm trên 50%.

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của Unilever Việt Nam là khả năng duy trì ổn định chi phí bán hàng. Với đặc thù của ngành hàng tiêu dùng đòi hỏi phải quảng cáo liên tục để người tiêu dùng không ‘quên’ sản phẩm của mình, Unilever Việt Nam mỗi năm đầu tư rất nhiều cho quảng cáo và chiết khấu cho các nhà phân phối.

Năm 2017, công ty chi ra 7.300 tỷ đồng chi phí bán hàng, tương đương với năm 2016. Nhờ giữ vững chi phí ổn định trong khi doanh thu tăng, Unilever báo lãi tăng vọt trong năm qua với lãi sau thuế đạt 3.800 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2016.

Unilever tỏ ra vững vàng trong bối cảnh thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Global Insight dự báo, tốc độc tăng trưởng tiêu dùng bình quân thị trường 100 triệu dân trong giai đoạn 2011 – 2020 cao nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 8%/năm, hơn nhiều so với Indonesia, Malaysia (5%), hay Philippines, Thái Lan, Singapore (4%).

Thị trường nhiều tiềm năng cũng xuất hiện nhiều đối thủ. Hiện tại, 2 doanh nghiệp đang cạnh tranh quyết liệt thị phần với Unilever tại Việt Nam cũng là 2 cái tên ngoại: P&G và Nestle. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua các doanh nghiệp trong nước, vốn đang vươn lên mạnh mẽ những năm gần đây.

Theo báo cáo của Nielsen, các doanh nghiệp nội đang cho thấy sức tăng trưởng ấn tượng trong ngành FMCG, với tốc độ tăng trưởng 7% trong năm 2016, chiếm 42% doanh thu toàn ngành. Về thị phần, các doanh nghiệp nội thống trị trong mảng đồ ăn và thức uống với tỉ lệ lần lượt là 69% và 45%.

Ngay tại ngành hàng chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân, vốn là sân chơi lâu năm của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nội cũng đang tấn công mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trong năm 2016 đạt lần lượt là 13% và 9%.