Mục tiêu của KBank khi tăng vốn 2,5 lần

Tùng Anh - 15:34, 05/05/2023

TheLEADERBên cạnh mục tiêu sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, lần tăng vốn lên hơn 2,5 lần trong năm 2023 cũng giúp ngân hàng đến từ Thái Lan tập trung đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số ở Việt Nam.

Mục tiêu của KBank khi tăng vốn 2,5 lần
KBank tập trung đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số

Chỉ sau một năm khai trương chi nhánh TP.HCM với tầm nhìn trở thành ngân hàng hàng đầu về kỹ thuật số trong khu vực, KBank đã quyết định rót thêm vốn nhằm đẩy mạnh hệ sinh thái giao dịch toàn diện và gia tăng năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu vào top 20 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam đến năm 2027.

Cụ thể, ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2,5 lần, từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD.

Tính đến 31/3/2023, Việt Nam có 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề nghị tăng vốn, KBank chi nhánh TP.HCM sẽ trở thành một trong ba chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam. Ở Thái Lan, KBank hiện là một trong ba ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản với 122,9 tỷ USD.

Ông Chat Luangarpa, Phó chủ tịch điều hành KBank cho biết, quyết định tăng vốn gấp 2,5 lần nhằm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực giải quyết bài toán về vốn sẽ phụ thuộc lớn vào các ngân hàng.

“Đồng thời, nguồn vốn này cũng tạo đà phát triển cho nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến của chúng tôi ở Việt Nam, vốn là một thế mạnh cốt lõi giúp KBank luôn tiên phong trong kỷ nguyên số”, ông Chat Luangarpa nói.

Tập trung đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số

Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của ngành về an toàn hoạt động. Nguồn vốn dồi dào không chỉ khẳng định tiềm lực tài chính của ngân hàng, giúp hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn mà còn đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.

Ngay từ khi tiếp cận thị trường Việt Nam, KBank đã xác định nhóm khách hàng hộ kinh doanh, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng tiềm năng trong nền kinh tế khi họ chiếm tới 97,3% trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, họ lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xét duyệt bảo lãnh khắt khe của các ngân hàng nội địa. Việc gia tăng vốn điều lệ của KBank sẽ trở thành bàn đạp giúp ngân hàng nghiên cứu và mở rộng dịch vụ phù hợp cho nhóm đối tượng này, tạo cơ hội cho họ phát triển kinh doanh với quy mô lớn hơn trong tương lai.

Song song với việc gia tăng vốn điều lệ, KBank cũng tiếp tục tập trung phát triển những dịch vụ thanh toán trên nền tảng số và sản phẩm vay vốn kỹ thuật số để phù hợp với định hướng của chính phủ tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.

Tính toán của KBank khi tăng vốn 2,5 lần
Ông Chat Luangarpa, Phó chủ tịch điều hành KBank

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hoạt động tốt nhất thế giới trong lĩnh vực ngân hàng số, với ước tính 15 nghìn tỷ đồng đầu tư vào chuyển đổi số. Đồng thời, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, đồng thời thiết lập cơ sở hạ tầng pháp lý cho triển khai ngân hàng số.

Dân số Việt Nam đã chạm ngưỡng 100 triệu người, với lực lượng lao động trong độ tuổi làm việc là 46 triệu người. Đây chính là đối tượng tiềm năng có nhu cầu cao về giao dịch và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời là nhân tố lớn giúp Việt Nam thu hút các ngân hàng nước ngoài.

“Để trở thành một trong 20 ngân hàng lớn nhất Việt Nam vào năm 2027 về tài sản, doanh thu và cơ sở khách hàng, KBank sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói trong hệ sinh thái giao dịch để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước”, ông Chat nói.

Mục tiêu này cũng bao gồm việc phát triển ứng dụng K PLUS Việt Nam, thẻ ghi nợ, máy quẹt thẻ (EDC) và hệ thống internet banking của KBank, nhằm mang đến cho người dùng sự thuận tiện trong việc thực hiện giao dịch thông qua các tính năng khác nhau.

Trong năm 2023, KBank đặt mục tiêu dư nợ cho vay đạt 960 triệu USD nhằm tối ưu hóa quy trình xoay vòng vốn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Đặc biệt, hệ sinh thái giao dịch liền mạch được KBank đầu tư mạnh mẽ sẽ cho phép người dùng có thể thực hiện và theo dõi mọi giao dịch trên cùng một nền tảng đã được công nghệ hóa với tính năng bảo mật cao.

KBTG Việt Nam, chi nhánh công nghệ của KBank cũng không ngừng nâng cao các tính năng bảo mật và tiện ích tối đa để hỗ trợ KBank trong hành trình lan tỏa dịch vụ số tới mọi phân khúc khách hàng. Thông qua đó, KBank đặt mục tiêu tăng số lượng người dùng K PLUS Việt Nam từ 470 nghìn người hiện nay lên 1,3 triệu người vào cuối năm 2023.