NASA và hành trình đem công nghệ từ không gian xuống mặt đất

14:30, 02/10/2022

TheLEADERAi là người sáng chế ra máy ảnh trên điện thoại thông minh? Và ai là người đầu tiên chế tạo ra kính râm? Câu trả lời ở đây đó là… NASA. Không ngờ tới phải không? Trên thực tế, hàng nghìn đồ vật trên thế giới đã ra đời từ những sáng chế của NASA.

NASA và hành trình đem công nghệ từ không gian xuống mặt đất
Máy thở VITAL - một trong những sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi NASA (Ảnh: WIPO)

Không chỉ chinh phục vũ trụ, NASA đang không ngừng đóng góp cho nền kinh tế thông quan hoạt động chuyển giao công nghệ.

Với tổng số 11.000 nhà khoa học và kỹ sư, NASA là một trong những tổ chức đổi mới sáng tạo hiệu quả nhất trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm, NASA đã chuyển giao thành công khoảng 1.600 công nghệ mới cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Một số sản phẩm ứng dụng công nghệ của NASA

Đầu tiên là một công nghệ rất gần gũi với chúng ta ngày nay: máy ảnh của điện thoại thông minh Máy ảnh kỹ thuật số trên tất cả mọi điện thoại thông minh đều có nguồn gốc từ sáng chế của nhà khoa học Eugene Lally của NASA.

Năm 1965, ông đã tìm ra một cảm biến chuyển đổi photon thành electron, từ đó chuyển thành hình ảnh. Công nghệ này ban đầu được sử dụng trên vệ tinh, và sau đó NASA đã cấp li-xăng công nghệ này cho Nokia và những nhà sản xuất điện thoại khác.

Kính râm mà chúng ta dùng ngày nay cũng bắt nguồn từ kính lọc tia cực tím được phát triển để bảo vệ nhân viên NASA khỏi các tia chớp, tia laser và tia lửa hàn trong không gian và trên trái đất.

NASA: Hành trình đem công nghệ từ không gian xuống mặt đất
Sáng chế bánh răng bằng thủy tinh kim loại của NASA giúp tiết kiệm thời gian, năng lượng để làm nóng chất bôi trơn cho bánh răng robot(Ảnh: WIPO)

Thêm vào đó, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực đã phát của NASA đã phát triển máy thở có tên là VITAL (viết tắt của từ Ventilator Intervention Technology Accessible Locally, có nghĩa là “công nghệ máy thở can thiệp có sẵn trong nội địa”). Sản phẩm này được hoàn thiện chỉ trong vòng 37 ngày. NASA đã cấp li-xăng miễn phí công nghệ sản xuất loại máy thở này cho hơn 36 công ty, trong đó có một số công ty ở Brazil và Ấn Độ.

Phát triển khoa học kỹ thuật vì lợi ích cộng đồng

Kể từ khi thành lập, chuyển giao công nghệ là sứ mệnh trọng tâm của NASA. Như ông Darryl Mitchell, Chánh văn phòng Chuyển giao Công nghệ tại Trung tâm không gian Goddard, đã nói: “Đạo luật Hàng không và Vũ trụ Quốc gia năm 1958 đã quy định rằng tất cả những phát triển khoa học và kỹ thuật phải được phục vụ vì lợi ích công cộng đồng”.

Ông Mitchell cho biết ngày nay, NASA đang thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ lớn trên 10 trung tâm nghiên cứu chính của mình: “Chương trình này đã tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho công chúng”.

Ví dụ, những nghiên cứu về cảm biến và máy dò của trung tâm không gian Goddard sau đó đã được áp dụng trong hoạt động chẩn đoán y tế.

NASA là cơ quan liên bang duy nhất của Hoa Kỳ cung cấp toàn bộ toàn bộ thông tin chi tiết danh mục tài sản sở hữu trí tuệ của mình trên website. Hiện tại, NASA có khoảng 1.500 bằng sáng chế đang trong thời gian hiệu lực, trong đó khoảng 1.100 bằng sáng chế có thể dùng để cấp li-xăng (hầu hết số còn lại đang được cấp li-xăng với các điều khoản độc quyền).

Trong năm tài chính 2021, NASA đã ký hơn 200 thỏa thuận cấp li-xăng sáng chế cho các doanh nghiệp và các cá nhân, đây là số hợp đồng kỉ lục trong suốt quá trình chuyển giao công nghệ của cơ quan này.

Ông Lockney đảm nhận vị trí chủ nhiệm chương trình chuyển giao công nghệ của NASA vào năm 2011. Một trong những sáng kiến ​​của ông là đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các chính sách và quy trình chuyển giao công nghệ ở 10 trung tâm thực địa.

Để làm được điều đó, NASA đã phát triển Hệ thống Chuyển giao Công nghệ NASA, với một quy trình đánh giá sáng chế với hai bước độc lập: thứ nhất, phỏng vấn sâu với nhà sáng chế; và thứ hai, đánh giá về tiềm năng thương mại hóa sáng chế đó ra ngoài thị trường. Chỉ khi đáp ứng được quy trình này, đơn xin cấp bằng sáng chế mới được nộp.

Kết quả là NASA chỉ nộp rất ít đơn đăng ký sáng chế một năm so với quy mô của mình (khoảng 80 bằng sáng chế). Ông Lockney nói: “Chúng tôi chỉ nộp đơn đăng ký sáng chế với mục đích thương mại hóa, chứ không phải vì mục đích tăng uy tín”.

Giúp những giấc mơ khởi nghiệp cất cánh

Gần đây, NASA đã có những sáng kiến để giúp quá trình chuyển giao công nghệ được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cụ thể NASA cung cấp những Li-xăng Khởi nghiệp để giúp doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ của cơ quan này với chi phí rất ưu đãi.

Với Li-xăng này, doanh nghiệp không phải nộp phí trả trước và phí định kỳ trong vòng 3 năm đầu tiên, mà chỉ phải trả 4,2% tiền phí sử dụng sáng chế khi đã bắt đầu bán được sản phẩm.

Trong năm năm qua, chương trình Li-xăng Khởi nghiệp đã giúp NASA li-xăng sáng chế cho hơn 100 công ty khởi nghiệp trên khắp Hoa Kỳ. Nhưng lợi ích của nó còn xa hơn thế, ông Mitchell cho biết: “Ngay cả khi một công ty không đủ điều kiện để được cấp Li-xăng Khởi nghiệp, chúng tôi có thể vẫn sẽ kí kết hợp đồng với họ. Mục đích chính là để đẩy nhanh quá trình cấp phép và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ”.

Chương trình này đã giúp cho quá trình chuyển giao công nghệ trở nên đơn giản hơn, khiến cho các công ty không phải mất thời gian quá nhiều cho những cuộc đàm phán và sớm hưởng lợi từ những điều khoản phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của họ.

Trong năm tài chính 2021, Trung tâm không gian Goddard của NASA, đã cấp 21 li-xăng mới, và 6 li-xăng trong số này là li-xăng khởi nghiệp. Ông Mitchell cho biết: “Hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ đã được cấp bằng sáng chế, mà còn trang bị cho các doanh nhân những kỹ năng để có thể thành công”.

Tác động đa ngành trong những nghiên cứu của NASA

NASA là tên viết tắt của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Đây là cơ quan của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu ngành hàng không.

Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisehower đã thành lập NASA vào năm 1958 với mục đích dân sự hướng tới những ứng dụng hòa bình trong khoa học không gian, trên cơ sở kế thừa của Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia NACA.

Vượt qua những thách thức khi làm việc ngoài không gian, NASA đã có nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ ấn tượng, mang lại lợi ích cho xã hội trong các lĩnh vực: y tế, giao thông vận tải, an toàn công cộng, hàng tiêu dùng, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và năng suất công nghiệp.

Như bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng, Tiến sĩ Michael DeBakey, người đã hợp tác với NASA để phát triển máy bơm tim nhân tạo, đã nói: “NASA đang tham gia vào hoạt động nghiên cứu rất tích cực. Mục tiêu của NASA là khám phá không gian, nhưng để làm như vậy, cơ quan này đã phải thực hiện tất cả các loại nghiên cứu: nghiên cứu sinh học, nghiên cứu vật lý… Vì vậy, đây thực sự là một tổ chức nghiên cứu cực kỳ chuyên sâu. Và bất kỳ tổ chức hoặc hoạt động nghiên cứu chuyên sâu nào diễn ra, kiến thức mới sẽ được tuôn ra từ đó.”