Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm cho vay ngang hàng

Trần Anh - 14:55, 02/04/2019

TheLEADERTại Việt Nam, khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.

Tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng quý 1/2019, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về định hướng quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) ở Việt Nam.

Bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước hiện đang xây dựng phương án thí điểm loại hình này kinh doanh này và dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo Phó Thống đốc, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành, được điều hành theo quy định pháp luật và các văn pháp luật liên quan. Hình thức cho vay này có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia.

"Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng giao các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện" - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ - “cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.”

Nền tảng cho vay ngang hàng có ưu điểm giúp người có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống bằng việc tăng khả năng kết nối thành công người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến.

Cách đây vài năm, mô hình cho vay ngang hàng phát triển bùng nổ trên thế giới. Mô hình này lần đầu tiên xuất hiện ở Anh (Zopa, Funding Circle), sau đó thành công tại thị trường Mỹ (Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant) và đạt đỉnh tại Trung Quốc (Lufax, JimuBox, Dianrong, PPdai, Renrendai).

Theo thống kê năm 2015 của Prime Meridian Capital Management và China News, thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ đạt khoảng 18 tỷ USD, tại Trung Quốc là 150 tỷ USD về quy mô giao dịch.

Tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn và các startup fintech bắt đầu đẩy mạnh tham gia vào thị trường này.

Tuy nhiên, P2P Lending cũng cho thấy bất cập tại một số quốc gia. Thay vì làm trung gian kết nối thông tin, có công ty P2P Lending đã huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, làm phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo...

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hồi tháng 3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, những hệ luỵ này biểu hiện rõ nhất tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý P2P Lending thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Đại diện NHNN cho biết một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P Lending ở Việt Nam và giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.