Nghẽn đường vào Mỹ, cá tra Việt Nam tạm chuyển hướng

Vinh Anh - 17:57, 03/08/2017

TheLEADERGiá trị xuất khẩu giảm liên tiếp tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU buộc các doanh nghiệp chuyển hướng đẩy mạnh sang một số thị trường tiềm năng lớn như: Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia và Ảrập Xêut.

Nghẽn đường vào Mỹ, cá tra Việt Nam tạm chuyển hướng
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường lớn gặp rất nhiều rào cản và khó khăn. Ảnh nguồn: Internet

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường lớn gặp rất nhiều rào cản và khó khăn, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 836,4 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã tác động ngược lại sản xuất trong nước, giá cá tra nguyên liệu và cá giống tăng giảm thất thường.

Xuất khẩu giảm ở thị trường Mỹ và EU trong 6 tháng đầu năm nay khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh giá trị xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Mexico, Colombia và Ảrập Xêut. Do đó, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Brazil tăng 46,3%; Mexico tăng 31,3%; Colombia tăng 15,8% và Ảrập Xêut tăng 12,8%, và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2017.

Vào quý II/2017, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong tiếp tục tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 6/2017, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 171,4 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. 

Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng từ 25 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng hơn khi đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, vẫn có xu hướng tăng 8,4% trong quý II/2017 so với đầu năm.

Cho đến nay, có 14 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này với khối lượng và giá trị đáng kể là Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp và Bien Dong Seafood do thuế chống bán phá giá cao.

Đầu tháng 7/2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) thông báo về việc sẽ áp dụng chính thức điều 9CFR557 (quy định về nhập khẩu) tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 02/8/2017 thay vì 01/9/2017 (thời điểm chính thức áp dụng như quy định tại Chương trình và các thông báo của FSIS trước đây). 

Như vậy, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các Cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (I-Houses) do cơ quan thẩm quyền nước này chỉ định. Dự báo, trong thời gian đầu áp dụng cho đến hết năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ giảm do sự chuyển giao giữa FDA sang FSIS sớm trong khi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau.

Hiện nay, có 54 cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức đã được cơ quan thẩm quyền phía Hoa Kỳ chỉ định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không khỏi lo ngại bởi những I-Houses trước đây chuyên giám sát các sản phẩm về thịt chứ không phải sản phẩm cá. Khả năng cao các doanh nghiệp xuất hàng qua kiểm tra sẽ phải chờ đợi do năng lực chuyên trách của các I-Houses chưa đủ.