Người ấp ủ khát vọng nâng tầm cây tre Việt Nam

Đặng Hoa - 09:24, 23/05/2019

TheLEADERAnh Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Công ty BWG Mai Châu đang giúp các hộ dân miền núi phía Bắc làm giàu với những sản phẩm từ tre mang tiêu chuẩn quốc tế.

Người ấp ủ khát vọng nâng tầm cây tre Việt Nam
Phó chủ tịch HĐQT Công ty BWG Mai Châu Nguyễn Trọng Nghĩa

Sau gần hai năm nỗ lực, ngày 8/5/2019, BWG Mai Châu chính thức được trao Chứng chỉ phát triển rừng bền vững (FSC) đối với vùng nguyên liệu tre của công ty ở khu vực huyện Mai Châu (Hoà Bình) cùng các huyện lân cận giáp ranh Thanh Hoá.

Đây là chứng chỉ đầu tiên được cấp tại Việt Nam trong lĩnh vực tre, giúp công ty này đi đầu trong bảo tồn và phát triển bền vững rừng tre tại Việt Nam cũng như trở thành lựa chọn ưu tiên của người dùng trên thế giới.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch HĐQT BWG Mai Châu cho biết hơn 20 năm trước, dọc hai bên bờ sông Đà và sông Mã đã được phủ xanh bạt ngàn tre trong một dự án của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới.

Đó cũng có thể được coi là một tầm nhìn dài hạn khi Trung Quốc đã phát triển ngành tre trong khi các sản phẩm từ tre còn khá mới mẻ với người dân Việt lúc bấy giờ.

Trước năm 2014, đã từng có một doanh nghiệp tiếp cận và làm việc với các hộ nông dân để sản xuất các sản phẩm từ cây tre nhưng do yếu kém về quản trị cộng với việc đầu tư "không đến nơi, đến chốn" nên gần như bị phá sản.

Thân thuộc và có một tình yêu khá lớn đối với các sản phẩm tre từ nhỏ, anh Nghĩa không đành lòng nhìn ngành tre mất đi cơ hội và càng không muốn chứng kiến người dân nghèo miền núi mất đi miếng cơm manh áo mỗi ngày.

Mai Châu là một mảnh đất nghèo, chủ yếu toàn đồi núi khô cằn và hầu như không trồng được những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Cuộc sống của người dân cũng chủ yếu dựa vào cây tre, chỉ cần bán 1-2 cây mỗi ngày là họ đã có thể lo đủ cho cả gia đình.

“Nếu không tiếp tục phát triển ngành tre ở khu vực này cũng như tìm một hướng đi mới và bền vững, người dân sẽ mất đi nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình, mất đi cơ hội phát triển an sinh xã hội”, Phó chủ tịch BWG Mai Châu cho biết.

Không chỉ mang trong mình những giá trị kinh tế, cây tre đối với anh Nghĩa còn mang một vẻ đẹp không giống bất cứ một loại vật liệu nào trên trái đất. Tre không chỉ mang trong mình vẻ đẹp thân thiện với môi trường và có ý nghĩa truyền thống sâu sắc với mỗi người dân Việt mà còn mang một vẻ đẹp cuốn hút đến lạ thường, có thể được ví như một cô gái đẹp rất dịu dàng và sâu lắng.

Chuyên gia tư vấn tài chính 8x khát khao nâng tầm cây tre Việt
Cây tre mang một vẻ đẹp không giống bất cứ một loại vật liệu nào trên trái đất

Anh Nghĩa nhìn nhận, các sản phẩm làm từ tre thay thế gỗ thân thiện với môi trường đã là xu thế của thế giới suốt 20 năm nay nhưng ở Việt Nam chưa có ai đầu tư một cách bài bản. Rút kinh nghiệm từ yếu kém của người đi trước, anh cùng những người cộng sự thành lập nên công ty của mình vào năm 2014, đầu tư bài bản hơn, nghiên cứu đầy đủ các dòng sản phẩm.

Sau khoảng 3-4 năm phát triển và loay hoay với nhiều sản phẩm, anh xác định phải tìm ra được thế mạnh của chính mình và của cây tre Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm gia dụng, văn phòng được thiết kế tinh tế cũng được đầu tư sản xuất và cho ra thị trường nhưng anh xác định những sản phẩm này phục vụ cho mục đích làm thương hiệu là chính bởi doanh thu không cao.

Ngoài ra, nếu cứ mãi làm đồ gia dụng thì không thể cạnh tranh với Trung Quốc vì tỷ lệ sử dụng cây tre của họ tốt gấp rưỡi tre Việt Nam khi phần ngọn cũng được tận dụng triệt để. Dù tiền công của họ đắt hơn nhưng sản phẩm sẽ rẻ hơn, nhìn tổng thể thì ngành tre gia dụng của Việt Nam sẽ thua bởi năng suất lao động cũng như năng suất cây tre thấp hơn nhiều.

“Nếu muốn làm được nhiều tiền, áp dụng được tự động hoá để tăng năng suất và tiêu thụ được nhiều tre cho người dân thì phải là sản phẩm công nghiệp như những tấm lót đường hay các sản phẩm nội thất cao cấp có chất lượng tốt hơn gỗ 5-6 lần”, anh Nghĩa cho biết.

Với tầm nhìn đó, nhà máy BWG Mai Châu được hình thành, chuyên sản xuất tre ép công nghiệp và nội thất tre. Là nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam về tre ép công nghiệp (100.000m3/năm) và tre ép tấm nội thất (20.000 m3/năm), được đầu tư bài bản và hiện đại dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới IKEA.

Mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì là người đi đầu và thay đổi công nghệ, phải mất vài năm để hoàn thiện sản phẩm nhưng anh Nghĩa tự tin với hướng đi mới, cây tre Việt sẽ được tiêu thụ một cách triệt để.

“Nguyên liệu của mình rẻ hơn, chi phí nhân công rẻ hơn. Bây giờ thêm tự động hoá vào nữa thì Trung Quốc không có cửa để thắng”, anh Nghĩa khẳng định.

Bài toán trước mắt cần giải là làm thế nào để tăng công suất nhà máy lên ít nhất 5 lần so với hiện tại, sản xuất đủ số lượng đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường bởi hiện nay công ty anh đang sản xuất không đủ bán. 

“Vừa rồi có một số khách hàng nước ngoài tới gặp tôi để mua sản phẩm nhưng vì chúng tôi không có đủ bán nên họ mang qua Trung Quốc đặt làm, song giá thành bên đó cao hơn tới 30-40% nên Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên”, anh Nghĩa cho biết.

Chuyên gia tư vấn tài chính 8x khát khao nâng tầm cây tre Việt 1
Hiện BWG Mai Châu đang lên kế hoạch tự động hoá cho nhà máy với mục tiêu tăng công suất lên 5 lần so với hiện tại.

Mới đây, đánh dấu một sự khởi đầu mới cho ngành tre Việt Nam, BWG Mai Châu đã thử nghiệm giống tre mới khổng lồ có năng suất cao gấp 5 lần được nhập khẩu từ Philippines do đối tác Mỹ Bamboo Living cung cấp giống. Nếu thành công, giống tre mới này sẽ giúp Việt Nam vươn lên cạnh tranh hơn so với ngành tre Trung Quốc và người dân nghèo miền núi có thể làm giàu từ chính mảnh đất đồi núi khô cằn của mình.

“Phải thay đổi giống ngay từ bây giờ nếu không một ngày đẹp trời chúng ta sẽ chết. Nếu Philippines và Thái Lan cũng làm tre công nghiệp thì Việt Nam không có cửa cạnh tranh vì giống tre của họ tốt hơn”, anh Nghĩa nhìn nhận.

Đáng chú ý, khác với cách làm của đa số doanh nghiệp ở Việt Nam, BWG Mai Châu xác định thị trường mục tiêu ngay từ ban đầu là quốc tế. 99% sản phẩm của công ty này đi theo con đường xuất khẩu để khẳng định chất lượng sản phẩm, từ đó mới phổ biến ra thị trường ở Việt Nam.

Anh Nghĩa cho biết mỗi năm BWG Mai Châu xuất khẩu khoảng 5 triệu USD. Con số này dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay và sẽ tăng theo cấp số nhân qua từng năm sau khi quá trình chuẩn bị đã được hoàn thiện, sản phẩm đã được đón nhận và đang bước vào quá trình tăng công suất.

Lãnh đạo doanh nghiệp này nhìn nhận: “Sản phẩm sẽ được trân trọng và đánh giá cao hơn nhiều nếu nó đã từng được đón nhận ở những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Người Việt được dùng những sản phẩm có cùng chất lượng và tiêu chuẩn như ở châu Âu”.

Hơn nữa, việc đưa sản phẩm tới người tiêu dùng Việt trong năm nay cũng nhằm thay đổi cách nhìn của người dân Việt Nam vốn dĩ xuất phát từ văn hoá tre làng nhưng lại không hề biết đến và được hưởng thụ những lợi ích cao cấp mà tre mang lại.

Giúp người dân làm giàu nhờ thay thế nhân công bằng máy móc

Vùng giáp ranh Mai Châu và Thanh Hoá là một trong những nơi tập trung nhiều tre nhất ở Việt Nam. Nhà máy BWG Mai Châu đặt ở trung tâm của vùng nguyên liệu với số lượng công nhân ban đầu là 500 người, chủ yếu là người dân địa phương.

Anh Nghĩa cho biết ngày xưa cố gắng tuyển nhiều người nhằm mục đích chính là an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm nhưng giờ đây anh nhận ra với tư duy đó, công ty sẽ chết trước khi giúp dân ổn định được cuộc sống. 

Tính cách vốn có của người bản địa là thích ổn định, làm việc không vì tiền, không cần quá vất vả, không cần cạnh tranh. Họ không cần hướng đến sự sang giàu mà chỉ cần một cuộc sống vừa đủ.

Chính vì vậy, năng suất lao động của công nhân trên khu vực miền núi thấp và thiếu tư duy công nghiệp. Do đó, phương án tối ưu là áp dụng tự động hoá vào nhà máy và giảm bớt sử dụng công nhân.

Doanh nhân này nhìn nhận: “Bản chất con người không bao giờ thay đổi được. Mình đã biết cái xấu của nhau thì phải chấp nhận nhau nhưng phải tìm cách để hạn chế và yêu thương nó”.

Với tình yêu ấy, anh quan sát thấy người dân bản địa có khả năng làm nông nghiệp rất tốt, trồng cây là nghề của họ. Với một mảnh đất khô cằn như khu vực miền núi Mai Châu, tre là sự lựa chọn hàng đầu bởi không có đất trồng lúa trong khi khoai, sắn thì không mang lại được nhiều giá trị.

Chính vì vậy, anh Nghĩa cùng BWG Mai Châu đã hỗ trợ người dân bằng việc khuyến khích họ trồng tre. Chỉ cần bán hai cây tre, họ đã có thể thu về khoảng 150 nghìn đồng.

“Nếu doanh thu của chúng tôi 60-70 tỷ đồng thì khoảng 20-30 tỷ sẽ vào tay người dân. Châu Âu ủng hộ chúng tôi phát triển ngành này ở Việt Nam cũng vì lý do đó, họ luôn đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, doanh nhân này cho biết.

Tre là một loại cây rất dễ trồng, không cần mất nhiều công chăm sóc, không cần phân bón. Chỉ cần khai thác tre sẽ tự lên, chặt một cây lên ba cây, đốt hẳn đi vẫn mọc lên như thường, trồng một lần khai thác 60 năm.

Đặc biệt, theo tổ chức quốc tế PI (Prosperity Initiative), tre là cây trồng giúp xoá đói giảm nghèo tốt nhất thế giới. Mỗi cây tre chỉ chờ khoảng 3 năm là có thể khai thác nên vùng nguyên liệu này sẽ được duy trì một cách bền vững nếu khai thác đều.

“Cả vùng Điện Biên trước đây có rất nhiều tre nhưng giờ không còn vì chẳng ai vào tiêu thụ cho dân, dân chặt hết. Nếu có người tiêu thụ, dân sẽ trồng, tre sẽ phát triển. Bài toán là phải tiêu thụ được nhiều tre cho dân thì họ mới giàu được và tự động hoá sẽ là chìa khoá”, lãnh đạo BWG Mai Châu nhìn nhận.

Chuyên gia tư vấn tài chính 8x khát khao nâng tầm cây tre Việt 2
Giá trị cây tre được tăng lên rất nhiều nhờ các sản phẩm công nghiệp.

Khi cuộc sống của người dân đã được nâng cao, cơ hội mở mang tầm nhìn và tiếp xúc với xã hội của người dân cũng nhiều hơn, đặc biệt là với lớp trẻ thì tư duy của họ cũng dần được thay đổi. Đó cũng là cơ sở để BWG Mai Châu tổ chức các lớp đào tạo tại Hà Nội về quản đốc, giám đốc sản xuất cho chính những người dân địa phương.

“Công ty hiện có quy mô nhân sự 200 người, trong đó người dân địa phương chiếm khoảng 80-90%. Tôi kỳ vọng sau 5 năm nữa, những lãnh đạo cốt cán của nhà máy sẽ là người bản địa”, anh Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, để có thể phát triển ngành tre cũng như hỗ trợ nâng cao đời sống của người dân, doanh nghiệp sẽ cần đến sự quan tâm của Nhà nước. Mặc dù ngành này thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 210 và Nghị định 57, nhưng sau 3 năm vẫn không được hỗ trợ.

Lãnh đạo BWG Mai Châu kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách "thật" hơn để phát triển ngành tre như hỗ trợ về vốn, thuế,… thay vì để doanh nghiệp "tự bơi". Đối với cấp chính quyền địa phương, cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua các chính sách về đất đai, tổ chức trồng và khai thác tre có hệ thống cũng như xây dựng chuỗi giá trị ngành tre.