Người mua nhà còng lưng gánh lãi

Phương Linh - 09:49, 29/05/2023

TheLEADERTừ đầu năm 2023, hàng loạt thông tin về việc giảm lãi suất được công bố đã khiến nhiều nhà đầu tư, người mua nhà kỳ vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã gần nửa năm trôi qua, hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều. Mức lãi suất cho vay trên thị trường vẫn gần như giữ nguyên, những điểu chỉnh giảm là không đáng kể.

Người mua nhà còng lưng gánh lãi
Mức điều chỉnh giảm lãi suất trên thị trường hiện đang rất thấp, gần như không đáng kể

Giảm như không giảm?

Vay gần 1 tỷ đồng mua nhà từ năm 2020, khi đó, lãi suất ngân hàng ở mức 7,6%/năm trong năm đầu tiên do được hưởng ưu đãi từ phía chủ đầu tư, từ năm thứ hai, anh Nam (Hà Nội) phải chịu lãi suất thả nổi trên thị trường khoảng 10%/năm. Mỗi tháng, anh phải trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng khoảng gần 20 triệu đồng.

Với thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng, mức tiền phải trả cho ngân hàng của anh Nam được cho là phù hợp với khả năng kinh tế tại thời điểm đó. Song, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, lãi suất ngân hàng liên tục tăng mạnh đã khiến anh lao đao.

Theo đó, lãi suất cho khoản vay mua nhà đã liên tục tăng mạnh từ mức 10%/năm lên 14,35%/năm. Số tiền phải trả cho ngân hàng tăng thêm gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể đến tình hình kinh tế khó khăn khiến thu nhập của anh bị sụt giảm đáng kể.

Đáng chú ý, theo anh Nam cho biết, từ đầu năm 2023, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các thông tin giảm lãi suất cho vay khiến anh kỳ vọng rất lớn vào việc lãi suất giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, phải đến cuối tháng 5 vừa qua, anh mới nhận được thông báo đầu tiên từ phía ngân hàng cho vay về việc giảm lãi suất.

Càng bất ngờ hơn khi mức giảm chỉ 0,3% so với mức lãi suất hiện tại. "Đây là mức giảm rất thấp, nếu không nói là gần như vẫn giữ nguyên, điều chỉnh giảm không đáng kể. Điều này khiến tôi thực sự thất vọng rất lớn. Đúng là muốn giảm lãi suất chỉ có lên "tivi" để vay", vị khách hàng này chia sẻ.

Trong tình cảnh tương tự, anh Vũ (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang phải chịu lãi suất 13%/năm cho khoản vay 1,5 tỷ đồng trong năm năm. Mỗi tháng, anh phải trả gần 40 triệu đồng cả vốn và lãi cho ngân hàng. Con số này đã chiếm tới khoảng 60% thu nhập của gia đình.

Trong bối cảnh các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống không ngừng tăng cao, thu nhập bị sụt giảm, việc lãi suất cho vay chưa hạ nhiệt khiến anh Vũ hết sức lo lắng. "Nếu là trước đây thì không thành vấn đề, nhưng năm qua kinh doanh khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng giảm tới 40%. Hiện gia đình đang phải sống bằng nguồn tiền tích luỹ, "lương khô" từ giai đoạn trước", vị khách hàng này chia sẻ và cho biết, nếu tình hình này kéo dài, có thể anh sẽ phải cân nhắc đến việc bán nhà để "thoát khỏi" việc trả nợ ngân hàng.

Với tình hình lãi suất tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều khách hàng cũng e ngại trong quyết định mua nhà mặc dù có nhu cầu thực. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư và khách hàng mua nhà chưa quay trở lại thị trường, thanh khoản bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, thị trường chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.

Tính từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hai lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng mới chỉ giảm rất nhẹ.

Thực tế, sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 4/2023, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,8%. Tính từ đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm tương đối mạnh khoảng 0,5 - 1,5% ở tất cả kỳ hạn. Lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1 - 1,5% so với mức đỉnh điểm ghi nhận cuối năm 2022.

Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn này là 8,8%/năm được 4 ngân hàng áp dụng là ABBank, OCB, HDBank và Kienlongbank. Mức lãi suất trên 8,5% còn có sự góp mặt của một số ngân hàng nhỏ như Nam A Bank (8,7%), VietABank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%).

Lãi suất huy động giảm giúp lãi suất cho vay giảm theo. Song, hiện lãi suất cho vay bình quân mới chỉ giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022.

Kỳ vọng tiếp tục giảm lãi suất

Mặc dù đã có sự điều chỉnh giảm, song theo nhiều chuyên gia, mức giảm này là rất thấp và không có tác động nhiều đến thị trường bất động sản. Để giúp thị trường nhanh chóng hồi phục, các chính sách giảm lãi suất cần mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ người mua nhà và các doanh nghiệp. Qua đó, giúp dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường bất động sản. 

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường VinaCapital cho rằng, lãi suất cho vay mua nhà hiện đang ở mức trên 12% là quá cao đối với các khách hàng trên thị trường. 

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tư nhân ở Việt Nam hiện trên 8% đối với tiền gửi 1 năm. Vì vậy, thay vì mua căn hộ để kiếm lời, hiện họ đều lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư, khách hàng mua căn hộ lại rơi vào khó khăn rất lớn do phải trả khoản tiền lãi ngân hàng quá cao. Nhiều khách hàng đã buộc phải bán tải sản, thậm chí cắt lỗ do không còn khả năng trả nợ. Điều này khiến thanh khoản trở thành vấn đề vô cùng nan giải của thị trường. Nếu không có giải pháp hạ lãi suất, thanh khoản bất động sản sẽ rất khó để khơi thông.

Giữ góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, với những diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian gần đây, kỳ vọng trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm với biên độ nhẹ để dần đạt mức tiệm cận so với mức trước khi thiết chặt tín dụng.

Cùng với độ ngấm của các chính sách, động thái tích cực từ việc giảm lãi suất của các ngân hàng cùng với niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư dần được khôi phục sẽ giúp thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực.

Kinh tế Việt Nam quý I/2023 đã tăng trưởng khá thấp, thị trường bất động sản cũng gần như đóng băng từ cuối năm 2022. Do đó, nền kinh tế và thị trường bất động sản rất cần những chính sách tài chính tiền tệ kịp thời để thúc đẩy hồi phục tăng trưởng. 

Chính phủ cần sớm xem xét để có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng nguồn cung vốn cho thị trường kết hợp chính sách tài khóa mở rộng, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp, ông Đính nhận định.