Nhà thầu xây dựng lao đao vì nợ đọng

An Chi - 08:30, 20/08/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đang đứng trước khó khăn rất lớn do nợ đọng kéo dài.

Nhà thầu xây dựng lao đao vì nợ đọng
Không ít chủ đầu tư dự án đã chây ỳ trong việc trả nợ, chiếm dụng vốn, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán với nhà thầu

"Càng làm, càng lỗ"

Là doanh nghiệp xây dựng tham gia phát triển nhiều dự án, công trình lớn trên cả nước, song Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đang rơi vào tình cảnh hết sức lao đao vì nợ đọng.

Theo ông Dương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, doanh nghiệp này hiện có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu với tổng công nợ đến 31/3 lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị vốn quản lý Nhà nước 1.004 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân 535 tỷ đồng

Đáng chú ý, nhiều khoản nợ nhiều năm vẫn chưa được thanh toán. Các khoản nợ từ 1 đến 3 năm của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 506 tỷ đồng, nợ từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn không phải doanh nghiệp xây dựng duy nhất gặp khó vì nợ đọng. Thông tin từ Cienco 4 cho biết, tổng số nợ đọng của doanh nghiệp này hiện là 187 tỷ đồng. Trong đó, điển hình là nợ đọng của các dự án cầu Đông Trù (22,5 tỷ đồng), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ đồng); gói J3 Bến Lức – Long Thành (19,7 tỷ đồng), cầu Dùng (10,1 tỷ đồng), gói 3A, 4A Bình Định (10,9 tỷ đồng), cầu Hòa Trung (74,2 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp khác, Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), vốn chủ sở hữu chỉ vài trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng...

Thực tế, nợ đọng xây dựng đang trở thành vấn đề nhức nhối, nghiêm trọng nhiều năm qua của các nhà thầu xây dựng. Theo Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, có 90% doanh nghiệp có quy mô khoảng 100 tỷ đồng, còn doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tiết lộ, tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít thì 30 đến 50 tỷ đồng và doanh nghiệp đang "gánh" số nợ trên 1.000 tỷ đồng cũng rất nhiều. 

Các khoản nợ này đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào tình cảnh hết sức khó khăn. Họ vừa phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công, vừa phải trả lãi vay ngân hàng trong khi nợ đọng thì không đòi được. Điều này đã dẫn đến càng làm càng "lỗ", các doanh nghiệp rơi vào tình trạng "nợ chồng nợ".

"Nếu không được tháo gỡ kịp thời, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Tình trạng nợ đọng không giải quyết được trong 5-7 năm nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành xây dựng sẽ không còn tồn tại”, ông Hiệp lo ngại.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến nợ đọng xây dựng, ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, trước hết là do thủ tục thanh toán, quyết toán rất rườm rà, phiền phức khiến nhà thầu là những người đầu tiên chịu thiệt hại. 

Ông Thắng lấy ví dụ, hợp đồng thi công chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, nhưng thực tế khi làm xong là 530 tấn, nhà thầu chỉ được thanh toán tạm 500 tấn, còn 30 tấn vượt khỏi khối lượng nhà thầu đã bỏ tiền ra làm rồi bị tạm giữ lại, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán.

“Đây là lỗi của công tác lập khối lượng của chủ đầu tư hoặc tư vấn, nhưng thiệt hại lại dồn về nhà đầu tư”, ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều công trình thực hiện 2-3 năm và đã đi vào khai thác nhưng công tác nghiệm thu công trình cuối cùng và quyết toán chậm trễ, chưa thực hiện được khiến nhà thầu chưa được thanh toán.

Mặt khác, theo nhiều đại diện doanh nghiệp, không ít chủ đầu tư dự án đã chây ỳ trong việc trả nợ, chiếm dụng vốn, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán với nhà thầu. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn không có khả năng chi trả.

Cần luật hoá trách nghiệm thanh toán của chủ đầu tư

Để giải quyết tình trạng vướng mắc nợ đọng trong xây dựng, ông Hiệp cho rằng, Chính phủ cần thiết phái luật hoá nghĩa vụ thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm, tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.

Đối với vốn đầu tư công, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.

"Trước mắt, các cơ quan quản lý cần có chế tài cụ thể để giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư", ông Hiệp kiến nghị.

Ông Hiệp cho biết thời gian tới Hiệp hội Nhà thầu sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định chủ đầu tư phải hoàn thành thanh toán với nhà thầu trong quá trình khi nghiệm thu, đánh giá, xếp hạng công trình xây dựng trước khi đưa dự án vào hoạt động và bàn giao cho khách hàng.

Mặt khác, cũng theo ông Hiệp, Nhà nước cần có cơ chế để đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư, phân loại các chủ đầu tư đủ uy tín, tiềm lực tài chính và khả năng triển khai dự án. Dựa trên bảng xếp hạng đó, các nhà thầu xây dựng sẽ nắm được thông tin, chủ động hợp tác với chủ đầu tư thực sự uy tín, hạn chế rủi ro nợ đọng xây dựng.

Điều này sẽ giúp các nhà thầu tránh được rủi ro phải làm việc với các chủ đầu tư yếu kém, chây ì trong nghĩ vụ thanh toán, cũng như đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Việc làm này sẽ giúp minh bạch hoạt động đầu tư xây dựng và đảm bảo hài hoà quyền lợi của các bên liên quan, ông Hiệp nhấn mạnh.