Nhận diện những nút thắt để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

Phạm Sơn - 08:08, 26/05/2024

TheLEADERCác định hướng cải cách nhằm tự do hóa thị trường là giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhận diện những nút thắt để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh tại sự kiện "Cà phê quản trị" số tháng 5/2024 do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Ảnh: Hoàng Anh

Năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 4,3 nghìn USD, tức vẫn còn một chặng đường rất dài để đạt đến con số khoảng 13 nghìn USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao như mục tiêu 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Mục tiêu này là rất thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những biến động bất thường và khó khăn vẫn chưa đi đến hồi kết. 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp mang tính đột phá, Việt Nam khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để đạt được mức thu nhập cao.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nhiệm vụ đầy thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách thể chế hiệu quả theo hướng tự do hóa thị trường.

Ông Minh cho biết, thực tiễn các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra, nền kinh tế có độ tự do càng cao thì thu nhập càng cao, các yếu tố an sinh xã hội, y tế, giáo dục, sinh kế, dân trí của người dân càng được đảm bảo. Ngược lại, tự do kinh tế thấp đồng nghĩa với thu nhập không cao, tình trạng đói nghèo diễn ra phổ biến.

Thực tế cho thấy, chính sách cải cách của Việt Nam kể từ sau Đổi mới đến nay vẫn nhất quán theo hướng tự do hóa nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn kể từ sau năm 2011, khi Việt Nam chuyển từ tư duy trọng cầu sang trọng cung, tức là tập trung các giải pháp cải thiện năng suất, giảm thiểu chi phí, giữ ổn định vĩ mô để tạo đà tăng trưởng lâu dài.

Kết quả đạt được của sự nhất quán trong chính sách là tương đối tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã thiết lập được những yếu tố cơ bản của một nền kinh tế thị trường, bao gồm xác lập và bảo vệ quyền sở hữu, tự do giá cả và thỏa thuận, bảo vệ hợp đồng trao đổi và quyền tự do kinh doanh.

Theo ông Minh, dù chỉ xếp hạng 106/190 quốc gia về chỉ số tự do của nền kinh tế nhưng ở một số chỉ tiêu, Việt Nam đã tiệm cận, thậm chí có chỉ tiêu vượt so với những quốc gia, nền kinh tế có thu nhập trung bình cao.

Cụ thể, chỉ số về quy mô chính phủ (thể hiện tỷ lệ nhân viên làm việc cho chính phủ trên tỷ lệ dân số và tỷ lệ chi tiêu chính phủ so với GDP), chỉ số về hệ thống pháp luật và quyền sở hữu hiện đang tiệm cận so với trung bình các quốc gia có thu nhập trung bình cao. 

Chỉ số về quy định quản lý thị trương tín dụng, lao động và kinh doanh của Việt Nam ghi nhận mức cao hơn so với các quốc gia này.

Tuy nhiên, chỉ số về đồng tiền tốt và tự do thương mại quốc tế của Việt Nam hiện đang thấp hơn đáng kể so với trung bình của các quốc gia có thu nhập cao. 

Lý giải về điều này, ông Minh cho biết, Việt Nam dù kiểm soát lạm phát tốt nhưng tiền Việt Nam là đồng tiền chưa chuyển đổi, chưa có sự kiểm soát về dòng tiền ra và vào.

Về thương mại, tuy ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do để giảm thuế xuất nhập khẩu nhưng Việt Nam vẫn có xu hướng kiểm soát bằng các hàng rào kỹ thuật, có thể khiến thương mại bị cản trở nếu lạm dụng.

Ông Minh nhìn nhận, đây là hai khía cạnh cần có sự đột phá về chính sách để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.

Cụ thể, đối với chỉ số đồng tiền tốt, Việt Nam cần một mặt duy trì ổn định vĩ mô, mặt khác nghiên cứu xem xét chế độ tỷ giá hối đoái, nghiên cứu cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngoại hối tại các sàn giao dịch.

Còn về thương mại, cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng minh bạch, rõ ràng, ổn định. Song song với đó, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, rà soát quy định về kiểm soát vốn để thị trường vốn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và rà soát quy định visa, mở rộng phạm vi công dân các nước được miễn visa du lịch vào Việt Nam.

Đối với những chỉ số Việt Nam có kết quả tương đối tốt, tiệm cận với các nước có thu nhập trung bình cao, ông Minh đề xuất tiếp tục duy trì cải cách, với một số giải pháp như rà soát lại quy định hợp tác công tư để thu hút đầu tư tư nhân vào các dịch vụ tiện ích, quy định tài sản công, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách tư pháp để bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, sáng tạo. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội, ông Minh đề nghị, thay vì tổ chức các tổ công tác rà soát văn bản pháp lý xem chồng chéo, vướng mắc ở đâu, Nhà nước có thể cho phép một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền dừng thực thi các quy định nếu thấy vi phạm Hiến pháp hoặc trái với “luật mẹ”.