Nhiều vi phạm đất đai tại Đắk Lắk

Nguyễn Cảnh - 07:52, 18/11/2022

TheLEADERChưa kịp thời điều chỉnh bảng giá đất làm giảm nguồn thu ngân sách, lấn chiếm xây dựng trái phép không được xử lý dứt điểm, quyết định chủ trương đầu tư không qua đấu thầu hoặc đấu giá… là những vấn đề nổi cộm trong quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Đắk Lắk thời gian qua.

Nhiều vi phạm đất đai tại Đắk Lắk
Dự án nhà máy điện mặt trời (500ha) tại huyện Ea Sup của Công ty CP Đầu tư Long Thành bị kiến nghị xem xét lại đề xuất thực hiện (ảnh minh họa)

Cụ thể, từ năm 2014-2020 chứng kiến giá đất thị trường biến động theo hướng tăng. Tuy nhiên UBND tỉnh chưa điều chỉnh bảng giá đất theo quy định để làm căn cứ xác định giá đất, khi nhà nước thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, giao/cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, ghi nhận việc tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở, và chuyển nhượng thu lợi trái phép. Giao đất cho 6 hộ tại TP. Buôn Ma Thuột xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai 2013, làm thất thu ngân sách khoảng 2,4 tỷ đồng.

Tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà trái phép đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước, địa phương xử lý dứt điểm. Việc này tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện đông người, đặc biệt tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (địa bàn huyện Cư Kuin).

Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên của Đắk Lắk đã suy giảm khoảng 27.500ha trong thời gian 2017-2020. Theo Thanh tra Chính phủ thông tin, về diện tích tự nhiên các công ty, đơn vị giao về địa phương quản lý, các huyện, thị xã, thành phố báo cáo chủ yếu tồn trên sổ sách. Còn thực tế, phần lớn đất rừng tự nhiên không có rừng trên thực địa.

Nguyên nhân chính của tình trạng này, là vướng mắc cơ chế, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, còn có lý do từ tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm...

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng còn nhiều bất cập. Nổi bật, việc UBND tỉnh Đắk Lắk áp dụng hình thức quyết định chủ trương đầu tư không qua đấu thấu (lựa chọn nhà đầu tư) hoặc qua đấu giá quyền thuê đất cho hầu hết tất cả dự án là không phù hợp thực tế, giảm nguồn thu ngân sách.

Danh mục kêu gọi đầu tư dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí ở số 81 đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 1,4ha) không được công bố công khai theo quy định. Theo giấy phép xây dựng cấp năm 2016, dự án này có chiều cao 25 tầng, đến năm 2017 mới xây được 18 tầng và đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, chủ đầu tư (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) chưa làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng, chưa phù hợp với quy định Luật Xây dựng 2014.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Sở Kế hoạch và đầu tư cùng đơn vị liên quan trong việc tham mưu hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao nêu trên và dự án khu trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí Nguyễn Kim (bên cạnh).

Ngoài ra, cơ quan thanh tra chuyển thông tin đến Cơ quan điều tra Bộ Công an để xem xét theo thẩm quyền về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, không công bố danh mục dự án và không sắp xếp quản lý tài sản công theo quy định liên quan đến việc cho thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao tại 81 đường Nguyễn Tất Thành.

Việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số dự án như Trang trại phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1); Trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng; Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk… gặp sai phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị sở, ngành địa phương rà soát lại 128 dự án để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Trong số này, 94 dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư/chưa đầu tư vi phạm Luật Đầu tư 2014 (70 trường hợp đã vượt thời gian được điều chỉnh tiến độ, 24 trường hợp không ghi thời hạn đầu tư (tại văn bản chấp thuận chủ trương) nhưng kéo dài nhiều năm, đến nay chưa hoàn thành).

34 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, trong đó 11 dự án chậm 12 tháng liên tục trở lên, 23 dự án trên 24 tháng và 10 dự án đã hết thời gian gia hạn tiến độ sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành.

Một nội dung kiến nghị khác của Thanh tra Chính phủ, là kiểm tra, chấn chỉnh việc để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp. 

Đặc biệt là đối với các hộ, trang trại (chưa đáp ứng tiêu chí để được cấp chứng nhận kinh tế trang trại) đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái dẫn đến phát triển ồ ạt, không đấu nối được, phải giảm phát gây lãng phí nguồn lực.

Xem xét lại đề xuất thực hiện nhà máy điện mặt trời (500ha) tại huyện Ea Sup của Công ty CP Đầu tư Long Thành, trong đó 440ha không thực hiện trồng cây dược liệu và khoanh nuôi bảo vệ rừng (như dự án được phê duyệt) và khoảng 90ha đất rừng tự nhiên, 44ha lúa một vụ, chồng lấn quy hoạch vùng tưới tiêu kênh thủy lợi Ia Mơr.