Những chuyện ‘thâm cung bí sử’ đằng sau hội nghị Mỹ - Triều

Kiều Mai - 09:42, 05/03/2019

TheLEADERHội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội đã kết thúc theo cách khiến không ít người hụt hẫng, song chuyện gì cũng có lý do của nó. Có lẽ là “thành sự tại thiên”.

Những chuyện ‘thâm cung bí sử’ đằng sau hội nghị Mỹ - Triều
Mặc dù nhiều nỗ lực đã được tạo ra, cả hai nhà lãnh đạo vẫn buộc lòng trở về tay trắng. Ảnh: AP/Evan Vucci

Những bước chân tiến tới hòa bình

Đầu năm 2017, Đảng viên đảng Cộng hòa, nhà tỷ phú Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, thay thế người tiền nhiệm Barack Obama. Suốt một năm sau đó, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào tình trạng u ám và thậm chí người đứng đầu Nhà Trắng còn đe dọa sẽ hủy diệt Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đáp lại bằng thái độ không khoan nhượng, kéo quan hệ song phương ngày càng trở nên căng thẳng khi liên tiếp thực hiện các vụ thử nghiệm đối với tên lửa tầm ngắn, tầm xa và tên lửa phóng từ tàu ngầm vào năm 2017. Điều khiến nước Mỹ quan ngại chính là khả năng Triều Tiên gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, đe dọa an ninh của quốc gia này.

Căng thẳng kéo dài sang năm 2018 khi ông Trump lên tiếng khẳng định nút hạt nhân của ông “lớn hơn và mạnh hơn” nút hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bình luận này được đưa ra sau bài phát biểu của ông Kim Jong Un, nhắc tới việc sở hữu nút kích hoạt hạt nhân ngay trên bàn làm việc và vũ khí hạt nhân của nước này có thể bắn tới bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ.

Màn đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo đã khiến cả thế giới lo lắng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên trước đó.

Tuy nhiên, tình hình đã xoay chuyển một cách đáng ngạc nhiên khi ông Kim tuyên bố chuyển hướng chiến lược sang ưu tiên phát triển kinh tế sau khi đã định vị Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, xác định vị thế mới để bước vào đàm phán với Mỹ.

Triều Tiên đã cử đoàn đại biểu cấp cao tới lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức cũng như có đoàn thể thao tham dự, cử một đội Taekwondo và ban nhạc đi biểu diễn, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong quan hệ đối ngoại.

Ngày 27/4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa hai miền trong hơn một thập kỉ, tiến tới mục tiêu chấm dứt xung đột kéo dài hàng chục năm giữa hai miền bán đảo cũng như giảm bớt căng thẳng liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Sự kiện lịch sử này diễn ra vài tuần trước khi ông Kim có cuộc gặp với ông Trump tại Singapore.

Tại sao Việt Nam và Hà Nội lại được chọn cho hội nghị Mỹ - Triều lần hai?

Không ít chuyên gia đánh giá rằng an ninh cùng mối quan hệ ngoại giao ổn định giữa Việt Nam với cả Mỹ và Triều Tiên là hai trong nhiều lý do khiến đất nước Đông Nam Á này trở thành địa điểm cho một cuộc họp lịch sử.

Ngoài ra, tờ Bangkok Post nhận định rằng mô hình kinh tế Việt Nam phù hợp với hướng chuyển mình của Triều Tiên cũng là lý do “đinh” giúp hai nhà lãnh đạo đi đến quyết định gặp nhau tại đây.

Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng 4, Việt Nam đã được đề cập tới 16 lần trong cuộc nói chuyện dài 46 phút khi ông Moon Jae In khuyến khích lãnh đạo Kim sang Việt Nam tham khảo mô hình phát triển kinh tế và ông Kim cũng nhiều lần trực tiếp đề cập đến Việt Nam.

TS. Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) tiết lộ sau thế vận hội, Triều Tiên đã “bật đèn xanh” cho Hàn Quốc cử đặc phái viên sang Triều Tiên và trong tiệc chiêu đãi ngày 6/3/2018, ông Kim Jong Un có nhờ đặc phái viên truyền thông điệp đến Tổng thống Mỹ rằng ông sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Sau khi Việt Nam được lựa chọn, hai địa điểm nằm trong danh sách ứng cử bao gồm Hà Nội và Đà Nẵng – nơi tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 vào cuối 2017.

Theo TS. Trần Việt Thái, nước Mỹ muốn chọn Đà Nẵng bởi ông Trump rất hứng thú với thành phố này sau APEC khi Việt Nam tạo điều kiện tối đa cho đoàn đại biểu tham dự bằng cách cho phép mang tới 1.000 khẩu súng vào lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã được lực lượng an ninh Mỹ khảo sát, đưa ra các phương án đảm bảo an ninh. Phía Mỹ đánh giá rằng Việt Nam không chỉ là nơi gặp mặt mà còn là ví dụ cho việc biến thù thành bạn, phát triển nhờ phá bao vây cấm vận và cải cách mở cửa.

Nhìn lại hội nghị Mỹ - Triều để thấy những chuyện ‘thâm cung bí sử’
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai. Ảnh: The White House

Tuy vậy, Hà Nội lại là địa điểm được Triều Tiên ưu ái khi nơi này là cái nôi của cách mạng và thậm chí, cố chủ tịch Kim Nhật Thành – ông nội lãnh đạo Kim Jong Un đã thăm thủ đô 2 lần.

“Theo tính toán ban đầu, Triều Tiên sẽ ký tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh, dùng tuyên bố này xây dựng hình ảnh ông Kim mang lại hòa bình, tạo ra bước ngoặt trên bán đảo Triều Tiên”, ông Thái chia sẻ.

Không chỉ vậy, Việt Nam có khả năng cao quay trở lại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lần 2 nên việc cải thiện quan hệ với cả Việt Nam cũng mang lại lợi ích cho Triều Tiên.

Do đó có thể thấy, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội là một sự nhượng bộ từ Mỹ.

Theo tiết lộ đầy thú vị của vị Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, đoàn Mỹ dự kiến chọn Trung tâm hội nghị quốc gia làm điểm gặp mặt, bố trí Tổng thống ở tại khách sạn Marriott, đoàn chính ở Grand Plaza Trần Duy Hưng và đoàn an ninh sẽ ở Crown Plaza Mỹ Đình.

Đoàn Triều Tiên dự kiến ở tại khách sạn Metropole, gặp tại Bắc Bộ phủ - nay là Nhà khách Chính phủ nhưng phút cuối chuyển phương án sang khách sạn Melia và chốt địa điểm đàm phán tại Metrople vào phút chót.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”

Sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore tháng 6 năm ngoái, hai bên đã chốt 3 nội dung thảo luận tại Hà Nội, bao gồm: phi hạt nhân hoá đi kèm với dỡ lệnh cấm vận; thiết lập hoà bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về phía Mỹ, phi hạt nhân hóa được gói cùng dỡ bỏ lệnh cấm vận trong khi Triều Tiên muốn tách thành hai vấn đề riêng biệt. “Đây là cái gốc của vấn đề dẫn đến đổ vỡ, không ký được tuyên bố chung”, TS. Thái nhấn mạnh.

Về vấn đề thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Washington sẵn sàng ký tuyên bố kết thúc chỉ riêng với Bình Nhưỡng nhưng phía Triều Tiên lại mong muốn có được một hiệp ước hòa bình mang giá trị pháp lý giống như Hiệp định Paris của Việt Nam.

Tuy vậy, Bình Nhưỡng lại không sở hữu con bài nào gia tăng áp lực buộc Mỹ phải ký hiệp ước hòa bình như việc Việt Nam bắn rụng 54 máy bay trên bầu trời Hà Nội và khi đó, Mỹ không còn phương án nào tốt hơn.

Kể cả khi không đạt được tham vọng hiệp ước hòa bình thì một tuyên bố với Mỹ cũng mang lại ý nghĩa chính trị với Triều Tiên khi quốc gia này vẫn trong tình trạng chiến tranh khi chỉ có một hiệp định đình chiến nên phải chi nhiều cho quân đội. Nếu có tuyên bố kết thúc chiến tranh, Triều Tiên có thể ép quân đội cải tổ, thu nhỏ quy mô, tập trung nguồn lực vào sản xuất.

“Nếu không có tuyên bố đó thì Triều Tiên sẽ không sửa được Luật nghĩa vụ quân sự, không sửa được những thứ khác, từ đó sửa hệ thống. Vì thế, tuyên bố kết thúc chiến tranh dù chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị nhưng với Triều Tiên lại cực kỳ cần thiết nếu muốn chuyển đổi và phát triển. Không kết thúc tình trạng chiến tranh thì không thể đầu tư cho các lĩnh vực khác”, TS. Thái phân tích.

Ông cũng tiết lộ rằng hai bên đã dự thảo xong tuyên bố kết thúc chiến tranh ngắn gọn trong nửa trang nhưng đến cuối cùng, bản tuyên bố lại không được ký.

Về thiết lập quan hệ ngoại giao, Triều Tiên muốn duy trì liên lạc thường xuyên hơn trong khi Mỹ sẵn sàng đi xa hơn, tức là sẵn sàng thiết lập văn phòng liên lạc. Hai bên đã đạt được thoả thuận sẽ lập văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau. Mỹ không sẵn sàng lập Đại sứ quán nhưng sẵn sàng cử chuyên gia quân sự và cán bộ ngoại giao nằm trong văn phòng liên lạc. Tuy vậy, vấn đề này cuối cùng cũng không thành công.

Nhìn lại hội nghị Mỹ - Triều để thấy những chuyện ‘thâm cung bí sử’ 1
Bất đồng trong phi hạt nhân hóa là yếu tố khiến không có thỏa thuận nào được ký kết sau hội nghị. Ảnh: The White House

Về vấn đề phi hạt nhân hóa gói cùng dỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ đưa ra 6 điểm cụ thể.

Thứ nhất là kiểm kê đầy đủ các cơ sở hạt nhân, số lượng chủng loại đầu đạn, các phương tiện phóng, thực trạng và các địa điểm công khai và bí mật của tất cả các cơ sở hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Triều Tiên dứt khoát không chịu điểm này vì cho rằng nếu khai báo hết không khác gì “phơi lưng cho kẻ thù đánh”.

Thứ hai là thanh sát. Mỹ yêu cầu Triều Tiên chấp nhận thanh sát không giới hạn, thanh sát viên quốc tế có thể đi bất kỳ nơi đâu, kiểm tra bất cứ cái gì và được đảm bảo an ninh trong suốt thời gian ở Triều Tiên.

Thứ ba là phá huỷ tại chỗ, cái gì không thể di dời khỏi lãnh thổ được thì Triều Tiên phải phá huỷ tại chỗ, ví dụ như nhà cửa, kho tàng.

Thứ tư là chuyển khỏi Triều Tiên một số những phương tiện, nguyên liệu đặc biệt nhạy cảm như các đầu đạn hạt nhân, các phương tiện phóng, đặc biệt là tên lửa tầm xa.

Thứ năm là kiểm soát về con người. Mỹ yêu cầu Triều Tiên thống kê có bao nhiêu chuyên gia, học về cái gì, ở đâu, công tác bao nhiêu năm, gia đình thế nào.

Thứ sáu là phải có cơ chế giám sát và đảm bảo thực thi.

Đây là phương án cao nhất Mỹ mong muốn đạt được trong khi Triều Tiên chỉ muốn thực thi theo từng bước, có lộ trình mà Triều Tiên kiểm soát được.

Washing thể hiện rõ sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận đến khi nào Triều Tiên hoàn thành phi hạt nhân hoá nhưng vấn đề này có sự khác biệt trong lộ trình nên trong quá trình đàm phán, phía Mỹ có linh hoạt điều chỉnh, cho biết sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh cấm vận có tính nhân đạo và nếu Triều Tiên đi một bước có ý nghĩa thì Mỹ cũng sẽ đáp lại một bước có ý nghĩa.

Trong quá trình đàm phán, Triều Tiên đề xuất gỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận nhưng phía Mỹ có lẽ đã hiểu khác. Triều Tiên chỉ muốn cho phép thanh sát, phá hủy và dỡ bỏ cơ sở Yongbyon – điều mà cộng đồng quốc tế đã biết nhưng nước Mỹ lại tuyên bố biết từng centimet của Bình Nhưỡng. Phía Triều Tiên không công nhận danh sách mà Mỹ đưa ra nên Washington cho rằng Bình nhưỡng không chân thành.

“Một trong những nguyên nhân không đạt kết quả có lẽ vì Triều Tiên đặt kỳ vọng hơi cao, chưa hiểu hết Mỹ”, TS. Thái nhận định.

Mặc dù tuyên bố chung và tuyên bố chấm dứt chiến tranh đã được đưa ra và dự định ký nhưng đến cuối cùng, hai nhà lãnh đạo vẫn ra về tay trắng vào phút chót sau cuộc họp mở rộng 1-1 khi không đạt được mục đích của mình.

Ngoài những bất đồng còn tồn tại, sự bất ổn tại nước Mỹ trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh cũng được đánh giá là yếu tố khiến ông Trump phân tâm. Trên trang Twitter cá nhân, người đứng đầu Nhà Trắng đã nhắc tới phiên điều trần cựu luật sư của ông là Michael Cohen.

"Việc đảng Dân chủ mở phiên điều trần công khai kẻ dối trá đã bị kết tội cùng thời điểm hội nghị thượng đỉnh hạt nhân rất quan trọng với Triều Tiên có lẽ là bước lùi mới trong chính trị Mỹ và có thể góp phần vào việc “rời đi”. Đừng bao giờ làm điều đó khi Tổng thống ở nước ngoài. Thật xấu hổ!", ông Trump viết.

Trong phiên điều trần, vị cựu luật sư nói rằng ông Trump là kẻ lừa đảo, phân biệt chủng tộc và tham gia tranh cử để đánh bóng tên tuổi chứ không khiến đất nước trở nên vĩ đại.

Korea Times nhận định rằng người Mỹ đã phân tâm giữa hai sự kiện và dường như họ dành sự quan tâm lớn hơn cho mối quan hệ Trump – Cohen thay vì những động thái của ông Trump tại Hà Nội. Điều này được không ít chuyên gia nhận định là yếu tố khiến hội nghị thượng đỉnh lần này bị lu mờ đi không ít.

Cánh cửa cho những bước tiến tương lai

Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không thể kết thúc bằng một tuyên bố chung nhưng đã giúp Mỹ và Triều Tiên xích lại gần hơn và để ngỏ lần gặp tiếp theo trong tương lai.

Bên cạnh đó, đoàn Triều Tiên khi đến Hà Nội đã thăm quan rất nhiều nơi như vịnh Hạ Long, khu công nghiệp, cho thấy sự thích thú và ấn tượng lớn với sự phát triển của Việt Nam.

Nhìn lại hội nghị Mỹ - Triều để thấy những chuyện ‘thâm cung bí sử’ 2
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tổ chức tại Nhà Xanh mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cho thấy sự lạc quan đối với tương lai quan hệ Mỹ - Triều.

Hội nghị Mỹ - Triều lần hai mặc dù gây thất vọng về kết quả nhưng là cơ hội xác nhận những tiến bộ đầy ý nghĩa mà hai bên có được nhờ đối thoại”, Koreaherald dẫn lời.

“Tôi tin rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận nhưng các quan chức liên quan cần hành động sớm để nối lại đối thoại giữa hai quốc gia bởi chúng ta không muốn sự bế tắc kéo dài”, ông Moon kiến nghị.

Theo người đứng đầu Nhà Xanh, Washington và Bình Nhưỡng mặc dù không đạt được thỏa thuận nhưng không để căng thẳng leo thang và vẫn mở ra khả năng có được tiến triển trong tương lai.

Hội nghị Mỹ - Triều lần hai nhắc tới triển vọng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon một cách vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ bước vào quá trình phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược.

Tổng thống Hàn Quốc trước đó đã đề xuất với Mỹ sử dụng hợp tác kinh tế liên Triều thông qua nối lại hoặc tái khởi động các dự án hợp tác giữa hai miền bán đảo nhằm đổi lại tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tuy vậy, đây vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho những nỗ lực và nhượng bộ của cả hai bên.