Những doanh nghiệp ngược dòng trong đại dịch Covid-19

Đặng Hoa - 09:06, 03/04/2020

TheLEADERGiữa đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp đều rơi vào khủng hoảng, nhưng vẫn có những doanh nghiệp không những duy trì được hoạt động, tăng trưởng mà còn đảm bảo 100% nhân viên không mất việc làm.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm, FPT hiện có khoảng 36.000 người lao động. Khi nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ cao bị phá sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, lãnh đạo của gần bốn vạn con người khẳng định, dịch Covid-19 không cướp được công việc của bất kỳ ai ở FPT.

Để làm được điều này, ông Bình cho biết phải tìm được những cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch. Cơ hội thứ nhất, theo vị doanh nhân này, là tận dụng điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam lúc này để đẩy mạnh hoạt động ở các thị trường truyền thống.

Những doanh nghiệp ngược dòng trong đại dịch Covid-19
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Ông Bình chỉ ra, Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia xuất sắc trong công tác kiểm soát dịch bệnh trong khi Ấn Độ thì không, Trung Quốc lại là “thương hiệu Covid”. 

“Lúc này mình xông lên. Tôi chỉ cần một miếng bánh nhỏ của Ấn Độ là tôi nuôi anh em tốt. Ở các thị trường truyền thống không có khả năng chống dịch như chống giặc thì đều có cơ hội”, ông Bình nói tại sự kiện về chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch Covid-19 do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức.

Chủ tịch FPT cho biết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các đối tác của ông đang đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng kịch bản khác nhau. Kế hoạch A là duy trì mối quan hệ làm ăn với các đối tác cũ, nhưng kế hoạch này chắc chắn bị huỷ bỏ do tình hình dịch bệnh. Vì vậy, các doanh nghiệp này chuyển sang kế hoạch B là chọn hợp tác với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng ổn định, giao hàng đúng chất lượng...

Nhờ Việt Nam thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh nên công ty phần mềm như FPT cũng được đảm bảo, không bị vướng các vấn đề về xã hội. Hiện nay, FPT đang trình bày với các đối tác về khả năng đáp ứng những yêu cầu theo kế hoạch B, kể cả khi nhu cầu có tăng đột biến. Ông Bình tiết lộ, thông điệp này đang được khách hàng của FPT chào đón. Việc trao đổi, gặp gỡ với đối tác toàn cầu trong mùa dịch cũng không gặp vấn đề gì khi FPT đã cho toàn bộ nhân viên chuyển sang hình thức làm việc tại nhà với sự hỗ trợ của công nghệ.

Việc tìm cơ hội tại thị trường truyền thống như Trung Quốc cũng được nhiều doanh nhân khẳng định. Như nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, thị trường Trung Quốc đang bắt đầu “yên ổn” và tăng cường sản xuất. Ông Hùng cho rằng, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng các bộ, ngành liên quan cần “mở toang” cánh cửa thị trường này, nhất là về nông sản và trái cây để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó ông Hùng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký, trong một vài tháng tới sẽ được thông qua tại Quốc hội nên đây cũng là một thị trường cần tập trung và chuẩn bị ngay dù hiện tại tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu đang khá phức tạp.

Cơ hội thứ hai cần nắm bắt, theo Chủ tịch FPT là chuyển từ ngoại sang nội. Trước đây, nhiều người tiêu dùng Việt khá ưa chuộng đồ nhập ngoại, nhưng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến công tác kho vận cũng như việc sản xuất của các doanh nghiệp trên thế giới nên nhu cầu của người tiêu dùng đều chuyển sang đồ trong nước. Ông Bình dự đoán, các doanh nghiệp còn khoảng 9-12 tháng để khai thác nên phải cố gắng làm thật nhanh.

“Trong cuộc chiến chống Covid-19, yếu tố quan trọng nhất là người chỉ huy, phải dự báo trước tình hình, một người lo bằng kho người làm, phải làm nhanh, quyết liệt bởi chậm là chết. Đối thủ các nước đang hoảng loạn trong khi đội ngũ của ta đã sẵn sàng, có tướng, có quân, xông lên”, ông Bình nói.

Nói về tốc độ, có thể đề cập đến Tập đoàn Hùng Nhơn với các phương án được triển khai khẩn trương để vừa đảm bảo an toàn cho 1.400 người lao động làm việc tại các nhà máy và gia đình của họ cũng như nâng cao năng suất của người lao động, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp này tổ chức tập trung toàn bộ hệ thống, kể cả các bộ máy gián tiếp hay trực tiếp, đều làm việc ở trang trại, cách ly với khu vực bên ngoài. Các trang trại của Hùng Nhơn có diện tích rất lớn, thông thoáng và có các khu vực sát trùng nên đảm bảo an toàn.

Để dịch Covid-19 không cướp được việc làm của bất kỳ ai
Trong mùa dịch Covid-19, Tập đoàn Hùng Nhơn đẩy mạnh tăng năng suất người lao động

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, hiện doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường các khu vực 100 tấn hàng mỗi ngày, 20.833 tấn heo và 1 triệu quả trứng mỗi tháng. Dự kiến trong ba đến sáu tháng tới sẽ tăng trưởng khoảng 3 - 5%.

Để đảm bảo kế hoạch tăng năng suất, ông Hùng cho biết đã thực hiện thực hiện các biện pháp tốt nhất để tăng năng suất cho toàn bộ công nhân và tăng quy mô của công ty. Toàn bộ lao động ở hai công ty chuyên về xuất nhập khẩu và thương mại của công ty này được đưa về trang trại để tập trung sản xuất, đầu tư tăng năng suất cho công ty về chăn nuôi.

Đặc biệt, mức lương thưởng của người lao động ở Hùng Nhơn được giữ vững, thậm chí còn đưa ra các chương trình thưởng KPI để 100% cán bộ, nhân viên yên tâm làm việc tại trụ sở. Doanh nghiệp này còn cho xây thêm nhà ở cho công nhân trong trang trại để đưa gia đình vào ở cùng. Tuy nhiên ông Hùng nhận định, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài hơn sáu tháng thì doanh nghiệp sẽ gặp khó.

“Mặc dù là thời điểm dịch bệnh nhưng cũng là cơ hội để cấu trúc lại toàn bộ hệ thống và làm những gì tốt nhất, nâng cao năng suất lên trên 90%; xây dựng và thực hiện các biện pháp chủ động”, ông Hùng nói.