Những ngân hàng bị kiểm toán lưu ý nợ xấu

Trần Anh - 12:39, 10/04/2020

TheLEADERCác khoản nợ xấu, lãi dự thu nếu được trích lập dự phòng đầy đủ sẽ giảm đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2019, phần lớn được kiểm toán chấp nhận toàn phần. Tuy nhiên vẫn có những ngân hàng bị lưu ý các vấn đề liên quan đến nợ xấu, các khoản lãi phải thu.

Đáng chú ý, Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam (AFC) đưa ra một loạt lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Theo đó, AFC nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình nợ xấu của NCB. Cụ thể, công ty kiểm toán cho biết các thuyết minh về chính sách kế toán đối với cho vay khách hàng, hoạt động mua bán nợ, về chính sách kế toán bán nợ cho VAMC theo Nghị quyết 42. Việc ghi nhận các khoản chênh lệch giữa bán nợ với giá gốc, thoái lãi dự thu của các khỏan nợ đã bán trước ngày 31/12/2016 sẽ được phân bổ dần vào kết quả kinh doanh với mức tối thiểu bằng với chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh năm.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận các khoản đầu tư dài hạn, vốn chủ sở hữu, khoản lợi nhuận chưa phân phối, phân loại nợ vay, trích lập dự phòng cụ thể, dự phòng đầu tư của các khách hàng cũ, các khoản khác trước giai đoạn tái cấu trúc sẽ dược xử lý dần theo năng lực tài chính của Ngân hàng đến năm 2028. Các chính sách này nằm trong đề án tái cơ cấu lại ngân hàng đã được phê duyệt cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, Công ty kiểm toán AFC Việt Nam cũng lưu ý các khoản lãi dự thu của khoản nợ xấu đã bán cho các tổ chức mua bán nợ đã ghi nhận từ ngày 1/1/2017 đến nay không thỏa điều kiện quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã được lập kế hoạch thoái trong “phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xáu giai đoạn 2019 – 2020” của ngân hàng. Tính đến cuối tháng 12/2019, khoản lãi dự thu của NCB đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước đó.

NCB là một trong số những tổ chức tín dụng bị buộc phải tiến hành tái cơ cấu. Thay vì sáp nhập, năm 2014, ngân hàng chọn phương án tự tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay hoạt động tái cơ cấu tại NCB vẫn chưa hoàn thành khi các khoản nợ xấu vẫn cần xử lý đặc biệt theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Một ngân hàng khác cũng bị kiểm toán nhắc nhở đó là Eximbank. Công ty kiểm toán KPMG không có ý kiến ngoại trừ nhưng đã lưu ý Eximbank về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu 746 tỉ đồng của 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank.

Khoản nợ này hiện đang được Eximbank xếp vào nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn và được ngân hàng trích lập dự phòng 43,2 tỷ đồng. Hiện tại, Eximbank vẫn được giữ nguyên nhóm nợ nên chưa phải trích lập dự phòng thêm cho khoản nợ này.

Tuy nhiên, nếu Eximbank thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ theo Thông tư 02 và 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tăng lên 175 tỷ đồng và khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm đi 140 tỷ đồng.

Cũng liên quan tới cổ phiếu Sacombank, một ngân hàng khác là Kiên Long Bank cũng bị kiểm toán nhắc nhở.

Công ty kiểm toán A&C lưu ý thuyết minh về việc phân loại xử lý các khoản cho vay và lãi dự thu liên quan đến một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác. Chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên 75,3 tỷ đồng.

Kiên Long Bank cho biết năm 2019, ngân hàng phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước đối với các khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Được biết, các khoản cho vay của các khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank trị giá hơn 1.898 tỷ đồng

Đầu năm 2020, Kienlongbank đã chào bán 176.373.887 cổ phần Sacombank với giá chào bán khởi điểm 24.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị hơn 4.224 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu Sacombank trên thị trường chứng khoán.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 được tổ chức hôm 27/3, ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận đạt 750 tỷ, gấp gần 9 lần năm 2019 và gấp 2,6 lần năm 2018, chủ yếu dựa trên cơ sở xử lý xong tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.