Những tỷ phú tài trợ nghiên cứu điều trị ung thư tại Việt Nam và Thế giới

Hường Hoàng - 17:43, 20/06/2022

TheLEADERNhân sự kiện Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, do tỷ phú dầu mỏ Rockefeller sáng lập và tài trợ, có kết quả thử nghiệm ấn tượng một loại thuốc chữa ung thư mới, TheLEADER ghi lại các tấm gương tỷ phú tiêu biểu tài trợ cho hoạt động nghiên cứu điều trị căn bệnh nan y này, trong đó có tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam.

Những tỷ phú tài trợ nghiên cứu điều trị ung thư tại Việt Nam và Thế giới
Gia đình Rockefeller đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và điều trị ung thư trên thế giới (STIDIO)

Ngoài hệ thống y học công, nhiều tỷ phú đã tham gia tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và điều trị ung thư thông qua các quỹ, các bệnh viện, viện y sinh và các trường đại học trên thế giới.

Truyền thống tài trợ ung thư qua nhiều thế hệ của nhà Rockefeller

Một trong số đó là hoạt động tài trợ kéo dài hàng trăm năm trời của gia đình vua dầu mỏ Rockefeller cho Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering – trung tâm vừa thử nghiệm thành công loại thuốc điều trị ung thư trực tràng thời gian gần đây.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gia đình Rockefeller là một trong những gia đình giàu có và quyền lực nhất của nước Mỹ. Năm 1916, John Rockefeller Dr (Rockefeller cha) đã trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ với tài sản chiếm tới gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì hiện tại, gia tài của ông thậm chí còn có thể vượt qua cả Elon Musk – tỷ phú giàu nhất thế giới.

Gia đình ông tài trợ tiền cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khoa học công nghệ cho đến bình đẳng giới và y học. Nhưng lần đầu tiên gia đình Rockefeller quan tâm đến việc nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư bắt nguồn từ một câu chuyện buồn của cậu con trai duy nhất trong gia đình – John Rockefeller Jr (Rockefeller con).

Sau khi một người bạn của John D. Rockefeller Jr. mất vì ung thư, ông đã thúc giục cha mình - John Rockefeller Sr. trở thành một nhà tài trợ lớn của Bệnh viện Memorial. Memorial là bệnh viện đầu tiên ở Hoa Kỳ được xây dựng chỉ dành riêng cho hoạt động điều trị ung thư. Năm 1939, bệnh viện di chuyển về phía đông, đến mảnh đất do John D. Rockefeller Jr. tặng trên Đại lộ York và xây dựng trụ sở tại nơi đây.

Năm 1945, Charles Kettering và Alfred Sloan, những lãnh đạo nổi tiếng của hãng xe General Motors, đã quyên góp tiền để mở rộng khuôn viên và xây dựng Viện Sloan-Kettering ở bên cạnh bệnh viện Memorial, từ đó thành lập Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering (MSKCC). Và trung tâm này đã trở thành một trong những trung tâm ung thư đầu tiên của nước Mỹ thời bấy giờ.

Không lâu sau đó, năm 1947, con trai thứ ba của John Jr. là Laurance S. Rockefeller (Rockefeller cháu) đã tham gia hội đồng quản trị của MSKCC và sau đó giữ chức chủ tịch của trung tâm này trong vòng 22 năm.

Với niềm tin rằng nghiên cứu khoa học cơ bản là chìa khóa cho sự tiến bộ xã hội và phát triển con người, năm 1901, gia đình Rockefeller cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu Y khoa Rockefeller, nay là Đại học Rockefeller, với mục đích sử dụng khoa học y sinh để hiểu và chiến thắng bệnh tật. Phương châm của đại học này là "Làm khoa học vì lợi ích của nhân loại".

Bill Gates và hoạt động tài trợ ung thư trải dài hơn 2 thập kỷ

Ngoài gia đình Rockefeller, rất nhiều tỷ phú khác trên thế giới cũng chăm chỉ tham gia vào hoạt động tài trợ nghiên cứu điều trị bệnh ung thư.

Bill Gates là một ví dụ điển hình trong số đó. Ngay từ năm 1999, Chủ tịch Microsoft Bill Gates và vợ cũ Melinda đã đầu tư 50 triệu USD nhằm ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở các nước đang phát triển. Khoản tài trợ có thời hạn 5 năm này được trao cho Liên minh Phòng chống Ung thư Cổ tử cung để đánh giá các công nghệ và phương pháp tiếp cận nhằm sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, đồng thời đánh giá tính an toàn và hiệu quả chi phí của các hệ thống cung cấp dịch vụ thay thế.

Năm 2016, ông cùng với tỷ phú Jeff Bezos đầu tư một khoản tiền trị giá 100 triệu đô la vào một công ty khởi nghiệp nghiên cứu ung thư tên là Grail. Hai vị tỷ phú đã và đang hợp tác với Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering để hỗ trợ Grail biến các xét nghiệm máu đơn giản thành một phương pháp khả thi để phát hiện nhiều loại ung thư.

Vingroup tiên phong trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư mang tầm quốc tế tại Việt Nam

Tại Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng là một người rất trăn trở với hoạt động nghiên cứu và điều trị ung thư. Thông qua Vingroup, ông đã tài trợ và đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này.

Đầu tiên, đánh dấu cho sự quan tâm đến lĩnh vực y học của Vingroup phải kể đến sự thành lập của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vào năm 2012. Không lâu sau đó, năm 2014, Vinmec thành lập Trung tâm ung bướu quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và chuyên sâu tiếp cận đa chuyên khoa, Trung tâm Ung bướu Quốc tế Vinmec đã góp phần trong việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện và mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư Việt Nam được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại của thế giới, với trình độ chuyên môn mang tầm quốc tế ngay trong nước.

Không những thế, với mong muốn ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu về sinh học phân tử, di truyền tế bào để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến đột biến gen và ung thư, Vinmec cũng đã khai trương Trung tâm Tế bào gốc và công nghệ gen với tổng đầu tư ban đầu là 55 tỷ đồng. Trong đó, có các ứng dụng gen phục vụ chẩn đoán lâm sàng như: phát hiện sớm dị tật thai nhi và đột biến gen, giảm tỉ lệ tử vong và dị tật bẩm sinh; chẩn đoán các bệnh lý di truyền; chẩn đoán ung thư hỗ trợ điều trị; lựa chọn người cho - nhận trong ghép tạng, ghép tủy...

Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup và Hệ thống Y tế Vinmec còn ký kết hợp tác với Đại học Pensylvania (PENN – Top 8 đại học tinh hoa hàng đầu nước Mỹ) nhằm xây dựng chuyên khoa ung bướu Vinmec trở thành Trung tâm xuất sắc (Center of Excellence – COE). Đây là mô hình “Trung tâm xuất sắc” đầu tiên tại Việt Nam được triển khai với sự tham gia chủ trì của các giáo sư, chuyên gia uy tín hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, Vingroup cũng thông qua những công ty con như Vin Bigdata, Viện nghiên cứu Vin AI, VinBrain để hoàn thiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt”, từ đó giải trình tự hơn 1.000 hệ gen, phát hiện hơn 40 triệu biến thể di truyền. Nghiên cứu này không chỉ mở ra bộ cơ sở dữ liệu quý cho cộng đồng mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển của nghiên cứu y sinh và y học chính xác, góp phần cảnh báo điều trị sớm chẩn đoán và điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch, tiểu đường… đến từng cá nhân người Việt trong tương lai.

Về hoạt động từ thiện, trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) cùng với các bệnh viện và quỹ khác cũng đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ sàng lọc và điều trị ung thư dành cho bệnh nhân nghèo. Trong đó, Quỹ Thiện Tâm tài trợ hơn 10 tỷ đồng để tầm soát, phát hiện sớm ung thư; hỗ trợ chi phí điều trị hơn 300 ca bệnh ung thư và khoảng 130 ca ghép tạng tại Vinmec.

Lời kết

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới. Chính vì thế, ngoài các bệnh viện và trung tâm nghiên cứu y, sinh học thuộc hệ thống y tế công, ngày càng có nhiều tỷ phú tham gia vào hoạt động nghiên cứu và điều trị ung thư. Hi vọng với sự đầu tư đáng kể, con người sẽ sớm tìm ra loại thuốc và phương pháp điều trị thích hợp để chữa trị căn bệnh này.