“Ông tơ cùng nhau”

Quỳnh chi - 08:00, 27/01/2023

TheLEADERCó duyên làm “ông tơ” kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là Singapore, suốt nhiều thập kỷ qua, ông Teng Theng Dar, Chủ tịch Hội Doanh nhân châu Á lại thêm thấm thía giá trị của hai chữ “cùng nhau” khi đẩy mạnh hợp tác với Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD).

“Ông tơ cùng nhau”
Ảnh: Tâm Nguyễn

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Ấn tượng từ những chuyến đi “xe tơ”

Nhìn xuống con phố Nguyễn Huệ sầm uất và tràn đầy năng lượng của giới trẻ từ cửa sổ căn phòng khách sạn 5 sao tọa lạc nơi trung tâm TP.HCM trong một buổi sáng cuối thu, ông Teng Theng Dar, Chủ tịch Hội Doanh nhân châu Á (AEX), nhớ lại chuyến đi đầu tiên từ Singapore đến Việt Nam tròn 30 năm về trước. Đó là chuyến đi gặp gỡ đối tác xuất khẩu và tìm hiểu thông tin để xây dựng cơ sở sản xuất khi vẫn còn làm cho một doanh nghiệp thực phẩm của Indonesia.

Một khung cảnh quá đỗi khác biệt! Năm 1992 là thời điểm mà hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) còn chưa chính thức được hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không. Bước chân xuống từ chuyến bay thuê chuyến charter, lần đầu tiên ông được khám phá Việt Nam. Vài năm sau Đổi Mới, đường phố Sài Gòn (TP.HCM) có rất nhiều xe đạp, đa phần là khách sạn nhỏ mà chưa có các thương hiệu quốc tế.

Thế mà giờ đây, Vietnam Airlines cùng các hãng bay khác đang ngày đêm làm cầu nối đưa hàng chục triệu khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm, bao gồm cả các doanh nhân nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư. Sau chiếc video hướng dẫn an toàn bay của hãng hàng không quốc gia còn là một câu chuyện về một Việt Nam đầy bản sắc, hài hòa và năng động.

Việt Nam ngày càng tạo ấn tượng tốt trong trái tim của các vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong mỗi chuyến đi đến Việt Nam, ông đều cập nhật hình ảnh cho người thân trong gia đình, không quên nhấn mạnh sự năng động và nguồn năng lượng lớn cùng nhiều tiềm năng phát triển ở đây.

“Tôi có cảm giác như mình được nạp thêm năng lượng trong mỗi chuyến đi”, vị khách đến từ Singapore chia sẻ.

Cách nơi ở không xa, ông quan sát thấy một loạt thương hiệu khách sạn mang đẳng cấp quốc tế như Sheraton, Park Hyatt, Rex Saigon và cả Lotte là nơi mà chỉ vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ông đã đưa một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp của Singapore qua tham dự Hội nghị cấp cao CFO Việt Nam do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO) thuộc Hội VACD tổ chức.

Ông cảm thấy vui và phấn khích vì trên cương vị là Chủ tịch của Hội Doanh nhân châu Á và thành viên Hội đồng cố vấn của Liên minh kinh doanh Trung Quốc – ASEAN (CABA), ông được chứng kiến và đồng hành với nhiều hoạt động quan trọng của VACD thời gian qua cũng như hợp tác sâu rộng với chiến lược hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới của tổ chức này.

“Mọi chuyến đi đến Việt Nam với tôi đều rất tuyệt, tôi khám phá những thứ mới và học được nhiều điều”, ông Teng không giấu được sự hào hứng trong lần đến thăm Việt Nam tháng 11/2022 trên cương vị đối tác của VACD. Những chuyến đi đó cũng chính là cơ hội để ông Teng theo sát sự phát triển, chuyển mình của TP.HCM và Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Ông tơ cùng nhau”
Hội nghị cấp cao CFO Việt Nam do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO) thuộc Hội VACD tổ chức

Trong chuyến đi ba thập kỷ trước, ông chỉ hoàn thành được mục tiêu tìm kiếm đối tác xuất nhập khẩu. Mục tiêu còn lại về mở cơ sở sản xuất đã không thể triển khai vì còn có quá nhiều vướng mắc và thiếu rõ ràng về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là rào cản về mặt ngôn ngữ, không chỉ dành cho giao tiếp, thảo luận mà còn để tìm kiếm thông tin về Việt Nam.

“Khi đến cơ quan này thì họ bảo có trong khi sang cơ quan khác thì lại bảo không, sự nhập nhằng giữa ‘yes’ và ‘no’ là thứ khiến chúng tôi phải bối rối khi mới đầu vào tìm hiểu Việt Nam lúc bấy giờ”, ông Teng nhớ lại.

Mọi thứ đã dần thay đổi. Trong chuyến đi đến Đà Nẵng vào năm 2009 để dẫn dắt kỳ họp thứ ba của Hội đồng Tư vấn kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương (ABAC) trên cương vị Chủ tịch ABAC 2009 kiêm Giám đốc điều hành Liên đoàn các doanh nghiệp Singapore (SBF) là đơn vị tương đương với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Teng đã tin tưởng nhấn mạnh, Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn vì kinh tế sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong nhiều năm nữa. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Chuyến đi của ông Teng năm đó trong vai trò lãnh đạo của một tổ chức mang tầm vóc khu vực đã mang theo lãnh đạo doanh nghiệp các nước, trong đó có Singapore, đến với Việt Nam để chứng kiến một Việt Nam đang từng bước chuyển mình và đầy hứa hẹn, đồng thời giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các cơ hội hợp tác quốc tế đang mở ra.

Trong đó, bà Chong Siak Ching, Chủ tịch của Ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc điều hành APEC đồng thời là Chủ tịch Ascendas – một trong các cổ đông đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) tại Bình Dương, cũng tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư sang lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam bên cạnh nhiệm vụ quảng bá cho hội nghị ở Singapore diễn ra vài tháng sau đó.

Theo ông Teng, trước đây, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mất rất nhiều thời gian để có thể tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh. Giờ đây, mọi thứ đã rõ ràng hơn rất nhiều, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để mời gọi các nguồn đầu tư nước ngoài ngày càng có chất lượng. Ông đánh giá cao tư duy làm việc của chính quyền ‘trước hết là vì lợi ích của người dân’.

“Chẳng hạn, với những lộ trình cụ thể mà Chính phủ đã đặt ra để hướng đến một nền kinh tế xanh và bền vững, tôi thấy triển vọng tốt cho tương lai của Việt Nam. Mặc dù phải thừa nhận rằng mọi thứ không thể hoàn hảo nhưng cũng là những bước đi rất đáng ghi nhận. Đó là yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Teng nhận định.

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22 tỷ USD. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đến lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đan Mạch…

‘Cùng nhau vươn xa’

Hết nhiệm kỳ ở ABAC, ông Teng lại bắt đầu một hành trình mới với những dự án khởi nghiệp của riêng mình ở độ tuổi đã gần 60. Với những kinh nghiệm về hợp tác quốc tế, trong hành trình mới, ông tiếp tục lựa chọn chiến lược hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam mà nổi bật gần đây là với Hội VACD, sau cơ duyên gặp gỡ với ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch VACD kiêm Chủ tịch VCFO.

Những trải nghiệm rất tích cực với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ thời điểm đó càng minh chứng những nhận định và niềm tin của ông là đúng đắn. Các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập ngày càng nâng cao được năng lực, hướng đến tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là về quản trị doanh nghiệp.

Qua tiếp xúc, ông ấn tượng với khát khao được học hỏi của các nhà lãnh đạo trẻ ở Việt Nam. Việt Nam cũng là một quốc gia nổi bật trong khu vực về đổi mới sáng tạo, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công nghệ và các xu hướng mới đang phát triển như vũ bão.

Điều đáng nói ở đây là tinh thần phát triển của cộng đồng doanh nghiệp dường như song hành với tinh thần của việc phát triển đất nước – hiện đại hóa và hội nhập nhưng vẫn luôn bảo tồn và phát huy các di sản, các giá trị truyền thống đã làm nên bản sắc của một Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử.

“Nhiều người nói làm kinh doanh thì phải hướng đến lợi nhuận, tiền bạc. Chẳng có gì sai cả. Nhưng nếu chỉ lợi nhuận không thôi thì không bền. Những bài học đã được rút ra từ sai lầm của quá khứ, chúng ta không thể đánh đổi chỉ vì mỗi giá trị kinh tế mà song song đó phải đảm bảo cân bằng các trụ cột về môi trường và xã hội”, ông Teng nói.

“Ông tơ cùng nhau” 1
Ông Teng Theng Dar, Chủ tịch Hội Doanh nhân châu Á

Việc kinh doanh trên tinh thần tôn trọng di sản là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp không đi chệch hướng. Phát triển phải hướng đến bền vững, đó là giá trị cốt lõi.

Nhớ lại thời còn làm việc cho một công ty hóa mỹ phẩm của Nhật Bản, ông vẫn không quên được chữ “sạch” đã trở thành giá trị cốt lõi của tổ chức từ những ngày đầu thành lập năm 1887. Sạch không chỉ trong giá trị sản phẩm mà còn trong cách làm, trong tiếp thị, không gian dối với khách hàng. Chữ sạch được đưa vào trong mọi ngóc ngách, trong từng hơi thở của doanh nghiệp.

Mặc dù Singapore đang phát triển ở một giai đoạn khác Việt Nam nhưng ông Teng nhận thấy những điểm tương đồng giữa hai nền kinh tế - đều trải qua những giai đoạn rất khó khăn, đều có những người ham học hỏi, đều hướng về thế hệ tương lai… Với những tương đồng của hai nền kinh tế trong cùng khu vực, ông cho rằng Việt Nam và Singapore và rộng hơn là các nước trong khu vực Đông Nam Á cần nắm tay cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn, cùng nhau phát triển và cùng nhau đi xa, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội.

“Tôi làm kinh doanh ở Singapore nhưng mà các nhân sự tiềm năng của tôi thì ở Hà Nội, đối tác của tôi ở Việt Nam”, ông Teng lấy ví dụ.

Hai chữ “cùng nhau” được ông Teng nhấn mạnh bởi từ kinh nghiệm của chính mình và của cộng đồng doanh nghiệp Singapore thì đó là từ khóa để họ vượt qua mọi khủng hoảng và vươn lên mạnh mẽ, từ chính phủ cho đến các doanh nghiệp và người lao động đều xác định rằng “nếu không thể làm việc cùng nhau thì sớm muộn cũng gặp khủng hoảng”. Họ cùng ngồi lại, thảo luận và tìm được sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề chung.

Hai chữ “cùng nhau” không chỉ phát huy tác dụng trong bối cảnh khó khăn mà còn là yếu tố quan trọng để có thể phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới.

Đó cũng là lý do ông cùng các tổ chức mà ông làm lãnh đạo đang đẩy mạnh kết nối và hợp tác trong khu vực, đặc biệt là với Hội VACD. Chiến lược của ông là “chậm mà chắc”, bắt đầu từng bước nhỏ nhưng chắc chắn. Trong hợp tác giữa CABA và AEX với VACD, trước mắt sẽ xây dựng sự thấu hiểu sâu sắc hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore trước khi lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp các nước.

Đặc biệt, họ sẽ tập trung hỗ trợ kết nối kinh doanh và nâng cao năng lực cho các nhà quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bởi họ đang thiếu thốn đủ điều, từ nguồn lực cho đến kiến thức, kinh nghiệm, năng lực về công nghệ và quản trị, và cả cơ hội. Cái giá phải trả cho những sai lầm đáng tiếc có thể được giảm bớt rất nhiều nếu học được từ kinh nghiệm của người khác.

“Đi một mình sẽ khó thành công và bền vững. Cùng nhau chia sẻ giá trị và hướng đến mục tiêu chung, cùng hướng đến tương lai bền vững và cùng nhau hy vọng bởi đó là động lực để các lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm tốt hơn”, ông Teng nói.

Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 7/2022, nói chuyện với cộng đồng các nhà quản trị doanh nghiệp tại sự kiện kỷ niệm 15 năm thành lập Hội VACD tại Hà Nội, ông Teng đã cho rằng: những tiềm năng hợp tác sâu rộng còn mở ra phía trước giữa các doanh nhân Việt Nam và Singapore; đặc biệt là hai nước đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại với điểm mốc năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thực tế những thập niên vừa qua đã minh chứng cho thấy sự hợp tác rất hiệu quả, chặt chẽ giữa 2 nước, 2 nền kinh tế mà trong đó, Singapore có vai trò như là một cổng kết nối quan trọng với các nguồn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.