Phát hiện và tiêu hủy ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại TP. HCM

Minh Triết - 09:58, 12/06/2019

TheLEADERNgay khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên, cơ quan chức năng tiêu hủy 163 con heo, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh, có bán kính 3 km.

Chiều 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại nhà bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9). Đàn heo có triệu chứng điển hình của dịch tả, kết quả mẫu xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Chi cục Thú y, chăn nuôi phối hợp UBND quận 9 đã tiêu hủy 163 con heo, toàn bộ thức ăn thừa của đàn heo nhà bà Cẩm, rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, hố chôn và sẽ tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày tiếp theo kể từ ngày xử lý heo bệnh. Hai chốt chặn đã được lập nơi ra vào khu vực. Hiện, phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi heo, tổng đàn hơn 500 con. 

Lực lượng chức năng đã cấp thuốc cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục 7 ngày, tiêu độc định kỳ 3 lần một tuần, kéo dài trong 3 tuần. Các hộ không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày. Đối với 29 hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp (bán kính 3 km tính từ nhà bà Cẩm) gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2) với tổng đàn 2.422 con, cũng được cấp thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ trong 4 tuần.

TP. HCM phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên
Đàn heo bị dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại TP.HCM bị phát hiện trên địa bàn quận 9

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, hộ bà Cẩm không dùng cám công nghiệp mà sử dụng thức ăn thừa từ các quán ăn. Tuy nhiên, nguyên nhân heo bị nhiễm bệnh vẫn đang điều tra. Hiện ổ dịch đã được khống chế và ngành chức năng đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực xung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Tại những cuộc họp với các sở ngành, lãnh đạo UBND TP.HCM luôn yêu cầu quyết liệt trong việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Thậm chí ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP.HCM còn yêu cầu ngoài việc kiểm soátchặt chẽ nguồn heo từ các tỉnh thành vận chuyển vào thành phố thì quận, huyện nào để xảy ra tình trạng lò mổ trái phép hoạt động thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Để duy trì giá cả ổn định, đảm bảo nguồn cung thịt heo, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết đơn vị đã làm việc với 3 nhà cung cấp lớn để nắm nguồn hàng nhằm chủ động khi cần thiết.

TP. HCM phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên 1
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng ở khu vực phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi

Ngoài ra, theo ông Kiên thì công ty Vissan đã thu mua dự trữ khoảng 3.000 tấn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng chuẩn bị sẵn hàng ngàn con heo thịt, giống.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM, thành phố là một trong những địa phương tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước với số lượng khoảng 10.000 con mỗi ngày (tương đương với 800 tấn).

“Trường hợp thị trường thịt biến động lớn, TP.HCM sẽ nhập khẩu thịt từ các nước lân cận. Sở Công thương cũng làm việc với các đơn vị chăn nuôi gà để chuẩn bị nguồn hàng, phòng trường hợp người dân lo sợ dịch sẽ chuyển sang ăn thịt gia cầm”, ông Kiên nói.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ thay thế cho các nội dung tại Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Cụ thể, bộ này đề nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành); 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành).

Vì việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương.

Bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội... Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500.000 đồng/con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.

Các địa phương đều tán thành các đề xuất này và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gấp rút quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai tới các hộ dân, cơ sở chăn nuôi lợn.

Tại cuộc họp về phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương trong xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ vật nuôi tiêu huỷ theo tỉ lệ phần trăm giá thành; bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tố tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).

TP.HCM phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên 2
Khu vực TP.HCM phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên nằm gần với địa bàn tỉnh Đồng Nai

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu huỷ phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị dự thảo Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ để xử lý công việc, trong đó đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có heo bị dịch.

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xác định, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Từ năm 2017 đến nay hơn 20 quốc gia có dịch bệnh. Riêng tại Trung Quốc có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh, tiêu hủy hơn 950.000 con heo.

Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh thành. TP.HCM là địa phương thứ 55 trong cả nước có dịch bệnh. Hơn 2,2 triệu con lợn đã bị tiêu huỷ, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng (bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng...).