Phở Thìn: Nhượng quyền nhãn hiệu mình không sở hữu?

Hường Hoàng - 07:36, 24/02/2023

TheLEADERMới đây, mạng xã hội đang xôn xao về vụ việc tranh chấp thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nổi tiếng. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào? Và nhãn hiệu của thương hiệu đang do ai nắm giữ?

Phở Thìn: Nhượng quyền nhãn hiệu mình không sở hữu?
Ông Đoàn Hải Trung là người đang sở hữu 3 công ty lớn thuộc "hệ sinh thái Phở Thìn" (Ảnh: Fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc)

Hai bên tranh chấp bao gồm ông Đoàn Hải Trung là người đại diện pháp luật và có vốn góp lớn tại 3 công ty liên quan đến "hệ sinh thái Phở Thìn" và ông Nguyễn Trọng Thìn - nhà sáng lập của thương hiệu này.

Hai bên tranh chấp, nhiều bên liên quan

Mặc dù sự việc có tất cả 2 bên tranh chấp, nhưng có thể dễ dàng thấy rằng, rất nhiều “doanh nghiệp Phở Thìn” có thể liên quan. Dạo một vòng quanh trang tra cứu nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, có thể thấy có 5 doanh nghiệp khác nhau đang cùng đăng ký nhãn hiệu Phở Thìn.

Tuy vậy, chúng ta sẽ tập trung vào 3 doanh nghiệp kinh doanh Phở Thìn liên quan đến vụ việc đang được tranh cãi: Phở Thìn Lò Đúc (ra đời năm 1979), hệ sinh thái Phở Thìn  (do ông Đoàn Trung Hải làm CEO) và Phở Thìn nắm giữ nhãn hiệu hình đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Phở Thìn: Hai công ty tranh chấp đều không sở hữu nhãn hiệu
Ông Nguyễn Trọng Thìn bên quán Phở Thìn 13 Lò Đúc

Năm 1979, ông Nguyễn Trọng Thìn đã lập cửa hàng phở Thìn từ một hàng phở nhỏ tại số 13, Lò Đúc. Quán phở của ông tập trung vào món phở tái lăn đi kèm với nước dùng vị ngọt thanh chuẩn phở Hà Nội. Đây là món phở đặc biệt được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích.

Mới đây, truyền thông lại đưa tin: Phở Thìn 13 Lò Đúc có “truyền nhân” là doanh nhân trẻ Đoàn Trung Hải (sinh năm 2001, đã tốt nghiệp chuyên ngành Luật). Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nhân này đang là đại điện pháp lý và có vốn góp lớn tại 3 công ty liên quan đến “hệ sinh thái phở Thìn”.

Phở Thìn: Hai công ty tranh chấp đều không sở hữu nhãn hiệu 1
3 công ty liên quan đến tranh chấp thương hiệu "Phở Thìn" (Ảnh: Cafe F)

Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội (địa chỉ số 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành lập ngày 13/01/2021, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng. Trong đó, ông Thìn góp 51% vốn (hơn 5 tỷ) còn lại là phần vốn góp của ông Trung. Tại đây, ông Thìn là Chủ tịch Hội đồng thành viên còn Trung nắm giữ vai trò Giám đốc.

Còn Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội thành lập ngày 20/1/2022 với vốn điều lệ 500 triệu đồng, ông Thìn và ông Trung mỗi người đóng góp 50%.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn VieThin chỉ mới thành lập đầu năm nay (từ 16/1/2023). Trụ sở đặt tại toà nhà Việt Á, phố Duy tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Phở Thìn 13 Lò Đúc liên tiếp mở cửa hàng mới tại một số tỉnh, thành tại Việt Nam như Hải Dương, Tp.HCM, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hải Phòng, đồng thời tái mở chi nhánh ở Australia.

Các cửa hàng đều có quy mô lớn, kết hợp mô hình ăn uống và cà phê. Tháng 11/2022, thương hiệu này công bố nhận diện mới tại thị trường nước ngoài, với tên Phở VieThin. Tất cả hoạt động mở cửa hàng mới, ký kết với đối tác nước ngoài, Giám đốc Đoàn Hải Trung đều có mặt.

Có thể thấy, ông Đoàn Hải Trung đang xây dựng hệ thống cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc theo mô hình nhượng quyền và đối với công ty VieThin thì ông Nguyễn Trọng Thìn không có lợi ích trực tiếp (không nắm giữ cổ phần).

Mới đây, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Trọng Thìn (trùng tên với ông chủ của Phở Thìn truyền thống) đã tố cáo ông Đoàn Trung Hải “ăn cắp” thương hiệu của mình với những lời lẽ rất khó nghe. Để biết liệu một nhãn hiệu có được coi là bị đánh cắp hay xâm phạm hay không, chúng ta cần phải xem xét rút cuộc đâu mới là doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu đó.

Cả hai bên tranh chấp đều không sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn

Khi tra cứu nhãn hiệu trên website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, có thể thấy cả 3 công ty do ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Trung Hải sở hữu đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu hình và nhãn hiệu chữ đối với thương hiệu Phở Thìn.

Phở Thìn: Hai công ty tranh chấp đều không sở hữu nhãn hiệu 2
Công ty do ông Thìn và ông Trung đều chưa đăng ký thành công nhãn hiệu (Ảnh: wipopublish)

Thay vào đó, một doanh nghiệp khác, mang tên Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội với đại diện pháp lý không phải là ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Trung Hải mới là bên sở hữu nhãn hiệu mà hai bên tranh chấp đang sử dụng.

Phở Thìn: Hai công ty tranh chấp đều không sở hữu nhãn hiệu 3
Nhãn hiệu Phở Thìn đang thuộc về Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội (Ảnh: wipopublish)

Hiện tại, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội vẫn chưa đưa ra ý kiến của mình về sự việc trên.

Nhượng quyền thương mại một nhãn hiệu mà bản thân không sở hữu?

Luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm, công tác tại Văn Phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN, cho biết: “Pháp luật Việt Nam không sử dụng thuật ngữ nhượng quyền thương hiệu như cách gọi phổ biến của truyền thông. Thay vào đó, pháp luật chỉ quy định về nhượng quyền thương mại và định nghĩa về thuật ngữ này tại Điều 284 Luật Thương mại 2005. Trong nhượng quyền thương mại, thông thường các bên sẽ thỏa thuận kèm theo việc chuyển giao nhãn hiệu hoặc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Việc chuyển giao hay chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ”.

Theo quy định, chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác (Hay nói nôm na là “mua đứt bán đoạn” nhãn hiệu). Trong khi đó, chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình (Nói nôm na là “cho thuê” nhãn hiệu).

Có thể thấy, trong thời điểm hiện tại, ông Đoàn Hải Trung đang xây dựng hệ thống cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc theo mô hình nhượng quyền ở nhiều cơ sở trong nước và nước ngoài. Theo đó, việc nhượng quyền này dường như có kèm theo cấp quyền đối với nhãn hiệu và cần phải tuân thủ những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tuy vậy, như đã nêu, cả ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung đều không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn cho đến thời điểm hiện tại. Vậy ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung liệu “có đang nhượng quyền kèm theo nhãn hiệu nhưng trong đó có nhãn hiệu mà mình không sở hữu?”

Theo luật sư Hải Lâm, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tức phải trải qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ (Điều 6.3a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).

Vì vậy, nếu nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đó chưa phát sinh. Trong hoạt động nhượng quyền, bên nhượng quyền không thể chuyển giao hay cấp quyền sử dụng nhãn hiệu nếu chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Về nguyên tắc, anh không thể trao cho người khác điều mà anh không có (không có quyền đối với nhãn hiệu thì không đặt ra việc chuyển giao quyền hay cấp quyền sử dụng).

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Công ty của ông Thìn hoặc ông Hải có quyền sử dụng từ việc nhận chuyển giao hoặc được quyền sử dụng nhãn hiệu từ một bên thứ ba.

Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu từ bên thứ ba, công ty của ông Thìn hoặc ông Hải phải tuân thủ quy định về hình thức hợp đồng (lập thành văn bản), việc đăng ký với Cơ quan Nhà nước. Thông thường, việc đăng ký này được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận trên Công báo về sở hữu công nghiệp, mọi người đều có thể tiếp cận.

Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu thì chỉ cần tuân thủ quy định về hình thức hợp đồng (lập thành văn bản). Tuy nhiên, khi đó cần phải xem xét phạm vi cấp quyền tới đâu (thời hạn, phạm vi… được cấp quyền), có bao gồm việc cấp quyền lại cho bên thứ ba trong hoạt động nhượng quyền hay không? Nếu bên nhượng quyền không được phép cấp quyền sử dụng lại cho bên thứ ba thì việc nhượng quyền thương mại, trong đó có việc chuyển nhượng hoặc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên nhận nhượng quyền là không phù hợp.

Một lưu ý khác, việc chuyển nhượng hay chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu đều phải được lập thành văn bản. Đối với việc chuyển nhượng nhãn hiệu thì hợp đồng chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Đối với chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu thì thoáng hơn một chút. Theo đó, hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên (Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).

Nhượng quyền là một hoạt động rất phổ biến trong ngành F&B (dịch vụ thực phẩm). Có thể thấy, hiện nay, thu nhập từ nhượng quyền (trong đó có thu nhập từ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu) chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu của nhiều công ty thuộc ngành này. Tuy vậy, rất nhiều công ty vẫn chưa đề cao hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác thực hiện hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ và đánh mất cơ hội tạo ra doanh thu của chính doanh nghiệp mình.