Phương án thành phố trực thuộc Trung ương không quận của Quảng Ninh

Tùng Anh - 09:03, 19/05/2023

TheLEADERTheo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên không có quận.

Phương án thành phố trực thuộc Trung ương không quận của Quảng Ninh
Phương án thành phố trực thuộc Trung ương của Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh có ý tưởng về mô hình thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Trong đó, Quảng Ninh sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông,...

Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, địa phương này sẽ phát triển các đô thị theo đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành.

Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 2 quận, phải triển khai đầu tư, nâng cấp 7/12 đơn vị hành chính cấp huyện đạt tiêu chí đô thị loại I. 

Hiện nay, Quảng Ninh đang tham khảo, vận dụng mô hình Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương của thành phố Huế.

Các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (Hải Hà hợp nhất với Móng Cái) được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường); tổng diện tích tự nhiên 4.025,48 km2; dân số thường trú 978.348 người, dân số đô thị đạt 848.228 người (chiếm 86,7%).

Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá cho thấy, tỉnh Quảng Ninh có khả năng đạt được các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị nêu trên, phấn đấu đạt được cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo tiêu chí, đồng thời phát triển đô thị đạt được các tiêu chí của đô thị loại I.

Quảng Ninh với mô hình đô thị mới
Đánh giá khả năng đạt được các tiêu chí của Thành phố trực thuộc Trung ương

Đối với các tiêu chí của đô thị loại I, tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý đến tiêu chí mật độ dân số. Do điều kiện tự nhiên, mật độ dân số trên toàn tỉnh sẽ không đạt được tiêu chí theo yêu cầu, tuy nhiên tiêu chí về mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị là một tiêu chí quan trọng và có thể đạt được, nếu hướng đến phát triển theo hướng tập trung, không dàn trải.

Hiện nay, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 2 đô thị và 1 thị trấn được công nhận đô thị loại IV và 4 thị trấn được công nhận đô thị loại V. Cùng với đó, Quảng Ninh còn có 2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu. Tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt tới 67,5%.

Theo phương án đề ra, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, thành phố Hạ Long là đô thị loại I; thành phố Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái là đô thị loại II; thị xã Quảng Yên, Đông Triều và đô thị Vân Đồn là đô thị loại III; thị trấn Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà là đô thị loại IV; thị trấn Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô là đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa 70-75%.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị. Bên cạnh Hạ Lon thì Móng Cái – Hải Hà, Uông Bí, Cẩm Phả sẽ được nâng cấp lên đô thị loại I. Quảng Yên, Đông Triều và Cái Rồng sẽ là đô thị loại II với chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật đạt đô thị loại I. Tiên Yên được nâng cấp lên đô thị loại III. Đầm Hà, Bình Liêu-Hoành Mô-Đồng Văn, Cô Tô là các đô thị loại IV. Thị trấn Ba Chẽ là đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa trên 75%.