PMI tháng 9 chạm đáy 10 tháng, niềm tin kinh doanh tăng trở lại

Hoài An - 10:08, 01/10/2018

TheLEADERChỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 9 của Việt Nam cho thấy giá cả đầu ra giảm lần đầu tiên trong 13 tháng, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cũng như việc làm đều tăng chậm hơn; nhưng niềm tin kinh doanh đang tăng trở lại.

Theo công bố từ Nikkei – IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất – đã giảm từ mức 53,7 điểm trong tháng 8 còn 51,5 điểm trong tháng 9.

Tốc độ cải thiện tình hình của lĩnh vực sản xuất đã chậm lại trong ba tháng liên tiếp, với mức cải thiện điều kiện kinh doanh gần đây nhất được ghi nhận là yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, các điều kiện sản xuất kinh doanh cũng được ghi nhận là đã cải thiện hơn trong suốt 34 tháng qua.

Nhân tố chính làm giảm chỉ số PMI trong tháng 9 là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn. Sản lượng ngành sản xuất tăng với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 3, và do đó có mức tăng trưởng chậm lại tháng thứ ba liên tiếp.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng ở mức vừa phải, và là mức tăng chậm nhất trong 16 tháng.

Việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã tăng trong tháng vừa qua nhưng tốc độ tạo việc làm đã xuống mức yếu nhất kể từ tháng 8/2017.

Một khía cạnh tích cực hơn là mức độ niềm tin trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục của tháng 8. Các kế hoạch phát triển của công ty và kỳ vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho tinh thần lạc quan về sản lượng tăng trong năm tới.

Mặc dù giá cả đầu vào tiếp tục tăng vào cuối quý III nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và yếu hơn so với mức tăng trung bình trong cả thời kỳ. Mức tăng chi phí chậm hơn đã giúp các công ty giảm giá cả đầu ra, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài một năm trở lại đây.

Theo những người trả lời khảo sát, những nỗ lực bảo đảm doanh thu trong bối cảnh các điều kiện thị trường cạnh tranh là nguyên nhân dẫn đến giảm giá đầu ra.

Các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, nhưng mức độ gia tăng đã giảm xuống mức thấp của sáu tháng. Tốc độ tăng tồn kho hàng mua cũng chậm lại và chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, tồn kho hàng hóa thành phẩm đã giảm lần đầu tiên trong ba tháng.

Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá: “Như đã được ghi nhận trong suốt quý III năm nay, tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong tháng 9. Trong khi nhìn chung vẫn ở mức tích cực, nhu cầu đã tăng chậm hơn so với quý II”.

“Tốc độ tăng chi phí đầu vào cũng tiếp tục giảm nhẹ, từ đó các công ty có thể giảm giá bán hàng để bảo đảm duy trì số lượng đơn đặt hàng mới. Trên thực tế, giá cả đầu ra trong tháng 9 đã giảm lần đầu tiên trong hơn một năm”.