Quảng Ninh giải bài toán phát triển gắn với bảo vệ môi trường

Hạ An - 09:00, 05/12/2023

TheLEADERPhát triển kinh tế - xã hội đột phá và những thách thức về môi trường luôn là bài toán khó cho các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua.

Quảng Ninh giải bài toán phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh

Quảng Ninh là địa phương có địa chiến lược quan trọng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng phải đối diện với nhiều thách thức về môi trường. Do đó, công tác bảo vệ môi trường luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và môi trường; bảy KCN và bốn cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Riêng TP. Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý cục bộ, sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. 

Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương kiểm soát bụi, khí thải, để làm giảm tối đa lượng bụi phát tán vào môi trường.

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng có cách làm hay với việc thực hiện các giải pháp gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường. 

Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh đã triển khai chương trình Vracbank "Gửi rác - Rút tiền" từ tháng 4/2022. Cán bộ, nhân viên công ty và người dân sẽ mang rác tới Vracbank để đổi lấy tiền. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được công ty triển khai thí điểm đặt tại nhà máy Xi măng Lam Thạch (phường Phương Nam, TP. Uông Bí). 

Toàn bộ lượng rác thải thu gom là nguồn nguyên liệu đầu vào để công ty hiện thực hóa ý tưởng đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy kraft dùng trong bao bì xi măng. 

Mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, nhân viên, người dân tại 10/10 phường trên địa bàn TP. Uông Bí. Tổng khối lượng rác thu nhận được trong năm 2022 là trên 358 tấn, tương ứng khoảng 683 triệu đồng.

Đến nay, chương trình đã thực sự trở thành hoạt động nổi bật, ý nghĩa, hiệu quả trong việc phân loại rác, tái chế, tái sử dụng rác thải, biến rác thải thành tiền. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, chương trình đã thu gom được trên 98,5 tấn rác thải, tương ứng hơn 378 triệu đồng.

Cùng với mô hình thu gom rác của Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh, nhiều hoạt động thiết thực, nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu khác cũng được các tổ chức, địa phương trong tỉnh thực hiện, duy trì và nhân rộng. 

Điển hình như mô hình đan làn đi chợ của Chi hội Phụ nữ khu 10 (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long). Từ cuối năm 2022, phụ nữ khu 10 thường xuyên thu gom dây buộc gạch ở các công trình xây dựng về làm sạch, uốn thẳng, rồi đan thành những chiếc làn xinh xắn, nhiều màu sắc, sử dụng đựng đồ, đi chơi, đi chợ, góp phần hạn chế việc sử dụng túi nilon.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 10, chia sẻ: Sản phẩm làm ra được Hội Liên hiệp phụ nữ phường hỗ trợ tiêu thụ bằng nhiều kênh bán hàng như qua mạng xã hội facebook, hội chợ, triển lãm... Số tiền thu được từ việc bán làn được sử dụng để hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, qua đó, không chỉ góp phần giảm rác thải nhựa, đem lại môi trường xanh, mà còn giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn.

TP. Cẩm Phả là trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, việc di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư cũng là chủ trương được thành phố quyết liệt triển khai nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao của nhân dân.

Để di dời hơn 430 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư, TP. Cẩm Phả đã đầu tư xây dựng CCN Cẩm Thịnh quy mô 75ha, đưa vào sử dụng từ năm 2019 với tổng kinh phí đầu tư 739 tỷ đồng.

Nhằm thu hút các hộ kinh doanh tiểu thủ công nghiệp vào sản xuất tập trung tại CCN Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả đã đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác, qua đó kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, tạo sự đồng thuận của các chủ cơ sở tiểu thủ công nghiệp về chủ trương di dời đến nơi sản xuất tập trung.

Đến nay, TP. Cẩm Phả đã di dời được 340/435 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đạt trên 78% kế hoạch. Trong đó có 43 cơ sở đã vào CCN Cẩm Thịnh, 124 cơ sở chuyển đổi ngành nghề, 173 cơ sở chấm dứt hoạt động.