Quyền lực của người tiêu dùng trong bảo vệ môi trường

Phạm Sơn - 10:14, 10/04/2021

TheLEADERNgười tiêu dùng cần sử dụng quyền lực từ việc đưa ra quyết định mua sắm để thể hiện thái độ với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với môi trường, qua đó tạo sức ép thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Quyền lực của người tiêu dùng trong bảo vệ môi trường
Sản phẩm nước khoáng sử dụng chai nhựa tái chế của La Vie, thành viên của PRO Việt Nam nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.

Trong nền kinh tế thị trường, quyết định giữa lựa chọn mua hay không mua của người tiêu dùng được coi là một trong những quyền lực cao cấp, hay còn được gọi là “quyền lực thứ năm” (cùng với quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền lực của báo chí, truyền thông).

Cụ thể, thông qua việc đưa ra quyết định chi tiêu, cộng đồng người tiêu dùng có thể định hướng thị trường, quyết định doanh thu, lợi nhuận hay thậm chí là cả sự sống còn của doanh nghiệp. Cũng vì vậy, câu nói “khách hàng là thượng đế” đã trở thành phương châm kinh doanh của nhiều công ty, tập đoàn.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng chủ yếu quan tâm tới giá cả, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ thì hiện nay, cùng với sự phát triển của thị trường và nền kinh tế, vòng tròn quan tâm của người tiêu dùng đang mở rộng ra cả những lĩnh vực khác, liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như tác động của sản phẩm, dịch vụ với môi trường và xã hội.

Sự kiện người tiêu dùng đồng loạt lên tiếng “tẩy chay” H&M sau khi có thông tin thương hiệu thời trang này đăng tải hình ảnh xâm phạm đến chủ quyền biển đảo Việt Nam là minh chứng rõ nét cho điều này. Trong nhiều trường hợp, phản ứng của người tiêu dùng có thể tạo ra hiệu quả hơn cả chế tài của pháp luật.

Sử dụng "quyền lực thứ năm" trong bảo vệ môi trường

Mới đây, Công ty Hương Dừa tại Bến Tre đã bị xử phạt hành chính vì hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường, với số tiền phạt là 370 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra trong vòng 30 ngày. Tỉnh Quảng Ninh cũng vừa ra quyết định xử phạt 200 triệu đồng với 2 doanh nghiệp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang làm trái quy định của pháp luật về ô nhiễm môi trường nhưng chưa bị xử lý. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng không có ý thức trong việc cải tiến sản phẩm theo hướng giảm rác thải sau khi tiêu dùng, gây khó cho công tác thu gom, xử lý.

Trong những trường hợp như vậy, sự “nói không” của người tiêu dùng là công cụ hữu dụng nhất để tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế xả thải, không tận diệt tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, đây cũng như một lời “đánh tiếng” cho các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường, các tổ chức phát triển hay thậm chí là các đối tác của doanh nghiệp có hành động can thiệp, xử lý thích hợp.

Mặt khác, điều này giúp tạo ra tính công bằng cho thị trường, tạo sân chơi lành mạnh giúp các doanh nghiệp có trách nhiệm, có tầm nhìn bền vững thực sự được đón nhận và phát triển.

Gần đây, La Vie, một thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa cho ra mắt dòng sản phẩm nước đóng chai sử dụng chai nhựa làm từ vật liệu tái chế. Nhiều siêu thị bán lẻ cho biết, sản phẩm này đang tăng trưởng nhanh về doanh số, cho thấy sự phản hồi tích cực từ phía thị trường.

Theo PRO Việt Nam, cơ chế thị trường lành mạnh và công bằng chính là biện pháp thúc đẩy những mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, điển hình là mô hình kinh tế tuần hoàn.

Qua đó, người được hưởng lợi thực sự vẫn sẽ là người tiêu dùng, khi được sử dụng những sản phẩm, dịch vụ an toàn, chất lượng, được tận hưởng môi trường sống trong sạch, có lợi cho sự phát triển.