Rất ít doanh nghiệp Việt đạt chuẩn 'thân thiện với trẻ em'

Quỳnh Như - 10:49, 25/01/2019

TheLEADERTheo chuyên gia UNICEF, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức rằng, quyền trẻ em không phải chỉ là việc không sử dụng lao động trẻ em mà nên nhìn dưới góc độ rộng hơn, xem những chính sách nhân sự - chiến dịch truyền thông – quá trình sản xuất sản phẩm… tác động trực tiếp hay gián tiếp thế nào lên trẻ em.

Rất ít doanh nghiệp Việt đạt chuẩn 'thân thiện với trẻ em'
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp thân thiện với trẻ em sẽ dễ gây thiện cảm hơn

Trẻ em là đối tượng thụ hưởng đặc biệt mà nhiều nhà xã hội học khuyên các doanh nghiệp nên hướng tới mỗi khi muốn làm từ thiện nhân đạo (CSR) hay từ thiện phát triển (CSV). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do chưa nhận thức đầy đủ về quyền trẻ em hay về những nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em nên các doanh nghiệp thường ít quan tâm tới trẻ em hoặc hỗ trợ hời hợt mỗi khi muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo ông Lê Quang Vinh – CEO Công ty NexEdu, kết quả từ dự án khảo sát trực tuyến 103 doanh nghiệp cùng 20 cuộc phỏng vấn sâu về vấn đề nêu trên, rất đáng cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội – NGOs hay Chính phủ phải suy ngẫm.

72% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, trẻ em là đối tượng dưới 16 tuổi, chưa phải là người trong độ tuổi lao động để có thể trở thành nhân viên của họ nên doanh nghiệp không cần quan tâm. 50% doanh nghiệp chưa từng nghe đến 10 nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của UNICEF, mặc dù 98% đã biết đến quyền trẻ em.

Rất nhiều doanh nghiệp không sản xuất đồ tiêu dùng cho trẻ em, họ không liên quan gì đến trẻ em, ví dụ: như công ty sản xuất xăng dầu; nhưng thật ra, tất cả doanh nghiệp trên thế giới này đều liên quan đến trẻ em – trực tiếp hay gián tiếp, có thể là con em của cán bộ công nhân viên trong công ty, trẻ em trên địa bàn hoạt động – kinh doanh, trẻ em xem những quảng cáo – chương trình marketing của doanh nghiệp….

Và, mặc dù 68% doanh nghiệp khảo sát cho rằng: nếu áp dụng các nguyên tắc kinh doanh của UNICEF có thể "thúc đẩy môi trường kinh doanh ổn định – bền vững", 63,1% thấy sẽ giúp "nâng tầm thương hiệu", 71% nghĩ trẻ em quan trọng với doanh nghiệp; nhưng do nhận thức chưa đầy đủ nên chỉ có đúng 2 nguyên tắc được nhận biết – thực hành tốt nhất là "xóa bỏ lao động trẻ em" và "đảm bảo bảo ản toàn cho trẻ trong các cơ sở kinh doanh".

Theo đó, nhiều doanh nghiệp có tham gia từ thiện cứu trợ trẻ em thường niên nhưng theo kiểu tự phát, không có chiến lược cụ thể hoặc kế hoạch dài hơi; 47% không dành nguồn ngân sách riêng cho trẻ em, 52% khẳng định đã và đang quan tâm tới trẻ em vừa phải, 20% chưa quan tâm, 40% doanh nghiệp thú nhận chưa từng hợp tác với các NGOs vì 47% không biết NGOs sẽ làm tốt hơn mình.

Để có thể phát triển nhiều hơn những doanh nghiệp thân thiện với trẻ em, NGOs cần truyền thông mạnh mẽ về các nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của UNICEF và lợi ích của chúng đối với doanh nghiệp. Xây dựng mô hình mẫu tại Việt Nam và xây dựng năng lực cho doanh nghiệp mảng này, không chỉ là từ thiện nhân đạo mà là từ thiện phát triển.

Truyền thông mạnh mẽ và kết nối các NGOs trong lĩnh vực trẻ em với doanh nghiệp để hợp tác xây dựng các chương trình chia sẻ giá trị. Nhà nước nên thường xuyên tổ chức các hội thảo chia sẻ ý tưởng, xây dựng mạng lưới doanh nghiệp cùng hướng đến mục tiêu ‘doanh nghiệp thân thiện với trẻ em’. Doanh nghiệp và NGOs vận động chính sách để có khuôn khổ pháp lý phù hợp như ưu đãi chính sách như thuế cho các hoạt động, dự án bảo đảm quyền trẻ em”, ông Lê Quang Vinh khuyến nghị các bên.

Rất ít doanh nghiệp Việt đạt chuẩn 'thân thiện với trẻ em'
Ông Lê Quang Vinh - CEO Công ty NexEdu. Ảnh: NexEdu

Cũng theo ông Vinh, doanh nghiệp nhỏ hay vừa, lớn đều có thể bắt đầu quan tâm tới quyền trẻ em ngay từ bây giờ. Doanh nghiệp lớn cho cần câu, doanh nghiệp nhỏ cho trẻ em cán câu, dây câu hoặc lưỡi câu; dù cho cái gì thì doanh nghiệp cũng nên có một kế hoạch chia sẻ giá trị lâu dài để có những tác động bền vững.

Để có thể nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thân thiện với trẻ em tại Việt Nam, theo bà Nazia Ijaz - Chuyên gia hợp tác doanh nghiệp UNICEF Việt Nam cho rằng, cần có sự kết hợp tốt giữa doanh nghiệp và NGOs. NGOs phải giúp các doanh nghiệp thay đổi nhận thức rằng, quyền trẻ em không chỉ là việc không sử dụng lao động trẻ em mà nên nhìn dưới góc độ rộng hơn, để xem những chính sách nhân sự - chiến dịch truyền thông – quá trình sản xuất sản phẩm… tác động trực tiếp – gián tiếp lên trẻ em như thế nào.

Ví dụ: chăm lo cho đời sống bà mẹ mang thai trong công ty, quan tâm nhiều hơn đến con cái cán bộ công nhân viên trong công ty hoặc con cái của khách hàng. Hay cách nói "doanh nghiệp thân thiện với trẻ em" rõ ràng dễ gây thiện cảm hơn là "doanh nghiệp bảo đảm quyền trẻ em".

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có cả “ngân hàng ý tưởng” về từ thiện phát triển cho trẻ em nhưng không phải ai cũng làm được hoặc chỉ làm trong nội bộ công ty, không thể lan tỏa ý tưởng tốt đẹp đó ra toàn xã hội. Với cương vị là chuyên gia của UNICEF, bà Nazia từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn có ý tưởng tốt nhưng khi triển khai lại không hiệu quả trong thực tế, một số doanh nghiệp có tiền, thử làm và liên tục sai khiến họ nản chí.

Thế nên, khi tiến hành bất cứ chương trình từ thiện phát triển nào, theo bà Nazia, nếu được, các doanh nghiệp hãy hợp tác với một NGO hoặc tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực này, để có được một dự án hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Cuối cùng, NGOs phải làm cho các doanh nghiệp hiểu rằng, vì sao chi tiền vào từ thiện phát triển cho trẻ em là đầu tư chứ không phải chi phí, doanh nghiệp sẽ nhận lại được điều gì từ số tiền đã bỏ ra.

Trong tất cả, theo bà Nazia, đầu tư vào giáo dục là một cách từ thiện phát triển hiệu quả nhất, đặc biệt là tại Việt Nam, giáo dục còn nhiều dư địa phát triển. Doanh nghiệp có thể trao học bổng, trang bị cho các học sinh các kỹ năng mềm, hướng dẫn giáo viên phương pháp giáo dục cho phép học sinh tự học – được phép sai – được phép sáng tạo.

Hoặc phức tạp hơn, như cách ông Đặng Tư Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) đang làm. Hiện tại, VIGEF đang triển khai chương trình sách giáo khoa mới, bởi theo ông Ân, đổi mới giáo dục không phải là đầu vào kiến thức - đầu ra cũng kiến thức, mà phải là đầu vào kiến thức - đầu ra năng lực làm việc. Giáo dục chính là hướng dẫn cho các em học sinh cách suy nghĩ và hành động đúng. Với phương pháp giáo dục mới này, tất nhiên những giáo viên với tư duy cũ như hiện tại không thể phù hợp, thế nên buộc phải huấn luyện lại họ.