Rủi ro thay đổi chính sách thu hút FDI vào Việt Nam

Nguyễn Lê - 16:02, 07/12/2017

TheLEADERTrải qua 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn bởi chi phí nhân lực rẻ và môi trường chính trị ổn định nhưng vẫn có tồn tại những rủi ro đầu tư.

Năm 2017 đánh dấu một mốc rất ý nghĩa - 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.Theo thống kê, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

"Các doanh nghiệp FDI là một yếu tố quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam”, Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra sáng nay (7/12).

Báo cáo của Ngân hàng thế giới về môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc và xếp thứ 68/190 nền kinh tế. Trong đó, chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190, đây được đánh giá là yếu tố tác động tích cực nhất tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục như cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát triển đồng bộ, tương xứng với tiềm năng tăng trưởng, chất lượng nhân lực còn khá thấp, dịch vụ công yếu kém và đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa ổn định, điển hình là luật thuế thay đổi nhanh và liên tục, gây ra nhiều rào cản, vướng mắc cho doanh nghiệp.

"Trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro", ông Đậu Anh Tuấn nói.

Đầu tư FDI Việt Nam: Rủi ro thị trường không lớn bằng rủi ro chính sách
Đầu tư FDI Việt Nam: Rủi ro thị trường không lớn bằng rủi ro chính sách

Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff cho biết, các thành viên của AmCham lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Adam cũng đưa ra những quan ngại về những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông dẫn ví dụ về những quy định mới của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài (văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư) được trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, tạo ra nhiều thách thức cho các công ty nước ngoài.

Hay Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị Việt nam chỉ có thể làm viêc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia. 

Yêu cầu này không chỉ đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc “đối xử quốc gia” theo Hiệp định WTO mà còn hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm và dịch vụ trong nước và quốc tế khi họ quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên các nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook.

Nói về những khiếm khuyết của về chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: “Rõ ràng đã xảy ra xung đột lợi ích của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp với lợi ích dân tộc; trong khi môi trường đầu tư cần được cải thiện, cần giảm mạnh chi phí cơ hội cho các dự án FDI, thực hiện bình đẳng về luật pháp giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI... thì lợi ích cục bộ đã trở thành lực cản lớn nhất cho quá trình phát triển”.

Theo đó, ông đề nghị chính phủ cần hình thành định hướng và chính sách mới về FDI, bao gồm:

(1) Cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,..trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở địa phương còn kém phát triển.

(2) Ngoài việc coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến 20/11, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.

(3) Điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương. 

Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước hoặc trong từng vùng lãnh thổ.

Kiên quyết không lực chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. 

Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày, nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.

(4) Coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước, hướng đến mục tiêu một triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô lớn hơn nhiều lần hiện tại.